Đưa Luật Khí tượng thủy văn vào cuộc sống

Tuyết Chinh - Hải Ngọc| 07/11/2019 09:58

(TN&MT) - Để thực hiện có hiệu quả việc đưa Luật Khí tượng thủy văn (KTTV) vào thực tiễn cuộc sống cần sự chung tay của các cấp, các ngành và chính quyền các tỉnh, thành phố trên cả nước, đồng thời, phải đẩy mạnh tuyên truyền Luật cũng như những tác động của Luật đối với đời sống xã hội.

Từng bước hoàn thiện

Luật KTTV được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Trong đó, Luật đã quy định chặt chẽ về các hoạt động KTTV bao gồm các lĩnh vực cơ bản: Quản lý, khai thác mạng lưới trạm; dự báo, cảnh báo; thông tin, dữ liệu; phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn; giám sát biến đổi khí hậu; tác động vào thời tiết.

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết, ngay sau khi Luật được Quốc hội thông qua, Bộ TN&MT đã giao cho Cục KTTV&BĐKH, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia và các đơn vị đẩy mạnh việc hoàn thiện các văn bản dưới Luật như các Nghị định, Thông tư quy định hướng dẫn chi tiết các nội dung thi hành luật. Đáng chú ý là Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật KTTV.

Trong quá trình triển khai thực hiện Luật, thông qua rà soát Nghị định số 173/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ cho thấy, việc phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm lĩnh vực khí tượng thủy văn còn nhiều bất cập. Việc đấu tranh với các hành vi vi phạm chủ yếu tập trung vào vấn đề bảo vệ hành lang an toàn kỹ thuật công trình KTTV.

Trong khi đó, các vi phạm khác trong lĩnh vực KTTV hầu như chưa được xem xét xử lý, giải quyết. Hành lang pháp lý làm cơ sở cho việc xem xét, xử lý vi phạm trong lĩnh vực KTTV vừa thiếu, vừa chưa đồng bộ. Số lượng hành vi vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định số 173 còn ít, chưa đủ bao quát thực tiễn.

Trước thực tế này, Luật KTTV và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đã quy định nhiều nội dung cần phải có chế tài xử lý trong quá trình triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, một số văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 liên quan tới trách nhiệm của cơ quan TN&MT, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực KTTV cũng đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện, đồng bộ pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tương ứng.

Theo ông Hoàng Đức Cường, cùng với các Thông tư quy định chi tiết Luật KTTV, sau khi Luật KTTV có hiệu lực, đến nay, đã có gần 30 Thông tư và các quy định chi tiết về định mức kinh tế kỹ thuật, quy chuẩn quốc gia có căn cứ từ Luật này được ban hành.

“Nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTTV, hiện nay, Tổng cục KTTV đang nghiên cứu, xây dựng, trình Bộ TN&MT ban hành các Thông tư quy định kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến hoạt động quan trắc, dự báo, cảnh báo KTTV, thông tin dữ liệu KTTV và quản lý chất lượng phương tiện đo KTTV. Đồng thời, Tổng cục cũng nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai; Quyết định số 632/QĐ-TTg quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên các sông thuộc phạm vi cả nước”, ông Cường thông tin.

Tập trung tuyên truyền đưa Luật vào cuộc sống. Ảnh: Hoàng Minh

Chủ động tuyên truyền Luật

Với hệ thống văn bản dưới Luật, hướng dẫn thi hành Luật đang ngày càng hoàn thiện, Luật KTTV năm 2015 đã cơ bản giải quyết toàn bộ những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với lĩnh vực KTTV. Không chỉ tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động chuyên môn KTTV, quan trọng hơn, Luật sẽ tạo ra khung khổ pháp lý và tạo ra bước thay đổi quan trọng cho công tác quản lý Nhà nước về KTTV; bảo đảm điều kiện cho các hoạt động KTTV phát triển, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản.

Để Luật KTTV đi vào thực tiễn cuộc sống, ngay sau khi Luật có hiệu lực, Trung tâm KTTV quốc gia trước đây, nay là Tổng cục KTTV đã chủ động triển khai tuyên truyền Luật KTTV đến các cấp chính quyền và nhân dân. Trong đó, tập trung vào những vấn đề cấp thiết liên quan đến trách nhiệm, quyền và lợi ích của các tổ chức cá nhân khi Luật có hiệu lực.

Đó là việc bảo vệ hành lang kỹ thuật công trình KTTV nhằm ngăn chặn các hành vi bị nghiêm cấm gây mất an toàn hành lang kỹ thuật các công trình KTTV trên toàn quốc; các quy định trong quản lý hoạt động dự báo, cảnh KTTV của tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia; thực hiện quy định về truyền, phát tin dự báo, cảnh báo thiên tai KTTV, sử dụng bản tin dự báo, cảnh báo KTTV...

“Bằng những trọng tâm tuyên truyền phổ biến và triển khai Luật KTTV, đến nay, hoạt động quản lý Nhà nước về KTTV đã được thiết lập một cách hiệu quả đến các cấp chính quyền, các tổ chức doanh nghiệp và cộng đồng xã hội”, ông Hoàng Đức Cường khẳng định.

Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật KTTV gồm 3 Chương với 37 Điều. Quy định chi tiết về các điều khoản Luật như: Quan trắc KTTV của chủ công trình và việc cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc KTTV; quy định về hành lang kỹ thuật công trình KTTV; dự báo, cảnh báo KTTV của tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia; khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu KTTV; trao đổi thông tin, dữ liệu KTTV, giám sát biến đổi khí hậu với tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài không thuộc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Cần chung tay của toàn xã hội

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả việc đưa Luật KTTV vào thực tế cuộc sống theo đúng với tinh thần của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định, ông Cường cho rằng, ngành KTTV cần tiếp tục nhận được sự chung tay của các cấp, các ngành và chính quyền địa các tỉnh/thành phố trong cả nước.

Trước mắt, Tổng cục sẽ tập trung cho việc ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng với cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý công trình KTTV; thực hiện có hiệu quả việc cắm mốc giới và công khai mốc giới hành lang kỹ thuật công trình KTTV.

Đặc biệt, trong công tác tuyên truyền về Luật KTTV cũng như những tác động của Luật đối với đời sống xã hội (nhất là các lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, giao thông); cần sự phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền luật thông qua hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể quần chúng ở cơ sở.

Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư xây dựng các chuyên trang/chuyên đề trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và Luật KTTV, các văn bản quy phạm pháp luật về KTTV lan tỏa sâu rộng đến với cộng đồng.

Năm 2020, ngành KTTV sẽ tập trung cho việc sửa đổi bổ sung Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai; Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia giai đoạn 2016 - 2015, tầm nhìn đến năm 2030.

Trên cơ sở đó, hướng đến mục tiêu hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực KTTV nhằm thể chế hóa hoạt động KTTV phục vụ mục tiêu phòng chống thiên tai, đảm bảo an ninh quốc phòng và là công cụ hiệu quả thúc đẩy sự phát triển ngành KTTV lên một tầm cao mới đi cùng với phát triển dịch vụ KTTV phục vụ hiệu quả kinh tế đất nước trong tương lai.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa Luật Khí tượng thủy văn vào cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO