Du lịch sinh thái Cát Bà: Hành trình vươn tầm thế giới

Phạm Duy | 29/09/2020 16:19

(TN&MT) - Nếu Maldives được ca tụng với những tạo hình ấn tượng hòa nhập với thiên nhiên thì Vịnh Lan Hạ (Cát Bà – Hải Phòng) cũng chẳng kém cạnh với điểm nghỉ dưỡng trên những hòn đảo nhỏ biệt lập, nơi có những bãi cát trắng phau trong không gian trầm tĩnh và trong lành cùng những căn “bungalow” nhỏ xinh, ẩn mình giữa sắc xanh ngát của núi, rừng, biển. Đằng sau hành trình mài dũa để Vịnh Lan Hạ trở thành“viên ngọc quý” của du lịch Cát Bà là cả quá trình đầy thử thách, gian truân …

Cát Bà là khu vực có đa dạng sinh học bậc nhất của các vùng biển Việt Nam, là Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận. Bởi chỉ với diện tích tự nhiên khoảng 320 km2 nhưng có tới hơn 3.800 loài động thực vật, trong đó có nhiều loại động thực vật đặc biệt quý hiếm trong sách đỏ. Cát Bà nằm trong cùng tổng thể và có mối liên kết chặt chẽ về địa lý và hệ sinh thái với vịnh Hạ Long.

Khu nghỉ dưỡng Monkey Island - Cát Dứa - Thiên đường giữa trần gian

Từ những người tiên phong…

Vườn quốc gia Cát Bà được thành lập theo Quyết định 79-CT ngày 31/3/1986 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ). Tháng 4 năm 2004, bằng quyết định số 333/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao quyền quản lý Vườn quốc gia Cát Bà từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về UBND thành phố Hải Phòng.

Tháng 7 năm 2006, chủ tịch UBND TP Hải Phòng - Trịnh Quang Sử ký quyết định số 1509/QĐ-UBND, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy, theo đó xác định Vườn quốc gia Cát Bà là đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động. Vườn có tư cách pháp nhân, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, được sử dụng con dấu riêng để hoạt động và giao dịch theo quy định của pháp luật.

Trong quyền hạn, cho phép Vườn được khai thác thế mạnh cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch sinh thái, điều dưỡng, phục vụ các hoạt động tham quan, nghỉ mát nhằm cải thiện đời sống nhân dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương, bảo vệ an ninh quốc phòng vùng biên giới, hải đảo. Ngày 24/3/2009, UBND thành phố có quyết định số 492/QĐ-UBND, thành lập Trung tâm Dịch vụ du lịch và Giáo dục môi trường, là đơn vị sự nghiệp có thu, tự đảm bảo chi phí thường xuyên, không được cấp ngân sách, thay mặt Vườn để thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch sinh thái…

Ngày 04 tháng 12 năm 2012, chủ tịch Dương Anh Điền thay mặt UBND thành phố Hải Phòng ký quyết định số 2119/QĐ-UBND , phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Cát Bà. Theo đó cho phép xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù: Du lịch trải nhiệm; du lịch cộng đồng; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch giáo dục …

Sau khi Trung tâm Dịch vụ du lịch và Giáo dục môi trường được thành lập, cơ chế đã thông thoáng, quyền hạn trao tay, nhưng làm sao để du lịch Cát Bà cất cánh là bài toán nan giải. Du lịch Cát Bà vốn lấy tắm biển làm trọng tâm, với đặc thù khí hậu phía Bắc, khách du lịch chỉ tập trung vào mùa Hè, vì vậy thu hút những nhà đầu tư có kinh nghiệm để phát triển là rất khó khăn.

Tại khu nghỉ dưỡng Vạn Bội, du khách có thể đi bộ trải nghiệm trên mặt biển, ngắm rạn san hô.

Khu nghỉ dưỡng Nam Cát - Vịnh Lan Hạ, đẹp mê say lòng người !

Nhớ lại những ngày tháng đầy gian khó để thuyết phục các doanh nghiệp liên kết đầu tư với Vườn quốc gia Cát Bà, ông Phạm Văn Thương – Giám đốc trung tâm Dịch vụ du lịch và Giáo dục môi trường tâm sự: Khi được cấp trên tin tưởng trao quyền, chúng tôi quyết tâm phát triển du lịch để quảng bá Cát Bà, vừa tạo ra việc làm, thu nhập cải thiện đời sống nhân nhân nơi đây. Với nội lực vốn có, chúng tôi tin tưởng một ngày không xa, du lịch Cát Bà sẽ chẳng kém vịnh Hạ Long.

“Ngày ấy khách đến thăm Vườn đông, nhưng Cát Bà không không có nhiều điểm lưu trú khang trang, không có sản phẩm du lịch tạo điểm nhấn để giữ chân khách lâu hơn. Vườn đã báo cáo Sở chủ quản, xin ý kiến chính quyền địa phương và được đồng thuận chủ trương xây dựng mô hình dịch vụ du lịch sinh thái thí điểm. Có cơ chế rồi, lại tính sao để tìm được nhà đầu tư phù hợp, bởi đối với Cát Bà phải thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát triển song hành …”

“Tôi cùng với anh Hoàng Văn Thập (Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà) phải nhiều ngày lên Hà Nội thuyết phục các doanh nghiệp đầu tư về đây. Thông qua hợp tác với các công ty lữ hành trước đó, chúng tôi lựa chọn được một số nhà đầu tư tin cậy, nhưng khi nghe kế hoạch, họ chỉ cảm ơn rồi từ chối. Đối với các doanh nghiệp có kinh nghiệm, họ thừa hiểu rằng đầu tư ra Biển, Đảo là cả một kế hoạch tài chính lớn, dài hơi, thậm chí là bước ngoặt trong sự nghiệp, quản lý được để kinh doanh có lời không dễ…”

Ông Hoàng Văn Thập tiếp lời: “Những năm đó, đường ra Cát Bà không dễ dàng như bây giờ. Khách đi đường bộ phải qua hai lần phà, mất rất nhiều thời gian. Mọi kế hoạch phát triển kinh tế đều mông lung, mơ hồ … mà chúng tôi đi thuyết phục nhà đầu tư chỉ bằng tình yêu với thiên nhiên, rừng, biển. May sao ở những lúc tuyệt vọng nhất, mượn chén rượu, qua những câu chuyện, chúng tôi lại thuyết phục được ông Trịnh Phúc Mãn. Khi ông Mãn đầu tư ra Cát Dứa, nhiều doanh nghiệp khác là bạn làm ăn với ông cũng đồng hành và xin hợp tác với Vườn … ”

Ông Trịnh Phúc Mãn trước khi đầu tư ra Cát Dứa (Vịnh Lan Hạ) là một doanh nghiệp có tiếng về lữ hành tại Hàng Bè, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trong tay ông có cả đoàn xe du lịch tới 30 chiếc và 3 khách sạn tại Hà Nội. Khi đầu tư ra Cát Dứa, bà con ở bến Bèo vẫn quen gọi ông với giọng trêu đùa là “giám đốc quần sooc”, bởi cả ngày ông chỉ mặc quần sooc làm việc.

“… khi đầu tư ra Cát Bà, bạn bè can ngăn gọi tôi là ‘Mãn khùng’. Trong khi đang làm ăn tốt tại Hà Nội, đồng cảm được những tâm huyết của lãnh đạo Vườn, tôi bán hết khách sạn, đội xe để đầu tư ra Cát Dứa, Đảo Khỉ. Vợ tôi lúc đó rất buồn, nhưng tính tôi cố chấp, đã quyết là làm cho bằng được. Thời gian đầu ra đây, cả tháng tôi không về nhà, có những thời điểm chuyện hôn nhân trên bờ đổ vỡ…

Trên đảo lúc đầu chưa có nhiều cát và toàn rác, tôi phải mua riêng một chiếc thuyền và thuê người nhặt rác, chở rác … kẽo kẹt 6 tháng mới hết. Năm giờ chiều phải ăn cơm trong màn để tránh muỗi, đêm nằm rắn bò qua bụng... Năm năm đầu tiên tại đây là nỗi kinh hoàng đối với tôi, nhất là mỗi lúc bão về. Đó là những năm tháng tôi không bao giờ quên, nhiều lúc nhớ lại không hiểu sao mình lại vượt qua được để có ngày hôm nay…

Tiếp đó là mua hàng trăm ngàn khối cát trắng từ Quan Lạn chở về. Càng đầu tư, tôi càng ‘thấm’ cái tiếng ‘khùng’ mà bạn bè mắng. Theo cam kết với Vườn, tôi phải xây dựng khu lưu trú bằng những vật liệu thân thiện với môi trường như tre, nứa, gỗ. Một căn nhà loại này đắt gấp 5 lần tôi xây bằng bê tông, gạch thông thường. Đảo Cát Dứa nằm phía ngoài Vịnh, sóng gió thường lớn hơn. Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, sau vài bận mưa bão, bao tâm huyết, vốn liếng của tôi bị trôi ra biển, rồi tôi lại quyết tâm làm lại …

Trong những thời khắc gian khó, bên cạnh tôi là hơi ấm của gia đình, còn có những lời động viên từ các vị lãnh đạo địa phương, lãnh đạo thành phố. Ngày ấy, Bác Đỗ Trung Thoại – Phó Chủ tịch Thành Phố gắn bó với Vườn quốc gia Cát Bà nhiều nhất. Năm nào bác cũng ra động viên chúng tôi, vừa đầu tư bền vững, vừa giữ môi trường sinh thái, làm đẹp cảnh quan đón khách du lịch … rồi bác Nguyễn Văn Thành, lúc đó là Chủ tịch UBND Thành Phố (nay là Thứ trưởng Bộ Công An) ra thăm và nhắn nhủ lãnh đạo huyện tạo điều kiện cho những doanh nghiệp như chúng tôi đầu tư bám đảo …” – Ông Mãn kể lại.

Năm 2013, ông Mãn phải bán căn nhà cuối cùng tại Hà Nội để đầu tư ra Đảo Cát Dứa. Xuyên suốt câu chuyện đầy cảm động của ông, là hình ảnh về đức hy sinh, sự chung sức, đồng cam cộng khổ của người vợ - bà Trần Thị Cúc, một người con gái Hà Thành “chính hiệu” đã rời bỏ quê hương, theo chồng … làm lên điểm du lịch sinh thái ấn tượng mang tên Monkey Island hôm nay, góp phần đưa du lịch Cát Bà vươn tầm thế giới, thật đáng trân trọng !

Ngoài Monkey Island của ông Mãn, cùng liên doanh đầu tư với Vườn quốc gia Cát Bà để tạo lên quần thể du lịch sinh thái còn có: Castaway Island Resort; khu nghỉ dưỡng Nam Cát); Khu nghỉ dưỡng Vạn Bội ; Khu du lịch Thanh Bình tại phân khu Hành Chính ...

Những điểm du lịch này đã và đang là điểm nhấn ấn tượng cho du lịch Cát Bà, để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách trong nước và quốc tế. Không khó để nhận ra sự đóng góp của họ qua những lời quảng cáo của các công ty lữ hành quốc tế hay những bình luận trên mạng xã hội.

Những căn nhà lưu trú hoàn toàn bằng gỗ tại Monkey Island - Vịnh Lan Hạ

Bãi biễn cát trắng phau tại Monkey Island - Vịnh Lan Hạ

… Đến Di sản thiên nhiên thế giới

Công trình “Castaway Island Resort” trên Vịnh Lan Hạ của công ty Tùng Long được thiết kế bởi kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa đã vinh dự đoạt “Giải vàng - Arcasia Dhaka” năm 2019 diễn ra tại thành phố Dhaka của Bangladesh. Đây là một giải thưởng uy tín của Hội Kiến trúc sư châu Á được diễn ra hằng năm nhằm tôn vinh các công trình kiến trúc tiêu biểu của các kiến trúc sư châu Á cho các hạng mục công trình nhà riêng, công trình thương mại, công trình bền vững, công trình trách nhiệm xã hội, công trình công cộng, công sở…

Cơ hội để Cát Bà được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới sánh vai cùng vịnh Hạ Long đầy hứa hẹn khi mới đây, ngày 26/1/2020, Hiệp hội Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới (MBBW) gửi thư thông báo vịnh Lan Hạ đã được chấp thuận trở thành thành viên chính thức của hiệp hội.

Sau khi được MBBW đưa vào danh sách các vịnh biển đẹp nhất thế giới, vịnh Lan Hạ trở nên nổi tiếng hơn và là điểm nghỉ dưỡng hấp dẫn với du khách, nghệ sĩ trong nước và quốc tế.

Hồ sơ đề nghị công nhận Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới một lần nữa đã được gửi tới UNESCO, thành quả này, nếu đạt được sẽ phải ghi nhận sự đóng góp của các thế hệ lãnh đạo TP Hải Phòng, Vườn quốc gia Cát Bà cùng những doanh nghiệp tiên phong trong hành trình không biết mệt mỏi, gìn giữ, mài dũa “viên ngọc quý” Vịnh Lan Hạ trở nên đẹp huyền ảo như ngày hôm nay. Tạo ra cơ hội bảo tồn, phát triển bền vững của khu dự trữ sinh quyển này, đưa du lịch Cát Bà tiếp tục cất cánh.

Tháng 5/2020, tài tử Leonardo DiCaprio đăng video dài 58 giây trên Instagram, quay cảnh đẹp vịnh Lan Hạ từ trên cao và ví nơi đây là “thiên đường”. Bên cạnh đó, Leonardo còn lưu ý vùng vịnh nổi tiếng này đang bị đe dọa bởi nước thải nhựa, các hoạt động du lịch không bền vững và biến đổi khí hậu.

Castaway Island Resort hoàn toàn được làm bằng tầm vông - Ấn Tượng, thân thiện với môi trường.

Castaway Island Resort - Vịnh Lan Hạ - Ngắm toàn cảnh từ trên cao

Castaway Island Resort về đêm

Castaway Island Resort - Một công trình được thiết kế bởi kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa đã vinh dự đoạt “Giải vàng - Arcasia Dhaka” năm 2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch sinh thái Cát Bà: Hành trình vươn tầm thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO