Du lịch cộng đồng nơi miền Tây xứ Nghệ

Đình Tiệp| 29/03/2023 15:52

Rong ruổi khắp các huyện miền Tây xứ Nghệ, điều mà tôi ghi nhận được trong suốt cuộc hành trình là đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây vẫn còn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống rất độc đáo và đặc sắc. Và chính điều này đã làm nên bản sắc rất riêng trong phát triển du lịch cộng đồng khi khách du lịch được ăn, ngủ, sinh hoạt chung bầu không khí thắm đượm nền văn hóa bản địa...

Du lịch cộng đồng tạo sinh kế mới

Ở các huyện Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Châu...các kiến trúc nhà sàn cổ; trang phục, trang sức đặc trưng của đồng bào; văn hóa ẩm thực; các làn điệu dân ca, dân vũ như: Khắp, lăm, nhuôn; các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống khèn bè, sáo, pí, cồng chiêng, khắc luống, nhảy sạp...

Dẫn tôi lên với Làng du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến (xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu), anh Vi Văn Thi - Phòng Dân tộc huyện Quỳ Châu, khoe rằng, là con em địa phương, anh rất tự hào khi huyện nhà có một làng Thái cổ vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc và nay được phát triển thành làng du lịch cộng đồng.

1.jpg
Vẻ đẹp hoang sơ ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu.

Được biết, tại bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu) có 10 hộ tiên phong làm du lịch cộng đồng ở bản. Đây đã là năm thứ 7 bà con dân bản làm loại hình dịch vụ mới này và đã thu hút được khá nhiều du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

anh-2.jpg
Rừng săng lẻ cổ thụ tại huyện Tương Dương có vẻ đẹp cuốn hút.

Bà Lô Thị Tâm, chủ Homestay Từ Tâm, ở bản Hoa Tiến, chia sẻ: “Gia đình làm Homestay cũng được vài năm rồi, gia đình thấy rất vui khi được cùng với du khách trải nghiệm các trò chơi dân gian, hướng dẫn làm dệt thổ cẩm, nấu các món ăn dân tộc. Từ khi làm du lịch cộng đồng gia đình còn có thêm thu nhập khá ổn định, vừa giới thiệu được nét đẹp văn hóa của dân tộc mình đến du khách thập phương nên gia đình ai cũng rất phấn khởi”.

2.jpg
Homstay Từ Tâm ở xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu.

Nói về cái duyên làm du lịch cộng đồng, chị Lô Thị Hoa ở bản Nưa, xã Yên Khê, huyện Con Cuông, nhớ lại: “Cái duyên làm du lịch của tôi cũng đơn giản lắm, chuyện bắt đầu từ một bữa ăn, hôm đó có khách dưới xuôi lên, trưởng bản có đến nhờ tôi nấu ăn đãi khách. Thực sự lúc đó tôi chẳng biết người Kinh họ thích ăn những món gì, liệu tôi nấu theo cách của dân bản địa trên này thì khách có dùng được không, tôi cứ đứng băn khoăn mãi, tự nhiên tay run lên vì lo lắng, tính đi tính lại mãi sau đó tôi quyết định chọn các món đặc sản của người Thái để đãi khách.

Rất mừng, là hôm đó trong đoàn có một người khách nước ngoài, họ đặc biệt thích cách đón tiếp, mời khách của bà con chúng tôi, họ thích những món ăn của chúng tôi nấu, và ăn uống một cách rất ngon miệng. Sau khi về nước, họ gửi thư qua Ban quản lý Vườn quốc gia Pù Mát muốn chọn nhà tôi là một trong những điểm để làm du lịch cộng đồng”.

Qua tâm sự của bà Tâm, chị Hoa và nhưng gia đình làm du lịch cộng đồng khác chúng tôi biết rằng, sau nhiều năm "khởi nghiệp", nay làm du lịch cộng đồng đã dần trở thành nghề của bà con đồng bào người dân tộc Thái nơi đây. Họ cũng dần nâng cao "tay nghề" nhờ được tập huấn về cách thức làm du lịch, về cách giao tiếp, ứng xử, nấu nướng và nhiều sự hỗ trợ khác...Và, quan trọng nhất là tất các các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng đều có thu nhập ổn định, thoát nghèo, trở thành hộ khá trở lên.

3.jpg
Du khách nước ngoài thích thú thưởng thức các món ăn đặc sản đặc trưng của người Thái ở miền Tây xứ Nghệ.

Ông Sầm Văn Túc – Phó Chủ tịch UBND xã Châu Tiến, cho biết: Ở Châu Tiến có bản Hoa Tiến làm Du lịch cộng đồng đã góp phần bảo tồn, gìn giữ bản sắc và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; khai thác và phát huy các thế mạnh về tài nguyên du lịch tự nhiên và giá trị văn hóa của địa phương để phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, du lịch cộng đồng đã bước đầu tạo ra sinh kế mới góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, từng bước xóa đói, giảm nghèo cho người dân và dần xóa bỏ phong tục du canh, du cư; đồng thời, nâng cao ý thức của người dân về công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường.

5.jpg
Những tiết mục văn nghệ tái hiện văn hóa của người Thái ở Nghệ An.

“Xã Châu Tiến cũng mới xây dựng đề án phát triển du ịch cộng đồng đến năm 2025. Phấn đấu trong những năm tới trung bình mỗi ngày thu hút được khoảng 120 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm du lịch cộng đồng. Hàng năm thông qua việc phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn sẽ thu hút khoảng 43.800 lượt khách du lịch. Tổng thu nhập từ khách du lịch tham quan và trải nghiệm đạt khoảng 13 tỷ đồng” – Ông Túc lật dở sổ sách rồi nói về quyết tâm phát triển du ịch cộng đồng của xã nhà.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

"Muốn du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng phát triển, ngoài những yếu tố về văn hóa, con người, ẩm thực…thì yếu tố cảnh quan và môi trường cũng rất quan trọng. Môi trường có xanh – sạch – đẹp thì mới tạo được ấn tượng với du khách, vừa tạo ra môi trường sống trong lành cho cộng đồng" - Ông Lô Thanh Sơn - Trưởng Phòng TN&MT huyện Quỳ Châu, chia sẻ.

Nói rồi ông Sơn phấn khởi "khoe" về con đường hoa ở xã Châu Tiến, hỗ trợ hàng trăm thùng đựng rác, các ngày "chủ nhật xanh", trồng hoa ban, hoa bằng lăng trên các tuyến đường vào làng du lịch cộng đồng Hoa Tiến...

6.jpg
Người dân bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến vệ sinh môi trường, trồng thêm cây xanh ở các tuyến đường vào bản.

Trên con đường thoáng đãng với hàng hoa đang khoe sắc, ông Lê Thành Đô - Trưởng phòng VHTT Huyện Con Cuông, tâm sự rằng: Du lịch cộng đồng là nét đẹp riêng biệt của huyện Con Cuông và cũng như của tỉnh. Nơi đây còn lưu giữ được nét cổ xưa từ những ngôi nhà sàn, nét thổ cẩm, làng thái và các cảnh quan tự nhiên khác. Đó là tiền đề cho chúng tôi phát triển loại hình du lịch này.

Nói về sự hỗ trợ của nhà nước cho người dân làm du lịch, ông Đô, cho hay: Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ kinh phí cho các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng với nhiều hạng mục như xây dựng nhà vệ sinh, thùng đựng rác, mua sắm trang thiết bị phục vụ nhu cầu ăn ở của khách du lịch, hỗ trợ đội văn nghệ của các thôn, bản mua sắm nhạc cụ và trang phục biểu diễn để phục vụ du khách. Ngoài ra, tỉnh còn mở các lớp tập huấn nghiệp vụ ngắn hạn về du lịch, đào tạo tiếng Anh; hỗ trợ kinh phí quảng bá cho các địa phương có điểm du lịch cộng đồng...

7.jpg
Con đường vào bản Hoa Tiến đang được đầu tư mở rộng để thuận tiện cho việc đi lại.

Ông Lương Đình Việt - Phó chủ tịch UBND huyện Con Cuông cũng nhấn mạnh rằng: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững, không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; đặt các tài liệu truyền thông, thông điệp bảo vệ môi trường, tại các khu vực công cộng là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, địa phương còn thành lập bộ phận hoặc phân công cán bộ phụ trách bảo vệ môi trường; xây dựng, ban hành quy chế bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch; bố trí đặt các thùng rác ở nơi thuận tiện cho khách du lịch, có bảng hướng dẫn phân loại rác; bố trí lực lượng thu gom, phân loại, xử lý rác thải...

4.jpg
Việc phát triển du ịch cộng đồng đã tạo thêm sinh kế cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc ở miền Tây Nghệ An.

Ông Nguyễn Mạnh Lợi - Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An, cho biết: Du lịch cộng đồng đang từng bước phát triển ở các huyện vùng cao như Con Cuông, Quỳ Châu và đang mở rộng ở một số huyện khác. Trong thời gian tới, Sở Du lịch Nghệ An tiếp tục đề xuất mở các lớp tập huấn về du lịch cồng đồng, tham quan, học tập các mô hình cho người dân. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp cũng sẽ được chú trọng bằng các đợt ra quân vệ sinh môi trường trong bản, làng; tuyên truyền sâu rộng để người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phát triển du lịch "xanh", bền vững!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch cộng đồng nơi miền Tây xứ Nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO