Dự án Tokyo Tower: Cư dân có bị ngân hàng PVcombank “phớt lờ” bảo lãnh? Bài 2: Tại sao PVcomBank lại “vội vàng” thu hồi tài sản đảm bảo?

09/10/2018 08:44

(TN&MT) - Ngày 4/10/2018, Báo Tài nguyên và Môi trường đăng bài “Dự án Tokyo Tower: Cư dân có bị ngân hàng PVcomBank “phớt lờ” bảo lãnh?”, chúng tôi tiếp tục...

(TN&MT) - Ngày 4/10/2018, Báo Tài nguyên và Môi trường đăng bài “Dự án Tokyo Tower: Cư dân có bị ngân hàng PVcomBank “phớt lờ” bảo lãnh?”, chúng tôi tiếp tục nhận được hàng chục phản ánh từ người dân mua căn hộ tại Dự án Tokyo Tower và đặc biệt chính Công ty Cổ phần Thương mại Hoàng Vương, đơn vị phân phối chính Dự án trên cũng kêu cứu, do ngân hàng PVcomBank ra Thông báo thu giữ tài sản bảo đảm.

Nhà phân phối có nguy cơ mất trắng

Sau khi Báo Tài nguyên và Môi trường đăng tải bài viết về Dự án Tokyo Tower,  chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều thông tin phản ánh từ người dân mua căn hộ Tokyo Tower tại địa chỉ số 55, đường 430 phường Vạn Phúc, Q. Hà Đông, Tp. Hà Nội, chủ đầu tư Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 và Ngân hàng Thương mại Cổ phần đại chúng Việt Nam (PVcomBank) đứng ra bảo lãnh. Phóng viên đã có buổi làm việc với ông Vũ Văn Vương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thương mại Hoàng Vương (Công ty Hoàng Vương).

Được biết, Dự án Tokyo Tower trước đây có tên là Tòa nhà hỗn hợp đa năng Vinafor 55 Hà Đông, Chủ đầu tư Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 và Ngân hàng Thương mại Cổ phần đại chúng Việt Nam (PVcomBank) đứng ra bảo lãnh. Việc này được cụ thể hóa ngày 23/10/2015, PvcomBank phát hành Thư cam kết bảo lãnh số 11271/PVB-K.KHDN về việc cam kết sẽ phát hành bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai đối với dự án Tòa nhà hỗn hợp đa năng và chung cư cao cấp Vinafor tại địa chỉ số 55, đường 430 phường Vạn Phúc, Q. Hà Đông, Tp. Hà Nội.
anh 1
Ông Vũ Văn Vương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Hoàng Vương phân trần với phóng viên

Đến nay, dự án đã dừng thi công, Chủ đầu tư Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 không còn đủ tài chính để hoàn thiện dự án, khiến cho người dân mua nhà rất hoang mang và họ không biết tới bao giờ mới được nhận nhà, trong khi tiền lãi suất vay ngân hàng mua nhà vẫn phải đóng đúng hạn, quyền lợi được PVcomBank bảo lãnh thì không thấy ở đâu!

Ông Vũ Văn Vương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Hoàng Vương bức xúc: Ngân hàng “phớt lờ” trách nhiệm bảo lãnh cho người dân, không trả lời Công văn của Công ty Hoàng Vương gửi tới PvcomBank đề nghị được bảo lãnh (tính đến nay Công ty Hoàng Vương đã gửi công văn 04 lần - pv), trong khi PvcomBank lại vịn vào khoản nợ 91,8 tỷ đồng quá hạn để ra thông báo thu giữ tài sản của chúng tôi là vô lý và vô trách nhiệm.

Được biết, Công ty Hoàng Vương là đối tác  phân phối chính cho Dự án Tokyo Tower để giúp Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 có vốn thực hiện dự án, Công ty Hoàng Vương đã đứng ra vay 91,8 tỷ đồng từ PVcomBank để giao cho Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 thực hiện dự án, đổi lại Công ty Hoàng Vương được quyền phân phối và bán các căn hộ theo thỏa thuận 2 bên.

Ngày 22/8/2018, PVcomBank đã gửi Công văn số 8788/PVB-QL&TCTTS gửi tới Công ty Hoàng Vương yêu cầu tự nguyện bàn giao tài sản bảo đảm và cho hạn đến ngày 27/8/2018 (tức chỉ có 5 ngày - pv) phải bàn giao nếu không PVcomBank sẽ tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật.

Thư bảo lãnh có như… không

Đến nay, gần như 100% người mua nhà và ngay cả Công ty Hoàng Vương, đơn vị phân phối chính của Dự án Tokyo Tower vẫn không nhận được Thư bảo lãnh của PVcomBank.

Ông Vương bức xúc: Đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được Thư bảo lãnh của PVcomBank từ phía chủ đầu tư Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01. Hơn nữa, trước đó PVcomBank làm việc với Công ty Hoàng Vương rất nhiều lần nhưng họ cũng không chủ động cung cấp Thư bảo lãnh dự án cho chúng tôi. Đến khi vụ việc bung bét, thì chúng tôi mới biết và xin được bản Thư bảo lãnh photocopy của PVcomBank phát hành từ ngày 29/12/215.

Tuy nhiên, ông Vương còn bức xúc, tại Mục 5 Hồ sơ đề nghị đòi tiền và điều kiện thực hiện bảo lãnh:  Khoản 5.1 bên mua đã gửi yêu cầu trả tiền bảo lãnh về trụ sở ngân hàng trước 16 giờ 00 phút của ngày kết thúc thời hạn bảo lãnh, kèm theo các tài liệu bao gồm: Bản gốc Thông báo xác nhận bảo lãnh do ngân hàng đã phát hành cho bên mua; biên bản thỏa thuận giữa bên mua và chủ đầu tư về việc hủy Hợp đồng mua bán.
anh 2
Thư bảo lãnh của PVcomBank cho Dự án Tokyo Tower nhưng đại đa số khách hàng mua căn hộ lại không được bảo lãnh từ ngân hàng

Khoản 5.2 Chủ đầu tư đã hoàn thành thủ tục thế chấp lại căn hộ (từ Hợp đồng mua bán bị hủy) để đảm bảo cho nghĩa vụ thanh toán của chủ đầu tư đối với ngân hàng theo Hợp đồng cấp Bảo lãnh. Theo nhiều người dân, đây còn là điều kiện đánh đố người dân và doanh nghiệp, bởi một khi dự án chậm tiến độ hoặc chủ đầu tư phá sản, hay bỏ trốn thì người dân làm sao để được đáp ứng các quyền lợi chính đáng?! Trong khi, Thư bảo lãnh của PVcomBank đã phát cho Chủ đầu tư từ tháng 12/2015, nhưng đến tận bây giờ người mua hàng vẫn không hề hay biết rằng Dự án Tokyo Tower có Thư bảo lãnh.

Đặc biệt, ngay cuối Thư bảo lãnh của PVcomBank gửi cho Chủ đầu tư Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 có phần chú thích, mà theo các Luật sư chuyên về lĩnh vực bất động sản nhận xét thì đây là “thủ thuật ma quáy” của PVcomBank. Đoạn chú thích ghi: Chủ đầu tư có trách nhiệm sao Thư bảo lãnh này gửi cho bên mua khi ký hợp đồng mua bán; Chủ đầu tư có trách nhiệm xác nhận nếu bên mua không được nhận căn hộ sau ngày bàn giao cuối cùng và cùng bên mua ký thỏa thuận hủy hợp đồng mua bán để bên mua được nhận khoản tiền bảo lãnh.
anh 3
Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Công ty Luật BROS và Cộng sư

Theo Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Công ty Luật BROS và Cộng sư cho biết, Theo quy định thì PVcomBank phải gửi Thư bảo lãnh cho cả người mua dự án và nhà phân phối Công ty Hoàng Vương mới đúng, bởi mọi khách hàng đều có quyền lợi được PVcomBank bảo lãnh như thỏa thuận trước đó.

Theo nguồn tin riêng của phóng viên, hiện tại Dự án Tokyo Tower chỉ có một vài trường hợp cá nhân được PVcomBank thực hiện quyền lợi bảo lãnh theo quy định. Còn lại đại đa số không biết, hoặc khi biết đã quá muộn so với điều khoản quy định trong Thư bảo lãnh giữa PVcomBank và chủ đầu tư Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01, nên họ đã bị chính ngân hàng bảo lãnh “phủi” trách nhiệm bảo lãnh.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án Tokyo Tower: Cư dân có bị ngân hàng PVcombank “phớt lờ” bảo lãnh? Bài 2: Tại sao PVcomBank lại “vội vàng” thu hồi tài sản đảm bảo?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO