Dự án thủy điện Bản Hồ - Sa Pa: Cần sự đồng thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong đền bù

Bích Hợp| 07/12/2020 19:05

(TN&MT) - Kể từ năm 2017 đến nay, chất lượng cuộc sống của hàng chục hộ dân (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số) ở xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai có chiều hướng đi xuống và ngày càng đối diện với khó khăn hơn. Nguyên nhân là do, người dân bị thu hồi đất đai, nhà ở, hoa màu phục vụ dự án thủy điện Bản Hồ xây dựng, nhưng chủ đầu tư trả tiền đền bù với giá rẻ.

Vừa qua, một số hộ dân ở xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai phản ánh, kể từ năm 2017, khi dự án thủy điện Bản Hồ, có công xuất thiết kế 10 Mw, tổng mức đầu tư 384 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Công nghiệp Việt Long khởi công xây dựng thì chất lượng cuộc sống của nhiều hộ dân xã này ngày càng đi xuống. Nguyên nhân là do, doanh nghiệp áp giá đền bù quá thấp, người dân không đồng thuận và mất quá nhiều thời gian, công sức, tiền bạc cho việc đi khắp nơi kêu cứu.

Người dân dẫn chứng, mức giá đền bù 26.000 đồng/1m2 đất ruộng ở vùng cao có địa hình bị chia cắt mạnh rất khó khai hoang làm ruộng mới là điều không thể nào chấp nhận được. Khi các hộ dân không chịu nhận tiền đền bù và giao đất thì họ “bị hành” vì liên tục có người đến nhà vận động đi nhận tiền. 

Toàn cảnh công trường xây dựng thủy điện Bản Hồ

Để xác minh, phóng viên Báo TN&MT đã đến xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa tìm hiểu thực tế. Tại đây, chúng tôi biết, vùng đất này từng thu hút rất đông khách du lịch vì có suối nước nóng, có “cơm lam cá nhảy” và phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình. Tiếc rằng, tất cả những thứ có thể đem lại giá trị kinh tế cho người dân, hiện nay đã chìm sâu vào lòng hồ thủy điện của các doanh nghiệp. Trong đó, có dự án thủy điện Bản Hồ đang xây dựng. Dự án thủy điện Bản Hồ nằm ngay trung tâm xã Bản Hồ và cắt ngang suối Mường Hoa, có diện tích rộng khoảng gần 30 ha, đang được gấp rút thi công hoàn thành. Quan sát công trình chúng tôi thấy, đất đá trong quá trình xây dựng được đổ thẳng xuống suối Mường Hoa, trạm trộn bê tông phục vụ xây dựng thủy điện không có hệ thống bể lắng thu gom nước thải, nên nước thải, nước xi măng chảy thẳng xuống suối, cả một vùng khói, bụi mù trời...

Anh Vàng Văn Thư một hộ dân nằm trong vùng dự án nói với chúng tôi: Năm 2017, dự án thủy điện Bản Hồ khởi công xây dựng nhưng mãi đến cuối năm 2018, mới có đoàn đến đo đạc đất đai, thống kê tài sản và thông báo tiền đền bù cho gia đình tôi. Họ cho biết, tổng diện tích đất ở, đất vườn, đất ruộng là 3000 m2, cùng toàn bộ tài sản và hoa màu trên đất của gia đình tôi sẽ được nhận số tiền đền bù là 708 triệu đồng. Thấy giá đền bù quá rẻ, gia đình tôi không chấp nhận, họ nâng lên thành 749 triệu đồng và liên tục cho người đến thúc ép gia đình tôi đi nhận tiền. Tôi không chấp nhận và đã nói rõ, vì sự phát triển của đất nước, gia đình tôi sẵn sàng nhường đất cho thủy điện, nhưng doanh nghiệp phải áp giá đền bù hợp lý để cho người dân chúng tôi có thể đảm bảo cuộc sống. Thử hỏi, với giá đền bù 26.000 đồng/1m2 đất ruộng thì ai mà chấp nhận được. Tôi đố ông Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp Việt Long cầm 500 triệu mà đi mua được 1 sao đất ruộng (tương ứng bằng 360 m2 – PV) ở xã Bản Hồ này đấy? Anh Thư buồn rầu nhìn về công trường xây dựng thủy điện Bản Hồ mà lòng ngổn ngang trăm nỗi âu lo.

Vợ chồng anh Lò Văn Được trao đổi với phóng viên Báo TN&MT về nỗi khổ của gia đình mình khi thủy điện Bản Hồ xây dựng

Theo quan sát của chúng tôi, trên địa hình vùng cao bị chia cắt mạnh như ở xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa thì quỹ đất để người dân có thể khai hoang làm ruộng trồng lúa nước là rất hạn chế. Đặc biệt, chúng tôi nhận thấy rằng, việc mất đất ruộng sẽ khiến nhiều gia đình ở đây lâm vào cảnh sống khó khăn vì trình độ sản xuất hiện nay của đại bộ phận người dân là chưa thể bước ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp. 

Cùng cảnh ngộ là gia đình anh Lò A Được, cũng bị thu hồi toàn bộ đất đai, tài sản, hoa màu phục vụ xây dựng thủy điện Bản Hồ. Anh Được chia sẻ với chúng tôi rằng: Họ tiến hành đo đạc, thống kê đền bù lạ lắm, người dân chúng tôi không ai được nhận biên bản thống kê mà chỉ được thông báo bằng miệng về diện tích và số tiền đền bù được nhận. Nhà tôi bị thu hồi toàn bộ đất ở, đất ruộng, ao cá, hoa màu trên đất với số tiền đền bù là 600 triệu đồng. Số tiền đó còn không làm nổi lại 2 ao cá của tôi (rộng khoảng 700 m2 mặt nước – PV) thì làm sao mà gia đình tôi chấp nhận được? Chúng tôi đang có một cuộc sống ổn định, doanh nghiệp đến xây dựng thủy điện lấy nhà, lấy đất chúng tôi không phản đối, nhưng phải đền bù hợp lý cho chúng tôi chứ? Chất lượng cuộc sống của chúng tôi không được nâng lên thì cũng phải ngang bằng với thời điểm doanh nghiệp chưa đến làm thủy điện chứ?...

Anh Vàng Văn Thư buồn rầu nhìn về công trường xây dựng thủy điện Bản Hồ mà lòng ngổn ngang trăm nỗi âu lo.

Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT ông Vàng A Nguyền, cán bộ Địa chính xã Bản Hồ cho biết: Thủy điện Bản Hồ khởi công xây dựng từ cuối năm 2017, khi khởi công xây dựng Công ty Cổ phần Công nghiệp Việt Long không hề báo cho chính quyền địa phương biết. Họ cũng không phối hợp với chính quyền địa phương trong việc thống kê, đền bù mà tự ý thỏa thuận với người dân, từ đó làm phát sinh tâm lý so sánh, so bì về giá đền bù giữa các hộ dân và khiến địa phương gặp nhiều khó khăn trong các công tác khác.

Theo ông Vàng A Nguyền, có gần 60 hộ dân nằm trong vùng tác động của dự án thủy điện Bản Hồ. Đến thời điểm này vẫn còn hơn 20 hộ chưa chịu nhận tiền đền bù và tiến hành giao đất cho dự án. Người dân khiếu nại về giá cả đền bù quá rẻ, không đủ để ồn định cuộc sống, nhưng cấp xã chúng tôi cũng chỉ có thể báo cáo lên cấp trên chờ giải quyết.

Cán bộ Địa chính xã Bản Hồ cho biết thêm rằng, với địa hình bị chia cắt mạnh và có tới 7 dự án thủy điện đã và đang triển khai xây dựng, thì đến thời điểm này, địa phương không còn quỹ đất để có thể khai hoang thành ruộng trồng lúa. Lòng hồ các thủy điện ở đây lại không thể nuôi trồng thủy sản (vì doanh nghiệp thường dâng nước ban ngày và tháo cạn nước để phát điện ban đêm – PV) từ đó có thể hình dung, việc bố trí công ăn việc làm cho người dân trong thời gian tới là thách thức quá lớn với cấp ủy, chính quyền xã Bản Hồ.

Toàn bộ đất đá trong quá trình xây dựng thủy điện Bản Hồ được đổ thẳng xuống suối Mường Hoa

Trạm trộn bê tông phục vụ xây dựng thủy điện không có hệ thống bể lắng thu gom nước thải, nên nước thải, nước xi măng chảy thẳng xuống suối, cả một vùng khói, bụi mù trời...

Trước những bức xúc của người dân, phóng viên Báo TN&MT đã liên lạc và trao đổi thông tin qua điện thoại với ông Phạm Hải Hà, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp Việt Long và nhận được những ý kiến phản hồi rằng: Việc người dân phản ánh Công ty Cổ phần Công nghiệp Việt Long tiến hành khởi công xây dựng thủy điện Bản Hồ trước cả khi được UBND tỉnh Lào Cai cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2018 là nói sai. Thực tế, năm 2017, công ty chúng tôi có đưa máy móc vào xã Bản Hồ nhưng là để tiến hành khảo sát địa chất, chứ không phải khởi công xây dựng. Công ty chúng tôi cũng chưa bao giờ thuê "xã hội đen" đến dọa nạt, thúc ép người dân đi nhận tiền đền bù cả. Còn về giá đền bù, có 2 phương án là thông qua chính quyền và doanh nghiệp tự đứng ra thỏa thuận. Chúng tôi chọn phương án thỏa thuận với người dân nhưng theo giá quy định của địa phương. Có một số hộ dân họ cứ đòi vống lên thì chúng tôi không thể theo ý họ.

Đối với công tác đảm bảo môi trường trong quá trình thi công xây dựng dự án thủy điện Bản Hồ, ông Phạm Hải Hà nói rằng, công ty chúng tôi làm theo phê duyệt ĐTM (ĐTM là đánh giá tác động tới môi trường) của Sở TM&MT tỉnh Lào Cai phê duyệt, chúng tôi chẳng làm gì sai. Ông Hà bức xúc nói thêm rằng, dự án thủy điện Bản Hồ đang bị chậm tiến độ là vì vấn đề giải phóng mặt bằng...

Phóng viên Báo TN&MT trao đổi với Cán bộ Địa chính xã Bản Hồ

Mong rằng, các cấp, các ngành tỉnh Lào Cai nhanh chóng vào cuộc mạnh mẽ để hóa giải xung đột lợi ích tại dự án thủy điện Bản Hồ, đảm bảo lợi ích chính đáng cho cả người dân và doanh nghiệp. 

Báo điện tử TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án thủy điện Bản Hồ - Sa Pa: Cần sự đồng thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong đền bù
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO