SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI 2013

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi): Đại biểu Quốc hội nêu nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm

Trường Giang - Khương Trung (lược ghi) 29/06/2023 - 09:04

(TN&MT) - Ngày 21/6, Quốc hội đã dành cả ngày để thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý sau khi lấy kiến nhân dân, đồng thời, đóng góp thêm ý kiến tâm huyết trách nhiệm để hoàn thiện Dự thảo Luật. Báo Tài nguyên và Môi trường lược ghi và giới thiệu một số ý kiến của đại biểu Quốc hội từ phiên thảo luận để bạn đọc theo dõi:

Điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch

2.-dai-bieu-tran-van-khai-doan-dbqh-tinh-ha-nam_.jpg
Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam)

Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam)

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp đặt ra tại Nghị quyết 18 về hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai, đó là nghiên cứu có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch. Đất đai luôn là tài sản lớn nhất của quốc gia và để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, kiên quyết khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện về đất đai, đầu cơ và sử dụng đất đai lãng phí thì cần phải xử lý được hai vấn đề rất lớn, đó là chênh lệch địa tô và giá đất.

Chênh lệch địa tô xuất phát từ đâu, do đâu mà có, nếu không phải do công sức, chi phí đầu tư của người sử dụng đất? Chênh lệch địa tô được hình thành từ việc chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất có giá trị thấp sang loại đất có giá trị cao hơn. Đất nông nghiệp được mua gom, được đền bù với giá rẻ rồi chuyển đổi thành đất phi nông nghiệp, đất ở và đất thương mại, dịch vụ có giá cao gấp cả chục lần, thậm chí cả trăm lần so với đất nông nghiệp.

Do đó, vấn đề xử lý chênh lệch địa tô đối với đất đai của người dân đang tiềm ẩn nhiều bất công xã hội. Đất đai thuộc “sở hữu toàn dân”, người dân đã hy sinh đóng góp, giao quyền sử dụng đất, tài sản của mình cho Nhà nước, nhà đầu tư để xây dựng, phát triển hạ tầng, đô thị, đóng góp vào sự phát triển chung thì phải được hưởng lợi từ sự đầu tư, phát triển đô thị.

Chủ trương của Đảng là kiên quyết không để người dân bị đẩy ra ngoài lề sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau. Chính vì vậy, Luật Đất đai (sửa đổi) lần này phải xóa bỏ bất công từ lợi ích do chênh lệch địa tô, tránh nguồn lực đất đai bị thất thoát, xây dựng chính sách tài chính đất đai, phương thức xác định giá đất và bảo đảm hài hòa lợi ích trong khai thác chênh lệch địa tô giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Để góp phần điều tiết chênh lệch địa tô, đảm bảo công khai, minh bạch, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo Luật về phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm sự rõ ràng, thể chế đầy đủ, toàn diện theo yêu cầu của Nghị quyết 18.

Cần mở rộng đối tượng thuộc trách nhiệm của Nhà nước về đất đai

1-dbqh-to-thi-bich-chau-doan-dbqh-thanh-pho-ho-chi-minh.jpg
Đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn ĐBQH TP. HCM)

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn ĐBQH TP. HCM)

Cần làm rõ các nội dung quy định tại Điều 9 của Dự thảo Luật quy định về Nhà nước khuyến khích đầu tư vào sử dụng đất đai. Theo đó, đề nghị giữ tên “khuyến khích đầu tư vào đất đai” như tại Ðiều 9 Luật Đất đai năm 2013. Bởi nội dung “khuyến khích đầu tư vào đất đai” có nội hàm rộng hơn “Nhà nước khuyến khích đầu tư vào sử dụng đất đai”. Hơn nữa, không phải chỉ có Nhà nước khuyến khích và không phải chỉ có khuyến khích đầu tư vào sử dụng đất.

Vì thực tế, khuyến khích đầu tư vào đất đai là quyền và nghĩa vụ của toàn dân, với tư cách là chủ sở hữu đất đai và vì đối với đất đai, không phải chỉ đầu tư sử dụng đất đai mà còn đầu tư vào phát triển đất đai, quy hoạch đất đai, bảo vệ môi trường liên quan đến đất đai.
Về sở hữu đất đai, đề nghị bổ sung “quyền sử dụng đất đai và tài sản gắn liền với đất được pháp luật công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm” để phù hợp với Điều 14 của Hiến pháp năm 2013.

Đồng thời, đề nghị Dự thảo Luật bổ sung việc Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai chịu sự giám sát của nhân dân, Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên theo đúng quy định pháp luật về thực hiện quyền giám sát. Đặc biệt, quy định tại Điều 17 về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, cần mở rộng đối với đồng bào dân tộc, biên giới, biển đảo để tạo điều kiện cho người dân bám đất, bám làng, giữ an ninh trật tự ở biên giới cùng với các lực lượng khác.

Về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, vấn đề quan trọng nhất là giá đất bồi thường khi thu hồi đất. Các vụ việc phát sinh khiếu nại, tố cáo, khởi kiện của người bị thu hồi đất chủ yếu là vì lý do cho rằng giá đất bồi thường quá thấp.

Thực tế giá đất do UBND cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thường xuyên bị người dân khiếu nại vì cho rằng giá không phù hợp với thực tế, không phù hợp với giá thị trường. Do đó, đề nghị quan tâm đến phương thức xác định giá đất của phương án bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất. Cụ thể, thực hiện đấu giá đất, thực hiện tư vấn giá đất, thực hiện phản biện, giám sát xã hội về giá đất...

Cần quy định bồi thường thiệt hại về tài sản khác khi thu hồi đất

3.-dai-bieu-thach-phuoc-binh-doan-dbqh-tinh-tra-vinh.jpg
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh)

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh)

Kết cấu tại Chương VII: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất của Dự thảo Luật Đất đai đã có sự phân tách cụ thể: Mục 1 là quy định chung; mục 2 là bồi thường về đất; mục 3 là bồi thường thiệt hại về tài sản, về sản xuất kinh doanh, chi phí đầu tư vào đất; mục 4 là hỗ trợ; mục 5 là tái định cư. Đây là sự phân tách cần thiết, vấn đề rõ ràng, cụ thể và khoa học hơn, tuy nhiên, đề xuất Ban soạn thảo tiếp tục xem xét và hoàn thiện.

Cụ thể: Một là, Dự thảo Luật Đất đai chưa có quy định về khái niệm xác định thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất. Hai là, khái niệm bồi thường chưa chuẩn xác, chỉ quy định khái niệm bồi thường về đất, hoàn toàn không có quy định khái niệm bồi thường thiệt hại về tài sản khác khi Nhà nước thu hồi đất. Ba là, về nội hàm của vấn đề bồi thường và hỗ trợ đang không có sự phân định rõ ràng, theo đó, những vấn đề hỗ trợ hiện nay như hỗ trợ khi di chuyển, hỗ trợ tiền thuê nhà trong thời gian tạm cư, hỗ trợ ổn định cuộc sống, hỗ trợ đào tạo nghề... thực chất đó là những thiệt hại mà người có đất bị thu hồi phải gánh chịu và Nhà nước buộc phải bồi thường chứ không phải là hỗ trợ; Bốn là, về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu nên Nhà nước thu hồi đất thì có quyền áp dụng cơ chế bồi thường theo ý chí của Nhà nước, thể hiện cụ thể trong phương án phê duyệt về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Song, đối với tài sản trên đất là nhà ở, công trình xây dựng, rừng cây thuộc sở hữu của người dân thì khi Nhà nước thu hồi phải thực hiện cơ chế thỏa thuận dân sự về bồi thường thiệt hại chứ không thể theo phương thức áp đặt hành chính.

Ngoài ra, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, đảm bảo thu nhập, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn của người dân có đất bị thu hồi theo tinh thần Nghị quyết 18, đồng thời đảm bảo giá đất, giá trị đền bù khi thu hồi đất sát hơn với giá thị trường, đề nghị xem xét bổ sung nguyên tắc tại Điều 86 Dự thảo Luật Đất đai (Trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng) về trách nhiệm giải trình đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư.

Tiếp tục đánh giá để hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất

4.-dai-bieu-phan-thi-my-dung-doan-dbqh-tinh-long-an-.jpg
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An)

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An)

Về nguyên tắc, phương pháp định giá đất ở Điều 158, Dự thảo Luật, theo tôi, qua nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý đã bổ sung thành phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung, làm rõ, minh bạch nguyên tắc thị trường để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

Bởi thực tiễn trong thời gian qua, việc bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi không chỉ ở vấn đề tính tiền bồi thường khi thu hồi đất mà còn ở phương án hỗ trợ tái định cư theo tinh thần Nghị quyết 18, để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Việc duy trì một mặt bằng hợp lý các chi phí liên quan đến đất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phát triển bền vững, từ đó tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách Nhà nước.

Về phương pháp định giá đất, Dự thảo vẫn quy định 4 phương pháp là phương pháp so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập, hệ số điều chỉnh giá đất, đề nghị tiếp tục đánh giá để quy định cho hoàn thiện vì hiện nay trong 4 phương pháp nêu trên theo quy định hiện hành là có vướng mắc, khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện.

Đối với quy định về Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể ở khoản 2, khoản 3 Điều 161, tôi thống nhất như Dự thảo quy định. Tuy nhiên, một vấn đề thực tiễn đặt ra là công tác xác định giá đất trong thời gian qua đã gặp nhiều khó khăn, đó là việc lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất.

Để giải quyết khó khăn, vướng mắc, đề nghị Dự thảo Luật cần bổ sung quy định trong một số trường hợp như là không có đơn vị tư vấn giá đăng ký tham gia thầu hoặc loại dự án có tính chất đặc thù ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương thì giao cho địa phương thành lập hội đồng.

Hội đồng này khác và độc lập với hội đồng thẩm định giá đất cụ thể hoặc đơn vị tư vấn xác định giá đất trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, có chức năng tư vấn, xác định giá đất và chịu trách nhiệm với kết quả thực hiện, nhằm để địa phương chủ động, kịp thời quản lý và triển khai thực hiện các dự án ở địa phương.

Cần quy định bồi thường thiệt hại về tài sản khác khi thu hồi đất

6.-dai-bieu-le-huu-tri-doan-dbqh-tinh-khanh-hoa.jpg
Đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa)

Đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa)

Mặc dù Dự thảo Luật đã cố gắng xác định cụ thể danh mục các dự án mà Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng, vì mục đích quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, Dự thảo không thể liệt kê hết các dự án sẽ phát sinh trong tương lai, do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần thiết kế một chế định khác để xử lý trong trường hợp thực tế phát sinh loại dự án cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng nhưng không có trong danh mục dự án đã được ghi trong Luật.

Bên cạnh đó, do Luật Đất đai năm 2013 chưa được quy định rõ về danh mục các dự án mà Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng dẫn đến nhiều trường hợp lạm dụng việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội để thu hồi đất của người sử dụng đất nhưng thực chất dự án không hoàn toàn vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng mà vì mục tiêu lợi nhuận của nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Điều này gây bức xúc cho người sử dụng đất và làm phát sinh nhiều vụ khiếu kiện kéo dài, phức tạp. Vì vậy, Dự thảo Luật cần quy định rõ đối với các dự án Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội phải vì lợi ích quốc gia công cộng hoặc vì mục đích quốc phòng an ninh nhưng phải bảo đảm tính thật cần thiết và không vì mục tiêu lợi nhuận.

Để giải quyết vấn đề này, theo tôi, đối với các dự án vừa có mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng nhưng cũng có mục tiêu lợi nhuận của nhà đầu tư thì cần phân định rõ trường hợp nào thì được Nhà nước thu hồi đất và trường hợp nào thì nhà đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất. Trong trường hợp nhà đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất thì cũng cần quy định tỷ lệ diện tích đất còn lại của dự án mà nhà đầu tư không thể thỏa thuận được với người sử dụng đất.

Đồng thời, cần có chế định điều chỉnh chênh lệch địa tô cho người sử dụng đất để bảo đảm tính công bằng về mặt lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người bị thu hồi đất.

Cần rút ngắn thời gian thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất

5.-db-tran-thi-thanh-lam-ben-tre-_.jpg
Đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre)

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre)

Về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thời gian qua, ngành TN&MT sớm ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong quản lý đã cho thấy sự tập trung cao của ngành, thể hiện rõ nhất là hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai, bước đầu đã tạo được niềm tin trong dân và ứng dụng khoa học kỹ thuật dần được hoàn thiện.

Tuy nhiên, dù đã có quy định về quy trình tiếp nhận xử lý các vấn đề liên quan đến đất đai nhưng khi người dân có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì làm thủ tục rất lâu, thông thường phải trên 1 năm kể từ lúc đăng ký tại xã, phường đến khi hoàn thành, phổ biến là một năm rưỡi. Bởi theo quy trình xã tiếp nhận theo yêu cầu của dân, tổng hợp trình huyện, tỉnh và Hội đồng nhân dân tỉnh ra Nghị quyết, sau đó Ủy ban tỉnh thông báo về huyện, xã, lúc này hồ sơ mới bắt đầu làm chính thức.

Thực tế hiện nay xảy một số trường hợp như: người dân chọn được năm tốt làm nhà, nhà ở hư hỏng, cần phải xây lại hoặc con cái dựng vợ, gả chồng ra riêng phải làm nhà, vì vậy người dân không thể chờ việc kéo dài hơn 1 năm của Nhà nước, nên việc cất nhà trước, làm giấy sau diễn ra khá phổ biến, vô hình chung họ vi phạm pháp luật về đất đai.

Từ vấn đề nêu trên, tôi kiến nghị Ban soạn thảo cần xem lại cách tiếp cận về quy trình, có giải pháp rút ngắn về thời gian trong tổ chức thực hiện để tháo gỡ việc này. Ví dụ, đất đai trong dài hạn đều có quy hoạch, khi chưa có quy hoạch trong ngắn hạn thì phải dựa vào quy hoạch dài hạn để giải quyết cho người dân. Cụ thể, khu vực đã quy hoạch là đất ở, khi dân có nhu cầu thì phải giải quyết ngay và không phải yêu cầu đăng ký, chờ năm sau có kế hoạch phân bổ mới giải quyết.

Việc cụ thể hóa các văn bản dưới luật, thời gian qua, Luật Đất đai và các văn bản dưới luật còn chậm so với xu hướng phát triển chung của xã hội, chính điều này là nguyên nhân phát sinh những vấn đề phức tạp, nhiều vụ khiếu nại, khiếu kiện… Tôi kiến nghị nội dung của dự án luật ban hành lần này cần cụ thể, giảm bớt các điều khoản giao cho Chính phủ, và sớm dự thảo những văn bản dưới luật về đất đai đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cần khắc phục tình trạng
quy hoạch treo

7.-dai-bieu-to-van-tam.jpg
Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum)

Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum)

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất luôn được người dân quan tâm, trong đó có một thực trạng là quy hoạch đã được lập, phê duyệt nhưng tổ chức thực hiện chậm hoặc không thực hiện được một số nội dung của quy hoạch.

Việc thực hiện chậm này không chỉ là 5 năm, 10 năm, có khi là 20 năm và có khi còn lâu hơn nữa còn gọi là quy hoạch treo. Quy hoạch treo không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội mà còn gây khó khăn, làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Những cư dân trong khu vực quy hoạch treo sống trong cảnh thấp thỏm, khổ sở, đi không được mà ở thì cũng không xong. Quyền lợi của họ không được coi trọng đúng mức. Sửa đổi Luật Đất đai cần có những quy định xác thực, rõ ràng, khả thi để xóa bỏ tình trạng này.

Để giải quyết vấn đề này, theo tôi, thứ nhất, nên bỏ tầm nhìn trong quy hoạch kế hoạch sử dụng đất tại Điều 62, bởi tầm nhìn chỉ mang tính ước lượng, dự báo mà dự báo thì có thể chính xác, có thể không chính xác, như thế cũng có thể đó là một tác nhân của quy hoạch treo. Người dân chỉ mong muốn Nhà nước xác định rõ quy hoạch đất đai cụ thể là bao lâu và quyền lợi của họ như thế nào trong khu vực quy hoạch, việc bỏ tầm nhìn quy hoạch trong Dự thảo Luật là đáp ứng yêu cầu này.

Thứ hai, để đảm bảo quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch, cần chỉnh lý, bổ sung thêm tại khoản 3 Điều 76 (Tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất) theo hướng khi quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và thực hiện các quyền của người sử dụng đất quy định tại Điều 38 của Luật này và pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, Dự thảo có dẫn chiếu "pháp luật có liên quan" thì rất rộng, người dân khó có thể tiếp cận được, cho nên quy định thêm vào Điều 78 cụ thể về quyền của người sử dụng đất, người dân mở ra là thấy ngay và sau đó có thể truy thêm các luật khác. Đồng thời, bổ sung vào khoản 3 Điều 76 nội dung là "hết kỳ quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt mà không thực hiện kế hoạch dự án thì hủy bỏ quy hoạch".

Quy định chặt chẽ về tiêu chí chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng

8.-dai-bieu-quoc-hoi-nguyen-thi-kim-anh-bac-ninh-.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh)

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh)

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đất nước, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, cụ thể là đất trồng lúa, đất rừng sang mục đích phi nông nghiệp là tất yếu. Trước mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, yêu cầu bảo vệ, kiểm soát nghiêm ngặt diện tích đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ được đặt ra hơn lúc nào hết. Nghị quyết 18-NQ/TWđã nêu rõ "phải tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên". Tuy nhiên, tại Dự thảo Luật, nội dung này hiện còn chưa quy định tiêu chí về nội dung trên.

Để tiếp tục hoàn thiện, đề nghị Dự thảo Luật cần quy định việc điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm đếm, lượng hóa và hạch toán đầy đủ, hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trong nền kinh tế.

Theo dó, tại Điều 122, đề nghị không giao Chính phủ mà quy định ngay trong Luật tiêu chí, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng sang mục đích khác, là cơ sở quan trọng để địa phương thực thi thống nhất trong phạm vi cả nước.

Về một số tiêu chí, điều kiện đối với chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, tôi đề xuất: Không được chuyển mục đích đất nông nghiệp sau khi đã được tích tụ, tập trung sang phi nông nghiệp, nhất là thực hiện dự án đầu tư nhằm khuyến khích đầu tư sản xuất nông nghiệp chân chính, hiệu quả, tạo tâm lý yên tâm cho các nhà đầu tư vào nông nghiệp. Có báo cáo đánh giá tác động, tính hiệu quả, khả thi của dự án gắn trách nhiệm của chủ dự án với cộng đồng. Có quy định về quy mô dự án gắn với điều kiện về tài chính phù hợp với diện tích đất trồng lúa, đất rừng cần chuyển mục đích sử dụng, có phương án bóc tách tầng đất mặt của đất trồng lúa khi xây dựng công trình, không loại trừ bất kỳ dự án nào vì tầng đất mặt của đất trồng lúa là đất tốt, giàu dinh dưỡng, mất hàng trăm năm để hình thành nên cần được bảo vệ và sử dụng vào mục đích nông nghiệp.

Về thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đề nghị xem xét việc phân cấp, phân quyền có kiểm soát để tránh cục bộ, nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh lương thực, suy giảm đa dạng sinh học.

Bổ sung cơ chế điều chỉnh
trường hợp doanh nghiệp không thể tự thỏa thuận với người dân

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình)

9.-dai-bieu-quoc-hoi-tran-thi-hong-thanh-ninh-binh-.jpg
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình)

Nghị quyết 18-NQ/TW quy định tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại. Dự thảo Luật đã thể chế hóa quan điểm này tại Điều 127 về các trường hợp sử dụng đất thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất.
Đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định để có cơ chế điều chỉnh chặt chẽ, phù hợp, khả thi đối với những dự án doanh nghiệp không thể thỏa thuận được vì trong vùng dự án có một số người sử dụng đất cố tình không hợp tác, ngăn cản việc thực hiện dự án, dẫn đến tình trạng dự án không triển khai được, chậm tiến độ, gây lãng phí nguồn lực đất đai và quyền lợi của số đông người dân đã đồng thuận với mục tiêu của dự án.
Theo đó, cần rà soát, nghiên cứu quy định vấn đề này theo hướng, các dự án nhà ở thương mại, dự án đô thị doanh nghiệp tự thỏa thuận với người có đất bị thu hồi, nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân, nhà nước và doanh nghiệp. Trường hợp khi doanh nghiệp đã thực hiện tự thỏa thuận với người dân nhưng vẫn còn một phần hộ dân không đồng tình thì khi đó Nhà nước sẽ thực hiện thu hồi đất đối với phần diện tích đất chủ đầu tư và người sử dụng đất không thỏa thuận được.
Để quy định này bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích giữa các bên, cần quy định trong Dự thảo Luật một số điều kiện khi Nhà nước thực hiện thu hồi phần diện tích đất còn lại của dự án, công trình không thỏa thuận được. Đó là chỉ thực hiện đối với các dự án đủ các điều kiện, như không điều chỉnh được quy mô sử dụng đất để thực hiện dự án nếu bỏ lại phần diện tích không thỏa thuận được, tỷ lệ diện tích đất trong dự án mà chủ đầu tư và người sử dụng đất không thỏa thuận được chỉ chiếm từ 10 -15% diện tích đất thực hiện dự án.
Để bảo đảm chặt chẽ, Dự thảo Luật cũng cần quy định về trình tự, thủ tục thu hồi phần diện tích đất còn lại của dự án không thỏa thuận được, như Nhà nước cùng với chủ đầu tư thực hiện đối thoại với người sử dụng đất trong khu vực đất không thỏa thuận được; trường hợp đối thoại không đạt kết quả, thì Nhà nước thực hiện thu hồi đất để giao, cho thuê cho chủ đầu tư thực hiện dự án không phải thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, không phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi): Đại biểu Quốc hội nêu nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO