Dự án di dân ra khỏi Kinh thành Huế: Tháo gỡ các vướng mắc

Văn Dinh| 03/06/2020 05:31

(TN&MT) - Để đảm bảo tiến độ cho “cuộc di dân lịch sử” tại Kinh thành Huế, lãnh đạo Thừa Thiên Huế yêu cầu tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại.

Người dân tại Kinh thành Huế tháo dở nhà cửa để di chuyển ra nơi ở mới

Theo báo cáo của UBND TP. Huế, đến thời điểm hiện tại khu vực Thượng Thành đã bàn giao mặt bằng 211 hộ, còn lại 78 hộ (61 hộ chính, 17 hộ phụ).

Lý do các hộ chưa bàn giao là chưa thuê được nhà ở tạm cư, mới nhận đất tái định cư bổ sung, đang đề nghị bổ sung tái định cư...; trong đó có 6 hộ đang vướng mắc về chính sách liên quan đến nguồn gốc đất thừa kế, sử dụng vào mục đích thờ tự ông bà, cha mẹ và các trường hợp hộ phụ có sinh sống nhưng không có hộ khẩu tại thửa đất thu hồi.

Về tiến độ triển khai dự án di dời dân cư khu vực Kinh thành Huế, ông Hoàng Hải Minh - Chủ tịch UBND TP. Huế cho biết, hiện nay Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố đã bàn giao 9,8 ha đất nông nghiệp trên đất di tích để Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý và tổ chức rà phá vật liệu nổ, san gạt mặt bằng. Ngay sau khi bàn giao đất, UBND TP. Huế đã cấp 339 giấy phép xây dựng và nộp 334 hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng loạt. Công tác xây dựng nhà ở theo mẫu cho các hộ nghèo đang được đẩy nhanh tiến độ dự kiến hoàn thành trước ngày 30/6/2020.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao giấy phép xây dựng nhà cho các hộ nghèo

Vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã khởi công 25 nhà ở cho hộ nghèo thuộc đề án di dời dân cư khu vực I Kinh thành Huế. Với chính sách hỗ trợ theo hình thức “chìa khóa trao tay”, 25 hộ nghèo sẽ được Nhà nước xây dựng nhà ở theo mẫu với diện tích 61m2, bao gồm nhà 1 tầng và 1 gác lửng với kinh phí xây dựng khoảng 200 triệu đồng/nhà. Giữa tháng 5 vừa rồi,  công trình trường Mầm non Hương Sơ (giai đoạn 1) cũng đã được khởi công xây dựng.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Ngọc Thọ cho rằng, trong thực hiện dự án, công tác giải phóng mặt bằng lúc nào cũng khó khăn đòi hỏi sự quyết tâm cao của các cấp chính quyền cũng như sự đồng thuận cao của người dân. Đề nghị UBND TP. Huế rà soát lại thật kỹ, phối hợp với các Sở ngành tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong giai phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ di dời. Trong quá trình giải phóng mặt bằng phải đảm bảo quyền lợi chính đáng cho dân, tuy nhiên không để lợi dụng chính sách để trục lợi.

Liên quan đến các trường hợp giải phóng không nằm trong khung chính sách đang còn vướng mắc, vượt thẩm quyền của tỉnh, yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động tham mưu cơ chế để tỉnh xin ý kiến của Bộ TN&MT, Thủ tướng Chính phủ để sớm trả lời cho dân.

“Làm sao phải thấu đáo, hết trách nhiệm với dân, đảm bảo quyền lợi cho người dân nhưng phải đảm bảo pháp luật, nếu các hộ nào không chấp hành theo pháp luật thì sẽ cưỡng chế để đảm bảo tiến độ của dự án. Di dời dân cư Khu vực Thượng Thành phải đảm bảo tiến độ, thực hiện tốt việc đi và đến của người dân, tạo sự đồng thuận cao trong dân, xem đây là đợt di dân kiểu mẫu cho các đợt tiếp theo”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Lãnh đạo Thừa Thiên Huế kiểm tra công tác giải phòng mặt bằng khu vực Thượng Thành

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đánh giá cao sự nỗ lực, tích cực của UBND TP. Huế cũng như các Sở ngành liên quan trong việc bám sát tiết độ thực hiện dự án. Cùng với việc đảm bảo tiến độ di dời, giải phóng mặt bằng khu vực Thượng Thành, đề nghị UBND TP. thực hiện song song công tác thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư các khu vực Eo Bầu; Hộ Thành Hào, Tuyến Phòng Lộ; Nam Kinh Thành; khu vực di tích Trấn Bình Đài (Mang cá con); để sau khi hoàn thành việc di dời đợt 1(khu vực Thượng Thành) sẽ tiến hành ngay di dời đợt 2 (khu vực Eo Bầu), các khu vực còn lại trong thời gian tiếp theo. 

Theo người đứng đầu chính quyền Thừa Thiên Huế thì đây là dự án trọng điểm, dự án lịch sử của tỉnh, mặc dù đang gặp khó khăn về nguồn lực, ràng buộc về cơ chế nhưng “khó đến đâu cũng phải quyết tâm làm bằng được”.

“Tỉnh sẽ tranh thủ nguồn vốn, cơ chế hỗ trợ của Trung ương cũng như các nguồn lực xã hội khác, tập trung các nguồn lực cho dự án. Mong muốn của tỉnh là nhận được sự đồng thuận cao từ người dân để công tác giải phóng mặt bằng được triển khai đúng tiến độ, người dân sớm về nơi ở mới có cuộc sống tốt hơn, sung túc hơn, Di tích Huế được trả lại mặt bằng sạch”, ông Thọ nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND TP. Huế phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Lữ đoàn Công binh 414 đẩy nhanh tiến độ rà phá bom mìn khu vực Kinh thành Huế, có sơ đồ cụ thể để việc rà phá không bị bỏ sót, đảm bảo khi giao đất phải là đất sạch không có chất liệu nổ. Công tác giải phóng mặt bằng khu vực Thượng Thành phải được hoàn thành dứt điểm sớm để đến ngày 20/6. Tỉnh sẽ tổ chức “Ngày Chủ nhật xanh”, huy động nhiều lực lượng ra quân tổng vể sinh, xử lý môi trường khu vực Kinh thành Huế...

Khu vực tái định cư cho người dân di dời ra khỏi Kinh thành Huế

Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế được xem là dự án mang tính lịch sử của tỉnh Thừa Thiên Huế  với tổng mức đầu tư 4.097 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng là 2.735 tỷ đồng, xây dựng khu tái định cư là 1.362 tỷ đồng. Dự án gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2019 - 2021 hoàn thành di dời ở các khu vực Thượng thành, Eo Bầu, Hộ Thành hào và tuyến phòng lộ với 2.938 hộ dân. Giai đoạn 2 từ năm 2022 - 2025 dự kiến hoàn thành di dời ở các di tích hồ Tịnh Tâm, khu Lục Bộ, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Trấn Bình Đài… với 1.263 hộ dân.

Chính quyền Thừa Thiên Huế đã thu hồi gần 78 ha đất ở phường Hương Sơ - TP. Huế để bố trí 3.526 lô đất tái định cư cho người dân (bao gồm cả dự phòng), diện tích mỗi lô đất từ 60 m2 đến 200m2.

Mục tiêu tổng quát của dự án nhằm gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử, bảo tồn văn hóa còn nguyên vẹn nhất của Việt Nam do tiền nhân để lại cho tương lai; di dời các hộ dân đang sinh sống tại khu vực 1 di tích đến khu dân cư mới để ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống; bảo vệ, đảm bảo môi trường, chỉnh trang cảnh quan; phát huy giá trị di tích, tạo sản phẩm du lịch; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Tại các buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc bảo vệ di tích Kinh thành Huế là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, trước hết là trách nhiệm của địa phương. Về kinh phí, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực khác nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án di dân ra khỏi Kinh thành Huế: Tháo gỡ các vướng mắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO