Dự án Chợ văn hóa - Bến xe khách Sa Pa: Còn vướng GPMB

27/06/2016 00:00

(TN&MT) - Trong quá trình triển khai dự án, chính quyền huyện Sa Pa đã để xảy ra rất nhiều sai phạm trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, gây bức xúc cho...

(TN&MT) - Dự án Xây dựng hạ tầng san tạo mặt bằng Chợ văn hóa – Bến xe khách thị trấn Sa Pa, (gọi tắt Dự án Chợ văn hóa – Bến xe khách Sa Pa), huyện Sa Pa được vận hành theo phương thức “đổi đất lấy hạ tầng”. 

 

Từ năm 2005 – 2008, UBND huyện Sa Pa đã tiến hành thu hồi đất của 118 hộ và 2 tổ chức để thực hiện mục tiêu dự án. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, chính quyền huyện Sa Pa đã để xảy ra rất nhiều sai phạm trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, gây bức xúc cho nhân dân.

Ngày 10/6, Báo TN&MT  nhận được đơn của ông Tạ Đức Minh (90 tuổi), TDP 2B, thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai về việc UBND huyện Sa Pa thu hồi đất của gia đình ông cho Dự án Chợ văn hóa – Bến xe khách Sa Pa.

Năm 1960 ông Minh lên Sa Pa khai hoang phục hóa một thửa đất làm nhà ở và công trình phụ. Đến ngày15/6/1990, huyện Sa Pa cấp GCNQSDĐ (sổ đỏ) số A131605, với tổng diện tích là 1.280m2. Trong đó, 920m2 là đất ở, đất vườn tạp, (mục đích sử dụng lâu dài) và 360m2 đất trông mầu có thời hạn từ 5-10 năm. Năm 2000, Nhà nước tiến hành tổng kiểm kê đo đạc lập hồ sơ địa chính để quản lý đất đai chung trong cả nước thì diện tích đất hộ ông Minh tăng lên là 3.127m2, gồm các loại đất: đất ở, ao, vườn và đất nông nghiệp, lưu tại Hồ sơ Địa chính Sở TN&MT, tỉnh Lào Cai; Cục Lưu trữ Quốc gia của Bộ TN&M, tại tờ bản đồ P8-32 (437281-1- b) thị trấn Sa Pa. 

Ông Tạ Đức Minh, (90 tuổi), tổ dân phố 2B, thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa gian nan trong việc đòi lại diện tích đất của mình
Ông Tạ Đức Minh, (90 tuổi), tổ dân phố 2B, thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa gian nan trong việc đòi lại diện tích đất của mình

Năm 2004, Công ty TNHH Xây lắp Cương Lĩnh (gọi tắt C.ty Cương Lĩnh) được chỉ định thầu Dự án Chợ văn hóa - Bến xe khách Sa Pa, với phương thức “san đất - bán nền”, thời gian thực hiện từ năm 2005 - 2008. Chủ đầu tư Dự án là UBND huyện Sa Pa. Tuy nhiên, do năng lực tài chính của C.ty Cương Lĩnh yếu kém, năm 2007, C.ty này đã phải nhượng lại cho Công ty Cổ phần Đầu tư VIDFI Lào Cai (gọi tắt VIDIFI Lào Cai).

Ngày 9/6/2005, UBND huyện Sa Pa ra Quyết định số 208/QĐ-UBND thu hồi đất của ông Tạ Đức Minh, tổng diện tích 2.906,3m2, gồm đất ở, đất ao và đất nông nghiệp; diện tích đất nằm ngoài dự án là 409,79m2.

Ông Tạ Đức Minh, bức xúc: "Ngày 7/6/2012, ông Trịnh Xuân Trường, Phó chủ tịch UBND, huyện Sa Pa - Trưởng Ban giải phóng mặt bằng Dự án Chợ văn hóa, Bến xe khách Sa Pa cùng một số phòng ban của huyện mời gia đình lên đối thoại, lúc này tôi mới biết đất của gia đình tôi bị thu hồi là 2.906,3m2 và vẫn còn diện tích đất nằm ngoài dự án.”

Để lý giải về cách tình bồi thường và hỗ trợ, tái định cư hộ ông Tạ Đức Minh. Ông Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng TN&MT, huyện Sa Pa, cho biết: “Năm 2013, hộ ông Tạ Đức Minh được UBND huyện cấp đất tái định cư 1 suất chính chủ có diện tích 120m2, 2 suất tái định cư phát sinh (cho con gái và con trai ông Minh), phải nộp thuế với mức giá 130% hiện hành (bằng 778 triệu đồng/suất)

Năm 2014, UBND huyện Sa Pa thỏa thuận với hộ ông Tạ Đức Minh sẽ trả lại 600m2 đất ở, được áp dụng theo Quyết định số 68/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lào Cai năm 2007 đối với diện tích đất ở không xác định được gianh giới thửa đất, thì được bồi thường không quá 5 lần hạn mức của địa phương (mỗi hạn mức là 120m2).

Con trai ông Minh chỉ diện tích đất của gia đình mình, hiện đang nằm trong dự án
Con trai ông Minh chỉ diện tích đất của gia đình mình, hiện đang nằm trong dự án

Như vậy, UBND huyện Sa Pa sẽ phải cấp trả cho hộ ông Tạ Đức Minh 600m2 đất ở nằm trong vùng quy hoạch của dự án và 409,79m2 đất nằm ngoài dự án.

Tuy nhiên, hộ ông Minh cho rằng: UBND huyện Sa Pa hiện đang cấp trùng diện tích đất nằm ngoài dự án của gia đình ông lên diện tích đất 600m2. Trong đó, có 120m2 đất cấp tái định cư (chính chủ), 409,79m2 đất nằm ngoài dự án và 70,21m2 (diện tích đất này được UBND huyện Sa Pa trả gia đình ông Minh bằng tiền mặt, với lý do huyện hết quỹ đất); diện tích đất UBND huyện Sa Pa cấp trả nằm trong vùng dự án đến thời điểm này là chưa đủ.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Tân Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa, cho biết: Nếu có hộ dân nào đến bù chưa đúng quy định thì địa phương sẽ tiến hành đền bù đầy đủ theo quy định của pháp luật. Còn những hộ gia đình nào đã được đền bù đầy đủ mà còn cố tình không giao giả mặt bằng cho dự án, huyện sẽ tiến hành cưỡng chế.”

Ông Lê Tân Phong, Phó chủ tịch UBND huyện Sa Pa, trả lời PV Báo TN&MT
Ông Lê Tân Phong, Phó chủ tịch UBND huyện Sa Pa, trả lời PV Báo TN&MT

Được biết, không riêng gì hộ ông Tạ Đức Minh, hiện nay vẫn còn 15 hộ chưa di dời trao lại mặt bằng cho UBND huyện Sa Pa để thực hiện dự án. Làm thế nào để Dự án Xây dựng hạ tầng san tạo mặt bằng Chợ văn hóa – Bến xe khách thị trấn Sa Pa, vừa đảm bảo luật pháp, quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người dân, thực hiện đúng chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội trên địa bàn. Câu hỏi này dành lại cho chính quyền huyện Sa Pa và UBND tỉnh Lào Cai.

                                                                                                                       Bài & ảnh: Trần Hương – Bích Hợp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án Chợ văn hóa - Bến xe khách Sa Pa: Còn vướng GPMB
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO