Dự án 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội: Vì sao còn khiếu nại?

03/11/2016 00:00

(TN&MT) - Dự án “Cống hóa mương xây dựng tuyến đường từ cống Chẹm đến sông Lừ” thuộc nhóm công trình, dự án chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng đến nay, vẫn có khiếu nại, tố cáo do nhiều uẩn khúc chưa được làm sáng tỏ.

Giả mạo hồ sơ, chữ ký?

Báo Tài nguyên và Môi trường đã nhận được đơn thư của ông Lê Ngọc Hùng, trú tại phố Nguyễn Lương Bằng, phường Quang Trung, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội tố cáo về việc thu hồi thửa đất số 163 phố Xã Đàn (Đống Đa – Hà Nội) để thực hiện dự án “Cống hóa mương và xây dựng tuyến đường từ cống Chẹm đến sông Lừ” đã xuất hiện nhiều uẩn khúc nhưng tới nay chưa được làm rõ.

Được biết, ngày 4/9/2008, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 573/QĐ-UBND về việc thực hiện Dự án và giao cho Ban Quản lý dự án quận Đống Đa làm chủ đầu tư. Ngày 31/11/2008, UBND quận Đống Đa ban hành 2 Quyết định số 1027/QĐ-UBND và Quyết định số 1028/QĐ-UBND về việc thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư để triển khai công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án.

Trong đơn tố cáo, ông Hùng khẳng định, mặc dù, là chủ sử dụng đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thời điểm thu hồi đất nhưng ông Đỗ Đức Sơn và bà Nguyễn Thị Mền không có tên, không ký nhận trong hồ sơ nhận đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Tuy vậy, Hội đồng GPMB quận Đống Đa với 6 đơn vị, phòng ban, trong đó, có UBND phường Nam Đồng đã giả mạo chữ ký của ông Đỗ Đức Sơn vào các hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng và nhận tiền bồi thường của dự án để chiếm đoạt tiền của người được đền bù, bồi thường theo quy định của pháp luật.

“Ban Quản lý dự án quận Đống Đa đã cung cấp hồ sơ, tài liệu về giải phóng mặt bằng giả mạo (tại 163 Xã Đàn) cho Công an quận đống Đa”, ông Hùng khẳng định.

Vị trí đất còn nhiều uẩn khúc chưa được xử lý triệt để gây bức xúc
Vị trí đất còn nhiều uẩn khúc chưa được xử lý triệt để gây bức xúc

Liên quan đến những tố cáo trên, bà Lê Thị Thanh Hằng (chủ sử dụng đất tại 163 Xã Đàn) đã có đơn tố cáo gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Đống Đa đối với một số cán bộ quận Đống Đa và ông Vũ Minh Hồng (Phó Chủ tịch UBND phường Nam Đồng) về hành vi giả mạo hồ sơ, giả mạo chữ ký để tham ô, chiếm đoạt tiền bồi thường trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng.

Trong Văn bản số 2719/CSĐT-CSKT ngày 10/9/2014 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Đống Đa do ông Bùi Văn Đại, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Đống Đa ký gửi ông Nguyễn Song Hào, Chủ tịch UBND quận Đống Đa khẳng định: “Hồ sơ, tài liệu do Ban Quản lý dự án quận Đống Đa cung cấp: Không có chữ ký của ông Đỗ Đức Sơn và bà Nguyễn Thị Mền trong hồ sơ đền bù, hỗ trợ GPMB…”

Trong buổi họp báo ngày 18/12/2015, trước nhiều đại diện các cơ quan báo chí, ông Trương Thế Khôi – Trưởng Ban bồi thường GPMB quận Đống Đa đã thừa nhận: “Chúng tôi chỉ biết là có người ký hộ, nhưng không thể biết là ai ký, vì lúc đó đông người”. Đến ngày 2/3/2016, UBND quận Đống Đa tiếp tục họp báo với nhiều đại diện cơ quan báo chí, ông Nguyễn Hoàng Giáp, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa tiếp tục khẳng định: “Có người đã ký vào chủ sử dụng đất”.

Như vậy, việc thu hồi đất để thực hiện dự án trên là thu hồi đất của nhiều hộ gia đình ở 3 phường thuộc quận Đống Đa. Việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được thực hiện bởi 6 cơ quan, đơn vị trực thuộc quận Đống Đa, và phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, các hồ sơ thu hồi đất và nhận tiền đền bù có đầy đủ chữ ký của các hộ gia đình bị thu hồi đất trong các hồ sơ thu hồi đất, nhận tiền bồi thường và hỗ trợ tái định cư.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội: “Việc Ban Quản lý dự án quận Đống Đa cung cấp hồ sơ không có chữ ký cho Công an quận Đống Đa là hành vi cố tình “khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật” được quy định tại Điều 307, Bộ luật Hình sự.

Đây là hành vi cố ý nhằm che dấu những sai phạm nghiêm trọng của các cơ quan quận Đống Đa trong quá trình thực hiện thu hồi đất, bồi thường và hỗ trợ tái định cư dự án cống hóa mương và xây dựng tuyến đường từ cống Chẹm đến sông Lừ cần phải xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật”.

Quyết toán khống dự án?              

Theo tìm hiểu của phóng viên, Dự án “Cống hóa mương xây dựng tuyến đường từ cống chẹm đến sông Lừ” được thực hiện theo Quyết định số 573/QĐ-UBND ngày 4/9/2008 của UBND thành phố Hà Nội, dự án này thuộc nhóm công trình, dự án chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Dự án đến nay đã được đưa vào sử dụng nhiều năm, đã được quyết toán dự án hoàn thành theo quy định tại Thông tư số 19/2011/TT-BTC của Bộ Tài Chính ngày 14/2/2011.

Theo quy định về việc quyết toán đối với dự án hoàn thành thì việc xây dựng, hoàn công, nghiệm thu, bồi thường giải phóng mặt bằng phải hoàn thành 100% khối lượng công việc.

Tuy vậy, đối với dự án “Cống hóa mương xây dựng tuyến đường từ cống Chẹm đến sông Lừ” hiện nay còn có hạng mục vẫn dở dang chưa hoàn thành, chưa chi trả bồi thường cho người bị thu hồi đất trong đó có trường hợp tại 163 Xã Đàn.

Luật sư Kiệm khẳng định: “Dự án chưa hoàn thành việc xây dựng, hoàn công; chưa thực hiện xong việc bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng đã quyết toán hoàn thành, hành vi này có dấu hiệu rất rõ ràng của tội: “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại Điều 165, hoặc “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” được quy định tại Điều 281, Bộ luật Hình sự do vụ lợi hoặc động cơ cá nhân”.

Trong đơn, ông Hùng tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của UBND phường Nam Đồng, UBND quận Đống Đa và các cán bộ có thẩm quyền của UBND quận Đống Đa đến Công an quận Đống Đa và đề nghị Công an quận Đống Đa thụ lý giải quyết và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên theo đúng quy định của pháp luật.

Thiết nghĩ, UBND thành phố Hà Nội, Sở TN&MT Hà Nội cần vào cuộc xem xét, chỉ đạo điều tra, làm rõ vấn đề để minh bạch thông tin và xử lý nghiêm những cá nhân có sai phạm.

Bài và ảnh: Lê Xuân

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội: Vì sao còn khiếu nại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO