Đốt nương, rẫy gây cháy rừng bị xử phạt như thế nào

Phạm Oanh | 27/09/2021, 18:37

(TN&MT) - Hàng năm, sau các vụ thu hoạch lúa, ngô, gia đình tôi thường đốt rơm rạ, gốc ngô còn lại ngay trên nương, rẫy. Tuy nhiên, vừa qua, gia đình tôi bị chính quyền địa phương nhắc nhở và xử phạt hành chính vì nương, rẫy nhà tôi nằm gần khu vực rừng đặc dụng. Xin hỏi, việc xử phạt này có đúng hay không? Mức phạt tối đa mà gia đình tôi phải chiụ trách nhiệm là bao nhiêu? (Nguyễn Thị Tho, Sơn La).

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường tư vấn như sau:

Hành vi đốt nương, rẫy gần cánh rừng đặc dụng là hành vi trái quy định của pháp luật. Vì vậy, chính quyền địa phương nhắc nhở và xử phạt hành chính đối với hành vi của gia đình bạn là hoàn toàn đúng quy định.

Về mức xử phạt: Gia đình bạn sẽ chịu mức phạt phù hợp với mức độ vi phạm và hậu quả gây ra. Cụ thể:

Trường hợp thứ nhất: Hành vi đốt nương, rẫy chưa gây hậu quả cháy rừng

Theo Khoản 5, Điều 16, Nghị định số 35/2021/NĐ-CP, các hành vi như: Sử dụng lửa không đúng quy định của pháp luật trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng; Đốt lửa, sử dụng lửa để săn bắt động vật rừng, lấy mật ong, lấy phế liệu chiến tranh; Không tổ chức huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy rừng; Không bảo đảm kinh phí đầu tư cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định hiện hành của Nhà nước;

Ảnh minh họa

Hoặc không bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt ở những công trình, công trường và nhà ở được phép bố trí ở trong rừng; Không thực hiện đúng quy định pháp luật về sử dụng lửa khi đốt nương, rẫy, đồng ruộng, đốt thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng và làm giảm vật liệu cháy trong rừng; Đưa chất thải, hóa chất độc, chất nổ, chất cháy, chất dễ cháy vào rừng trái quy định của pháp luật; làm hầm, lò để đốt than trái phép trong rừng; Chủ rừng không thực hiện trồng lại rừng ngay trong vụ trồng rừng kế tiếp sau khi khai thác trắng với diện tích 10 ha trở lên, sẽ bị xử phạt từ 1,5 triệu đến 3 triệu đồng.

Trường hợp thứ hai: Hành vi đốt nương, rẫy gây hậu quả cháy rừng

Theo quy định của pháp luật, đối với cháy rừng thì hiện có Luật Nông nghiệp và Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Hình sự và Nghị định số 35 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp đối với hành vi cháy rừng. Theo đó, nếu để xảy ra cháy rừng, gia đình bạn có thể bị phạt tới 100 triệu đồng, nhưng nếu gây ra cháy trên 1.000m2 rừng đặc dụng hay 5.000m2 rừng sản xuất sẽ bị xử lý hình sự lên đến 15 năm tù. Ngoài mức phạt trên, gia đình bạn còn buộc trồng lại rừng hoặc thanh toán chi phí trồng lại rừng.

Cụ thể, khoản 3, 4 Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:

“Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích 100.000 mét vuông (m2) trở lên; Rừng sản xuất có diện tích 50.000 mét vuông (m2) trở lên; Rừng phòng hộ có diện tích 10.000 mét vuông (m2) trở lên; Rừng đặc dụng có diện tích 5.000 mét vuông (m2) trở lên; Gây thiệt hại về lâm sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích; Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm... Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng…”

Gia đình bạn có thể tham khảo các quy định trên để biết cụ thể về các mức phạt mà gia đình bạn sẽ bị áp dụng khi đốt nương, rẫy gần rừng đặc dụng.

Báo Tài nguyên & Môi trường

Bài liên quan
  • Đốt lửa lấy mật ong bị xử phạt thế nào?
    (TN&MT) - Xin hỏi, gia đình tôi có thể kết hợp chăn nuôi gia súc (trâu, bò) dưới tán cây rừng hay không? Ngoài ra, chồng tôi thường dùng lửa để bắt tổ ong rừng, việc này có bị xử phạt hay không? (Nông Thị Mai, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO