Đồng Tháp: Phát huy vai trò tôn giáo trong công tác BVMT và ứng phó BĐKH

Bạch Thanh (thực hiện) | 17/02/2023, 22:21

(TN&MT) - Thời gian qua, công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) ở Đồng Tháp đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong đó, vai trò của các tổ chức tôn giáo cũng đã phát huy hiệu quả, tạo ra những hiệu ứng tích cực lan tỏa trong cộng đồng dân cư. PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp xung quanh nội dung quan trọng này.

h1-2-.jpg
Ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp

PV: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong công tác quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó BĐKH trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?

Ông Huỳnh Minh Tuấn:

Trong thời gian qua, công tác quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên, BVMT và ứng phó BĐKH trên địa bàn luôn được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Đồng Tháp. Đồng thời, các địa phương trong tỉnh cũng đã chủ động lồng ghép công tác quản lý tài nguyên, BVMT, ứng phó với BĐKH trong việc xây dựng quy hoạch, chương trình hành động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là các quy hoạch, kế hoạch mang tầm chiến lược của tỉnh.

Cụ thể, tỉnh Đồng Tháp cũng đã thực hiện kịp thời và hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh theo quy định của Luật Đất đai; đồng thời, xây dựng các cánh đồng liên kết, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phòng chống thoái hoá đất, ô nhiễm đất; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý đất đai thống nhất, đồng bộ theo từng loại đất gắn với mục đích sử dụng đất của địa phương.

Bên cạnh đó, xây dựng và thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước, khoáng sản một cách hợp lý và bền vững; quản lý chặt chẽ các khu vực khai thác khoáng sản (cát sông) và các khu vực cấm khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Từ đó, hạn chế và kịp thời ngăn chặn được tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Công tác quản lý ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản được tỉnh tăng cường đẩy mạnh.

Đến nay, công tác quản lý, BVMT trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét, Trong đó, các công trình BVMT, các hoạt động xả thải trong quá trình triển khai thực hiện dự án, thi công công trình đã được kiểm soát và quản lý chặt chẽ. Tỉnh Đồng Tháp cũng đã ban hành Chương trình quan trắc chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; tập trung vào các khu vực nhạy cảm, khu - cụm công nghiệp, làng nghề, khu nuôi trồng thủy sản nhằm cảnh báo, dự báo kịp thời chất lượng môi trường để có giải pháp xử lý kịp thời.

Nhìn chung, công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và BVMT trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Minh chứng cho những nỗ lực của địa phương là kết quả đánh giá từ bộ chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (Chỉ số PAPI), trong đó chỉ số quản trị môi trường của tỉnh Đồng Tháp liên tục đứng đầu cả nước từ năm 2020 đến nay.

h2-1-.jpg
Các tín đồ tôn giáo và người dân tham gia hoạt động thả cá về môi trường thiên nhiên

PV: Được biết, trong kết quả chung của tỉnh có đóng góp không nhỏ của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn. Vậy, ông có thể nói rõ hơn về vai trò của các tôn giáo trong công tác quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó BĐKH?

Ông Huỳnh Minh Tuấn:

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 09 tôn giáo với 15 tổ chức, hệ phái đã được công nhận pháp nhân. Trong đó, tổng số tín đồ khoảng 445.730 người với 1.200 chức sắc, 1.929 chức việc, chiếm khoảng 28% dân số toàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp còn có 404 cơ sở thờ tự tôn giáo, 09 tổ chức cấp tỉnh, 12 tổ chức cấp huyện, 179 tổ chức trực thuộc ở cơ sở và 01 trường Trung cấp Phật học.

Nhằm huy động cộng đồng tôn giáo, tín ngưỡng và người dân cùng tham gia vào công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường, UBND tỉnh Đồng Tháp đã giao cho Sở TN&MT phối hợp với Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp xây dựng và ký kết Chương trình phối hợp “Phát huy vai trò tôn giáo tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH”. Trong đó, từng tổ chức tôn giáo đã triển khai trong nội bộ chức sắc, chức việc, tín đồ lồng ghép vào các chương trình hoạt động nhằm tuyên truyền, vận động tín đồ, người dân tham gia thông qua các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động tại địa bàn dân cư.

Kết quả từ năm 2016 đến nay, có 142 Câu lạc bộ “Tôn giáo tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH” được thành lập với 7.863 thành viên là chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tham gia. Đồng thời, các tín đồ các tôn giáo còn tham gia vào các mô hình khác nhau ở các địa phương như: “5 không, 3 sạch”, “Xây dựng thảm sinh học, hầm biogas”, “Thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật”...

Nhất là tham gia các hoạt động “Ngày Đại đoàn kết vì cộng đồng”, góp phần xây dựng thành công 103/115 xã Nông thôn mới và có 111/115 xã đạt tiêu chí 17 về Môi trường và An toàn thực phẩm. Thông qua các buổi tuyên truyền, sinh hoạt giữa các câu lạc bộ, các tổ chức tôn giáo đã đóng góp nhiều sáng kiến, ý tưởng hay, phối hợp với MTTQ cấp xã thành lập và triển khai thực hiện “Câu lạc bộ về BVMT, ứng phó với BĐKH” thiết thực, hiệu quả tại cộng đồng dân cư.

h3.jpg
Cảnh quan môi trường trên địa bàn Đồng Tháp ngày càng “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”

PV: Thời gian tới, tỉnh có những giải pháp nào để nhân rộng các sáng kiến, mô hình hay về công tác quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên, BVMT và ứng phó BĐKH trong người dân nói chung, các tổ chức tôn giáo nói riêng, thưa ông?

Ông Huỳnh Minh Tuấn:

Để tiếp tục duy trì các kết quả nổi bật đạt được trong thời gian qua và phát huy những giải pháp mới, sáng tạo trong thời gian tới, UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo Sở TN&MT thường xuyên tổng hợp, tổ chức sơ kết, đánh giá cụ thể các sáng kiến, mô hình, nhất là các mô hình về quản lý, phân loại, thu gom, xử lý chất thải, cải thiện chất lượng môi trường, thích ứng với BĐKH… Từ đó, lựa chọn nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả; kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và đề ra phương hướng thực hiện.

Đồng thời, đẩy mạnh các phong trào bảo vệ tài nguyên, BVMT, chống rác thải nhựa thiết thực gắn với lợi ích cộng đồng dân cư nói chung và các tổ chức tôn giáo nói riêng, duy trì thường xuyên các hoạt động tuyên truyền có hiệu quả, xây dựng thêm các mô hình điểm về BVMT và nhân rộng mô hình khi có điều kiện.

Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức tôn giáo và cộng đồng dân cư tham gia giám sát thực hiện các chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, BVMT, ứng phó với BĐKH của các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp; vận động tham gia thực hiện tốt công tác BVMT, tạo cảnh quan môi trường “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - An ninh - An toàn” nhằm giúp hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, đô thị văn minh.

Cùng với đó, tỉnh Đồng Tháp cũng sẽ tập trung chỉ đạo nhằm phát huy cũng như nhân rộng các Câu lạc bộ “Tôn giáo tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH”, gắn với sinh hoạt của các tổ Nhân dân tự quản, hội quán; nhất là chỉ đạo đẩy mạnh tổ chức các hoạt động “Ngày đại đoàn kết vì cộng đồng”, từ đó góp phần thực hiện tốt Chiến lược BVMT quốc gia tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, Chương trình "Toàn dân tham gia BVMT" của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Phật giáo Đà Nẵng bảo vệ môi trường
Triết lý Phật giáo có nhiều răn dạy phật tử về sống hài hòa với tự nhiên, sống tiết kiệm, trân quý sinh vật sống rất phù hợp với lối sống xanh, bảo vệ môi trường hiện nay. Một nghiên cứu khảo sát của PGS.TS Lưu Quý Khương (Đại học Đà Nẵng) đã cho thấy, Phật giáo đóng vai trò tích cực trong tuyên truyền cũng như thực hành các hoạt động môi trường tại cộng đồng.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO