Đồng Tháp: Chủ động thích ứng để phát triển để đối phó biến đổi khí hậu ĐBSCL

T.Minh| 04/04/2020 11:17

(TN&MT) - Những biểu hiện của biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ngày càng thể hiện rõ nét, thiên tai liên tiếp xảy ra, nhiều cơn bão lớn xuất hiện với mật độ dày đặc, nhiệt độ không khí tăng lên kỷ lục ở Việt Nam. BĐKH, vì thế, đang đặt ra những đòi hỏi cần có các giải pháp nhằm biến thách thức thành cơ hội, để chủ động thích ứng.

Tại Đồng Tháp, đang tái cơ cấu nông nghiệp theo định hướng chuyển đổi tư duy độc canh và tăng sản lượng lúa gạo, giảm dần diện tích lúa vụ 3, luân canh các loại cây trồng, thủy sản khác để tận dụng nước lũ, triển khai các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH. Địa phương này đang cùng Long An và Tiền Giang xây dựng đề án “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười” dựa trên phát huy giá trị tài nguyên, văn hóa bản địa và hệ sinh thái đất ngập nước.

Những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang ngày càng thể hiện rõ nét ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đề án xác định biến những giá trị vô hình trở thành giá trị hữu hình, biến những thách thức do tác động của BĐKH thành cơ hội, thành “đặc sản” để liên kết phát triển bền vững, hướng đến Đồng Tháp Mười sẽ có những thương hiệu chung, như nông sản, du lịch gắn với đặc điểm hệ sinh thái và văn hóa Đồng Tháp Mười.

Cũng với mục tiêu biến những khó khăn, thách thức từ BĐKH thành cơ hội cho nông nghiệp, mới đây, một chương trình chuyển đổi nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hợp tác giữa Hà Lan - Việt Nam vừa chính thức khởi động. Theo đó, trong giai đoạn đầu từ năm 2020 - 2023, chương trình này sẽ xúc tiến phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp tại sáu vùng sinh thái nông nghiệp của ĐBSCL. Cụ thể là vùng thượng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười gắn với chiến lược kiểm soát lũ và nông nghiệp dựa vào lũ thượng nguồn; vùng giữa sông Tiền và sông Hậu gắn với chiến lược phát triển và hiện đại hóa cây trồng, thủy sản; vùng phía tây sông Hậu gắn với trung tâm công nghiệp vận chuyển; vùng ven Biển Đông và vùng bán đảo Cà Mau gắn với chiến lược giải quyết sự cạn kiệt của tầng ngậm nước (chủ yếu cho nuôi tôm thâm canh); vùng biển sẽ tập trung phát triển đánh bắt hải sản gần và xa bờ... Việc phân vùng trọng điểm dựa trên điều kiện thủy lợi, đặc điểm đất, nguy cơ về khí hậu, các hệ thống sản xuất, khả năng thích ứng, giao thông vận chuyển và nhu cầu, cơ hội thị trường. Giai đoạn tiếp theo, những bài học từ việc phát triển các chuỗi giá trị ở các vùng trọng điểm sẽ được vận dụng rộng rãi. Chương trình sẽ được hoàn thành vào năm 2030, sau khi đã phát triển và hiện đại hóa một loạt các lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp tại ĐBSCL.

Theo TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, thì sản xuất ĐBSCL đối diện hàng loạt những thách thức như BĐKH, hoạt động thượng nguồn, thị trường, khoa học công nghệ, chính sách, đầu tư. Nhưng các thách thức này cũng có thể chuyển hóa thành cơ hội. Bối cảnh BĐKH, sụt lún đất, ngập lụt, xâm nhập mặn, sạt lở, ô nhiễm nước mặt, thiếu nước ngọt, suy giảm nước ngầm... có thể là cơ hội chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp hơn, cây chịu mặn, đặc sản, giá trị cao. Những khó khăn về thị trường lại mở ra cơ hội phát triển những sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra, trái cây, dừa, gạo chất lượng cao, nguồn lợi thủy sản, du lịch...

Tuy nhiên, như chia sẻ của TS Dương Văn Ni, Trường đại học Cần Thơ, tận dụng cơ hội thì cần chú ý tới tri thức bản địa. Đó là kinh nghiệm của người dân vốn đã giải quyết được những vấn đề rất hệ trọng. Như việc dân ĐBSCL từ xa xưa đã phân ra bốn vùng: miệt ruộng, miệt bưng, miệt vườn và miệt biển. Đối với miệt ruộng mỗi năm trồng có một vụ lúa, rồi để cho môi trường thông thoáng. Nhờ đó, mỗi năm đồng ruộng nhận 15 - 20 mm phù sa, thành thử 100 năm nhận 2 m thì không đến nỗi phải lo sợ lún. Và để thay đổi, hay điều chỉnh phải truy tận gốc rễ vấn đề dựa vào tri thức bản địa. Nông dân cần được tư vấn, hỗ trợ từ các mô hình, phát kiến mới cho thấy rõ lợi ích. Cần phải tính lại đầu tư thế nào cho bền vững, trong điều kiện BĐKH, chuyển bớt nguồn vốn làm thủy lợi sang làm hạ tầng khác, các mô hình hiệu quả rồi khuyến khích nông dân theo.

Những tác động tiêu cực của BĐKH đang ngày càng được thể hiện rõ nét, thiên tai liên tiếp xảy ra, nhiều cơn bão lớn xuất hiện với mật độ dày đặc, nhiệt độ không khí tăng lên kỷ lục ở nước ta. Với riêng ĐBSCL, những năm gần đây thường xuyên xuất hiện lũ lớn ở thượng nguồn, triều cường vượt mốc lịch sử gây thiệt hại lớn cho kinh tế, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân. Trước tình hình đó, thời gian qua Nhà nước đã quan tâm, ban hành nhiều chính sách để ứng phó với BĐKH, hướng tới phát triển bền vững. Trong đó, tập trung vào mục đích thích ứng và giảm nhẹ thiên tai, ảnh hưởng của BĐKH. Riêng trong giai đoạn ngắn hạn thì ưu tiên vào việc tìm các giải pháp thích ứng với BĐKH.

Để có thể biến những bất lợi thành cơ hội phát triển từ BĐKH, điều quan trọng nhất là cả chính quyền và người dân buộc phải thay đổi cách tư duy về quản lý và khai thác tài nguyên. Chẳng hạn như, ở lĩnh vực kinh tế biển cần quan tâm là khoáng sản biển, đảo; đánh bắt, nuôi trồng, chế biến hải sản, và các dịch vụ liên quan; vận tải biển bao gồm vận tải hàng hóa và hành khách, du thuyền, đóng và sửa chữa tàu, thuyền; du lịch biển, đảo. Cần có những nghiên cứu để đánh giá cụ thể, chi tiết hơn mức độ ảnh hưởng của BĐKH đến các ngành kinh tế, công trình kiến trúc, cầu đường của địa phương mình để định ra các biện pháp cho phù hợp những diễn biến mới nhất của khí hậu trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, các địa phương vùng BĐKH mới hoạch định những chính sách, những cơ chế phát triển để có thể khai thác cơ hội từ BĐKH mang lại. Đồng thời có hoạt động truyền thông, giáo dục để từ cộng đồng dân cư đến cơ quan quản lý có nhìn nhận đúng đắn hơn về BĐKH.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Tháp: Chủ động thích ứng để phát triển để đối phó biến đổi khí hậu ĐBSCL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO