Đồng Nai: Sơ kết kết quả thực hiện phân loại rác tại nguồn 2016 - 2018

13/10/2018 08:10

(TN&MT) - Ngày 12/10, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị Sơ kết kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ phân loại chất thải rắn (CTR) sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (giai đoạn 1, năm 2016 - 2018). Hội nghị do ông Đặng Minh Đức - Giám đốc Sở TN&MT Đồng Nai chủ trì.

nai1a
Ông Đặng Minh Đức - Giám đốc Sở TN&MT Đồng Nai chỉ đạo tại Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Trọng Toàn - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở TN&MT Đồng Nai cho biết: Thực hiện Quyết định số 4519 ngày 29/12/2016 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc phê duyệt Đề án tổng thể “Phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020”; Sở TN&MT đã phối hợp cùng UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và Sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện nhiệm vụ phân loại CTR tại nguồn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai - giai đoạn 1, năm 2016 - 2018.

Trong đó, từ năm 2016 đến nay, để hướng dẫn các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa thực hiện phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn, Sở TN&MT Đồng Nai đã ban hành một số văn bản để triển khai Đề án tổng thể phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Định kỳ hằng năm, Sở TN&MT còn tổ chức “Ngày hội tái chế chất thải”. Qua đó, hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân biết về cách thức phân loại, lưu giữ an toàn tại nguồn thải và chuyển giao chất thải cho đơn vị thu gom, xử lý chất thải nguy hại xử lý.

Trên cơ sở hướng dẫn của Sở TN&MT Đồng Nai, Huyện Trảng Bom đã duy trì và nhân rộng thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn với tổng số hộ tham gia 2.372 hộ/2.713 hộ, tỷ lệ phân loại đúng theo hướng dẫn đạt trên 87%. Thị xã Long Khánh đã có 15/15 phường, xã thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn với tổng số hộ tham gia 3.973 hộ/4.821 hộ, tỷ lệ phân loại đúng đạt 82%. Thành phố Biên Hòa cũng đã duy trì thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn tại 04 phường với tổng số hộ tham gia 2.300 hộ/9.235 hộ, tỷ lệ phân loại đúng đạt gần 25%...

Đại diện Lãnh đạo Sở TN&MT Đồng Nai nhận định: Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ phân loại rác sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai - giai đoạn 1, năm 2016 - 2018 cho thấy nhận thức của người dân địa phương về phân loại rác sinh hoạt tại nguồn tại các khu vực thí điểm đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức về lợi ích của việc phân loại rác sinh hoạt và thải bỏ chất thải đúng nơi quy định. Công tác chuẩn bị cho việc thực hiện phân loại rác sinh hoạt tại nguồn quy mô cấp tỉnh và tại một số địa phương về cơ bản đã hoàn hành.

Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được thì việc triển khai thực hiện còn những khó khăn một phần là do Đồng Nai là một tỉnh công nghiệp với đa ngành nghề, là một nơi thu hút dân cư thuộc độ tuổi lao động từ các tỉnh thành trong cả nước đến để sinh sống và lao động đã gây áp lực về dân số và hạ tầng kỹ thuật môi trường. Bên cạnh đó, tình trạng trình độ dân trí và mật độ dân cư phân bố không đồng đều dẫn đến công tác tuyên truyền về phân loại rác tại nguồn chưa thật sự hiệu quả, điều này thể hiện rõ ở quá trình triển khai thí điểm tại địa bàn thành phố Biên Hòa.

nai2
Quang cảnh Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Đặng Minh Đức - Giám đốc Sở TN&MT Đồng Nai cho biết: Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kế hoạch thực hiện phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, một số nhiệm vụ và giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể, đối với cấp tỉnh, tiếp tục triển khai thực hiện tại các khu vực đô thị còn lại và các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; mở rộng đối tượng thực hiện, gồm: khu cơ quan hành chính, bệnh viện, trung tâm y tế, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ.

Đồng thời, tăng cường các hoạt động truyền thông về thu gom CTR, bảo vệ môi trường cũng như công tác phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn đến người dân tại địa bàn đã triển khai thí điểm thông qua các phương tiện truyền thông như: Báo Đồng Nai, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai, Cổng thông tin điện tử Sở TN&MT Đồng Nai…; thực hiện tuyên truyền đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai để thực hiện nghiêm túc việc phân loại, thu gom và chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý chất thải phát sinh.

Ngoài ra, tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thu gom, xử lý chất thải đầu tư phương tiện, thiết bị đáp ứng yêu cầu thu gom, vận chuyển chất thải sau phân loại; phối hợp với các cơ quan có liên quan để kiểm tra, giám sát, khen thưởng trong việc thực hiện phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn; nghiên cứu, tìm hiểu các địa phương thực hiện tốt việc phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn để tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình phân loại CTR tại nguồn, thông qua đó tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện trong giai đoạn tiếp theo cho toàn tỉnh.

Để công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn trong thời gian tới được thuận lợi và đạt hiệu quả cao trong giai đoạn 2 của Đề án tổng thể “Phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 - 2020”, Sở TN&MT Đồng Nai cũng kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai giao cho Sở TN&MT phối hợp với UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa thực hiện hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân trong việc triển khai thực hiện phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn.

Cũng với đó, giao cho Sở TN&MT Đồng Nai chủ trì, phối hợp với các địa phương thực hiện phân loại CTR tại nguồn tổ chức thí điểm thiết lập các điểm thu hồi chất thải nguy hại trong chất thải sinh hoạt của người dân; tiếp tục thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác phân loại CTR tại nguồn. Trong đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh để thực hiện nghiêm túc việc phân loại, thu gom và chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý chất thải phát sinh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Nai: Sơ kết kết quả thực hiện phân loại rác tại nguồn 2016 - 2018
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO