Đồng Nai: Chủ động nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ môi trường

Tường Tú| 09/12/2021 09:56

(TN&MT) - Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai, Sở TN&MT Đồng Nai đã và đang chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Kiểm soát chặt nước thải công nghiệp

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 32 khu công nghiệp (KCN) đã được thành lập với tổng diện tích đất hơn 10.222ha, bao gồm: 31 KCN đã đi vào hoạt động, 1 KCN Công nghệ cao Long Thành hiện đang trong giai đoạn thu hồi đất, đầu tư xây dựng hạ tầng. Diện tích đất công nghiệp đã được cho thuê là hơn 5.823ha, đạt tỷ lệ 82% diện tích đất công nghiệp dành cho thuê là hơn 7.120ha. Tổng lượng nước thải phát sinh tại 31 KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh vào khoảng 127.754 m3/ngày.

Trong đó, lượng nước thải được đấu nối xử lý về hệ thống xử lý nước thải tập trung (HTXLNTTT) là 99.821 m3/ngày, chiếm 78,14%; lượng nước của 28 doanh nghiệp được cấp phép xả thải theo Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước khoảng 27.902 m3/ngày, chiếm 21,84%; lượng nước còn lại chưa đấu nối, xử lý khoảng 31 m3/ngày, chiếm 0,02%. Trong năm 2021, sau khi 3 KCN hoàn thành việc nâng công suất xử lý, tổng công suất thiết kế HTXLNTTT của 31 KCN sẽ là 195.300 m3/ngày.

Đồng Nai rất quan tâm đầu tư hệ thống quan trắc nước thải tự động tại các KCN nhằm kiểm soát chất lượng nước thải sau xử lý

Theo Sở TN&MT Đồng Nai, đến năm 2020, tỉnh đã đầu tư, lắp đặt 25 hệ thống quan trắc nước thải tự động tại 25 KCN có đủ lượng nước thải vận hành HTXLNTTT và được lấp đầy trên 50% diện tích. Để tiếp tục thực hiện quan trắc nước thải tại các KCN theo đúng quy định, UBND tỉnh Đồng Nai đã có Văn bản số 9759 ngày 16/8/2021 về việc triển khai Văn bản số 3908 ngày 15/7/2021 của Bộ TN&MT đề nghị các KCN đang hoạt động ở Đồng Nai phải hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT trước ngày 31/12/2021 theo quy định.

Cùng với đó, nhằm thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TN&MT về việc yêu cầu về thời gian lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục đến ngày 31/12/2022; UBND tỉnh Đồng Nai đã tiếp tục có Văn bản số 12814 ngày 19/10/2021 giao Sở TN&MT rà soát, yêu cầu các Công ty kinh doanh hạ tầng KCN cam kết về tiến độ đầu tư hoàn thành, sớm đưa vào quản lý, vận hành quan trắc nước thải tự động tại các KCN trên địa bàn tỉnh theo đúng yêu cầu, thời gian quy định.

Tăng cường quản lý, xử lý chất thải rắn

Trong năm 2021, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành và các địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh trên địa bàn tỉnh. Trong đó, yêu cầu phải giảm tỷ lệ chôn lấp CTRSH không quá 15% theo chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy Đồng Nai; đồng thời, báo cáo Bộ TN&MT về tình hình quản lý chất thải nguy hại, chất thải rắn thông thường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2021.

Cụ thể, tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn tỉnh là 1.854 tấn/ngày. Trong đó, khối lượng CTRSH vào khoảng 1.703 tấn/ngày được thu gom và đưa về các khu xử lý chất thải để xử lý với tỷ lệ chôn lấp sau xử lý đạt dưới 15%; khối lượng CTRSH vào khoảng 151 tấn/ngày của các hộ dân tại khu vực nông thôn chưa có tuyến thu gom thì tự phân loại, xử lý theo hướng dẫn, đạt tỷ lệ 100%, đạt so với chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy Đồng Nai. Còn khối lượng chất thải công nghiệp thông thường phát sinh trên địa bàn tỉnh vào khoảng 1.291 tấn/ngày được thu gom, xử lý, đạt tỷ lệ 100%, đạt so với chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy.

Khối lượng lớn chất thải phát sinh trong đợt dịch Covid-19 vừa qua ở Đồng Nai đều đã được thu gom, xử lý theo đúng quy định

Riêng đối với chất thải phát sinh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tính đến ngày 13/11/2021, trên địa bàn tỉnh có 84 khu cách ly, 267 vùng cách ly tập trung (phong tỏa) để phòng, chống Covid-19 và 12 bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19. Tổng khối lượng chất thải lũy kế được thu gom, xử lý là 11.747 tấn. Trong đó, chất thải lây nhiễm là 3.160 tấn đã được đốt tiêu hủy; chất thải sinh hoạt khu/vùng cách ly là 8.587 tấn được chôn lấp khử trùng an toàn.

Hiện, tỉnh Đồng Nai cơ bản đáp ứng yêu cầu về năng lực thu gom, xử lý chất thải phát sinh tại các khu cách ly, vùng cách ly tập trung (phong tỏa) và các bệnh viện dã chiến điều trị phòng, chống Covid-19; công suất xử lý vẫn còn khả năng đáp ứng yêu cầu trong thời gian tới. UBND tỉnh Đồng Nai cũng giao các Sở, ban, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong việc xử lý chất thải y tế phát sinh trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Siết chặt quản lý, bảo vệ môi trường

Lãnh đạo Sở TN&MT Đồng Nai cho biết: Thời gian tới, để tăng cường công tác quản lý và bảo vệ môi trường, cụ thể hóa những nội dung công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, Sở TN&MT sẽ phối hợp triển khai xây dựng Kế hoạch Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai năm 2022. Trong đó, đề ra cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp, phân công triển khai thực hiện để đảm bảo thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh,

Đồng thời, Sở TN&MT Đồng Nai sẽ tập trung thực hiện Kế hoạch số 7729 ngày 6/7/2021 của UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan do tỉnh Đồng Nai ban hành không còn phù hợp để đề xuất bãi bỏ, bổ sung, sửa đổi phù hợp với các quy định mới về môi trường; tham mưu ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh được giao trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 để làm cơ sở triển khai thực hiện tốt việc quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, Sở TN&MT Đồng Nai sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai theo Chỉ thị số 54 ngày 24/3/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai và Kế hoạch số 5973 ngày 28/5/2020 của UBND tỉnh Đồng Nai và đánh giá kết quả thực hiện; tổ chức thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn; xây dựng kế hoạch thực hiện phong trào thi đua “Hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và ni lông”.

Sở TN&MT Đồng Nai cũng sẽ tập trung hoàn thành việc xây dựng Đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải và các nội dung mới theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Đồng Nai và chỉ đạo về việc xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh sau khi Đề án được ban hành.

Song song đó, Sở TN&MT Đồng Nai sẽ triển khai các hoạt động hưởng ứng các tuần lễ bảo vệ môi trường và các sự kiện của ngành TN&MT; tổ chức hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về ni lông năm 2022 theo Chương trình liên tịch được ký kết; triển khai thực hiện các dự án thành phần thuộc Dự án tổng thể về truyền thông nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường; tổ chức tập huấn, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên; tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn đa dạng và an toàn sinh học...

Lãnh đạo Sở TN&MT Đồng Nai cho hay: Để kiểm soát chặt các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Sở TN&MT sẽ lập Báo cáo chuyên đề thực trạng và giải pháp phòng ngừa, kiểm soát các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Kết quả của nhiệm vụ này sẽ là cơ sở nhận diện ra các nguy cơ gây ô nhiễm từ các đối tượng này cũng như phục vụ đề xuất các giải pháp phòng ngừa, kiểm soát một cách hiệu quả trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Nai: Chủ động nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO