Đống Đa - Hà Nội: Bí thư Thành ủy chỉ đạo Chủ tịch quận giải quyết vụ đập phá nhà dân

25/12/2017 12:09

(TN&MT) – Bí thư Thành ủy TP Hà Nội chỉ đạo Chủ tịch UBND quận Đống Đa xem xét, chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền về việc bà Nguyễn Thị Lụa, ông Nguyễn Xuân...

(TN&MT) – Bí thư Thành ủy TP Hà Nội chỉ đạo Chủ tịch UBND quận Đống Đa xem xét, chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền về việc bà Nguyễn Thị Lụa, ông Nguyễn Xuân Bắc tố phường Khương Thượng đập phá tài sản của gia đình tại số 18, ngõ 123 Khương Thượng, phường Khương Thượng, quận Đống Đa, TP. Hà Nội.

Mới đây, Phó Chánh văn phòng Thành ủy TP Hà Nội – bà Trần Thị Vân Anh ký văn bản số 2246-GB/VPTU/td ngày 19/12/2017, gửi tới gia đình bà Nguyễn Thị Lụa và ông Lê Xuân Bắc địa chỉ tại số 18 ngõ 123 Khương Thượng, quận Đống Đa, TP. Hà Nội.

Nội dung văn bản nêu rõ: “Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận được đơn của ông, bà đề ngày 05/12/2017. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy, Văn phòng Thành ủy đã chuyển đơn của ông, bà đến đồng chí Chủ tịch UBND quận Đống Đa để xem xét, chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền”.

h2
Trước đó, Báo Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi tới UBND quận Đống Đa đề nghị làm rõ vấn đề trên, tuy nhiên, đã nhiều ngày trôi qua, Báo vẫn chưa nhận được bất cứ câu trả lời nào từ UBND quận Đống Đa.

Báo Tài nguyên và Môi trường đã đăng tải nhiều bài báo phản ánh về việc UBND phường Khương Thượng tổ chức đập phá tường nhà bà Nguyễn Thị Lụa (là con liệt sĩ) tại số nhà 18, ngõ 123, phố Khương Thượng, quận Đống Đa, TP. Hà Nội nhưng không hề có thông báo, quyết định cưỡng chế, tháo dỡ nhưng Chủ tịch phường Khương Thượng – ông Nguyễn Hoàng Thắng vẫn cương quyết phủ nhận và cho rằng phường chỉ đập phá công trình của nhà thầu thi công tuyến mương L2A của Ban điều hành thi công gói thầu số 3 – Tổng Công ty CP Sông Hồng chứ không phải của gia đình bà Nguyễn Thị Lụa.

Để chứng minh việc này, ông Chủ tịch UBND phường Khương Thượng cung cấp cho PV Báo Tài nguyên và Môi trường một số văn bản liên quan. Theo đó, vào năm 2015, cơ quan này đã có Công văn số 23/TB-UBND do ông Nguyễn Hoàng Thắng – Phó Chủ tịch (nay là Chủ tịch) ký ngày 21/5/2015 về việc đề nghị tự tháo dỡ lán trại đã mượn để phục vụ thi công tuyến mương L2A của Ban điều hành thi công gói thầu số 3 – Tổng Công ty CP Sông Hồng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Hưng - Phó Giám đốc Ban điều hành thi công dự án số 3 thuộc Tổng Công ty CP Sông Hồng lại cho biết. Vào ngày 12/11/2012, Ban điều hành đã có văn bản gửi UBND phương Khương Thượng về việc xin mượn đất để tập kết vật tư, vật liệu và làm lán trại phục vụ thi công tuyến mượng L2A (Y cụ - Y khoa) thuộc gói thầu số 3 – Dự án thoát nước Hà Nội. Mặc dù đã có Văn bản đề xuất với UBND phường Khương Thượng nhưng phường không có công văn phúc đáp trả lời đồng ý cho Ban điều hành mượn đất. Đồng thời, Ban điều hành không hề xây dựng lán trại hay tập kết vật liệu xây dựng tại thửa đất nhà bà Nguyễn Thị Lụa, số nhà 18, ngõ 123, phố Khương Thượng.
h1
UBND phường Khương Thượng giải thích đây là tài sản của đơn vị thi công nhưng chính ông Nguyễn Tiến Hưng - Phó Giám đốc Ban điều hành thi công dự án số 3 thuộc Tổng Công ty CP Sông Hồng đã phủ nhận không có bất cứ tài sản gì xây dựng trên đất của gia đình bà Lụa

Trả lời về vấn đề này, Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, “Chính quyền phường Khương Thượng cần phải chứng minh với cơ quan cấp trên rằng đã làm đầy đủ những trình tự theo quy định của pháp luật nhưng người vi phạm vẫn chống đối, không chấp hành nên mới tổ chức cưỡng chế. Ngoài ra. do công trình đó thuộc sở hữu của gia đình bà Lụa nhưng lại được xây dựng trên đất lưu không do phường quản lý nên cần có sự khẳng định chắc chắn về quyền sở hữu, sử dụng đối với công trình trên đất mới có thể kết luận việc đúng sai”.

Theo luật sư Diện, năm 2014, khi Nhà nước thu hồi đất phục vụ dự án đầu tư công trình thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội – Dự án II hạng mục cải tạo mương L2A Y Cụ Y Khoa thì tại hồ sơ bồi thường giải phóng mặt bằng đã ghi nhận rõ diện tích nhận chuyển nhượng và hiện trạng sử dụng đất của bà Nguyễn Thị Lụa đã tăng đến 65,6 m2. Mặc dù xác nhận hiện trạng nhưng quá trình thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư Hội đồng đã xác định diện tích tăng thêm 47 m2 là đất lưu không do phường quản lý, vì vậy phần diện tích đất bị thu hồi, ngoài 0,08 m2 nằm trong 18 m2 do bà Lụa mua, đã không được xem xét bồi thường về đất.

Vậy để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất trong trường hợp này, UBND phường Khương Thượng, UBND quận Đống Đa cần phải xác định rõ diện tích tăng thêm là do đâu, có đủ điều kiện đăng ký biến động theo quy định của pháp  luật về đất đai được hay không?. Trường hợp này có cần thiết phải có hội đồng tư vấn.

Liên quan đến thông tin bà Nguyễn Thị Lụa tố cáo UBND phường Khương Thượng tổ chức đập phá nhà của gia đình, Luật sư Vi Văn Diện cho rằng nếu đó là tài sản của bà Lụa bỏ tiền xây dựng, thuộc sở hữu của gia đình thì cho dù có xây dựng trái phép mà muốn xử lý tháo dỡ phải tuân thủ theo pháp luật. Nếu gia đình bà Lụa chứng minh được phường Khương Thượng tự ý đập phá nhà của gia đình thì cơ quan công an cần vào cuộc. Nếu đủ căn cứ, có thể khởi tố vụ án theo hướng hủy hoại tài sản của công dân để làm rõ các cá nhân có liên quan.

Ngoài ra, việc UBND phường Khương Thượng báo cáo các cơ quan chức năng rằng không có việc tháo dỡ tài sản của gia đình bà Lụa mà đó là tháo dỡ tài sản của Ban điều hành thi công dự án số 3 thuộc Tổng Công ty CP Sông Hồng thì với những thông tin tôi nhận được, tôi cho rằng ở đây có sự “mập mờ” “đánh tráo bản chất” của lãnh đạo phường này bởi chính, ông Nguyễn Tiến Hưng - Phó Giám đốc Ban điều hành đã phủ nhận việc đơn vị này có tài sản trên đất nhà bà Lụa.

Báo điện tử TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đống Đa - Hà Nội: Bí thư Thành ủy chỉ đạo Chủ tịch quận giải quyết vụ đập phá nhà dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO