Đồng bộ cơ sở dữ liệu đất đai theo lộ trình thống nhất

Trường Giang| 26/03/2020 10:27

(TN&MT) - Thời gian qua, các cấp ngành, địa phương đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, tuy vậy, để vận hành, sử dụng một cách hiệu quả cần xây dựng một cách đồng bộ, đầy đủ trên phạm vi cả nước theo lộ trình thống nhất.

Theo ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ TN&MT, hiện nay, cả nước có 3 mô hình hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai đang vận hành là: mô hình tập trung cấp tỉnh tại 6 tỉnh (Vĩnh Long, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bình Dương, Bình Định, Bến Tre); mô hình bán tập trung (một phần ở cấp huyện) tại 41 tỉnh; mô hình phân tán cấp huyện tại 16 tỉnh.

Bên cạnh đó, các địa phương đang sử dụng một số phần mềm ứng dụng hệ thống thông tin như: ViLIS, ELIS, TMV.LIS… chức năng các phần mềm ứng dụng được chia thành 3 nhóm chính gồm: Nhóm ứng dụng hỗ trợ công tác lập, chỉnh lý, bản đồ địa chính, tạo lập cơ sở dữ liệu đất đai; nhóm ứng dụng quản trị vận hành cơ sở dữ liệu đất đai; nhóm ứng dụng khai thác cơ sở dữ liệu đất đai.

Ngoài ra, một số địa phương đã bắt đầu ứng dụng công nghệ hiện đại của cánh mạng khoa học  4.0 như nền tảng Web-base, smart mobile… vào khai thác cơ sở dữ liệu đất đai.

Ảnh minh họa

Phó Tổng Cục trưởng Mai Văn Phấn phân tích: Hiện nay, trên địa bàn cả nước chủ yếu tập trung xây dựng thành phần cơ sở dữ liệu đất đai là cơ sở dữ liệu địa chính. Theo đó, đến nay, đã có 182/713 đơn vị cấp huyện thuộc 47 tỉnh, thành phố hoàn thành công việc này và đưa vào vận hành khai thác. 6 tỉnh thành phố hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính và đưa vào vận hành khai thác theo mô hình tập trung.

Đặc biệt, một số địa phương đã bắt đầu tiến hành các thành phần khác của cơ sở dữ liệu đất đai như: Cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất, thống kê, kiểm kê…

Thời gian qua, đã có nhiều dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai do Trung ương và địa phương tổ chức thực hiện, đang và sẽ thực hiện như: Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai (giai đoạn 1); Dự án hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (VLAP); Dự án tăng cường năng lực định giá đất quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (VILG); Dự án tổng thể xây dựng hệ thống xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai…

Theo đánh giá của Bộ TN&MT, để cơ sở dữ liệu đất đai được xây dựng đồng bộ, đầy đủ trên phạm vi cả nước theo lộ trình thống nhất tạo nền tảng cho triển khai Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, theo chỉ đạo của Chính phủ Bộ đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tổng thể xây dựng cơ sở dữ đất đai”.

Ảnh minh họa

Đề án có mục tiêu tạo nền tảng cơ bản cho công tác quản trị đất đai dựa trên hệ thống thông tin đất đai thống nhất trong phạm vi cả nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Đề án có phạm vi thực hiện trên cả nước đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Nguyên tắc xác định khối lượng thực hiện trong Đề án phải đảm báo việc kế thừa các sản phẩm đã đầu tư từ các Chương trình, Dự án trước đây; không trùng lặp với các Chương trình, dự án đang thực hiện, hoặc đang đề xuất.

Giải pháp thực hiện của Đề án gồm: Giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu theo các phương án xây dựng mới cơ sở dữ liệu lồng ghép với nơi bắt đầu thực hiện đo đạc, chỉnh lý biến động bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận; chuyển đổi, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai dựa trên việc kế thừa cơ sở dữ liệu đã được xây dựng bằng nguồn kinh phí khác…;

Ngoài ra, còn các giải pháp kỹ thuật, công nghệ; đảm bảo an toàn thông tin, bảo mật hệ thống; quản lý và chia sẻ cơ sở dữ liệu đất đai kế thừa Dự án Tăng cường năng lực định giá đất quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai. Thời gian thực hiện Đề án trong 6 năm từ năm 2020 - 2025…

 

Hiện nay, Tổng cục Quản lý đất đai tập trung liên hệ, đôn đốc lấy ý kiến các Bộ, ngành và địa phương, đồng thời, đã chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ Đề án trên cơ sở các ý kiến góp ý của các Bộ ngành và các tỉnh, thành phố đã góp ý để sớm trình Bộ TN&MT trình Chính phủ.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bộ cơ sở dữ liệu đất đai theo lộ trình thống nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO