Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (VQG PN-KB) có địa phận tiếp giáp 13 xã, thị trấn thuộc các huyện Minh Hóa, Bố Trạch và Quảng Ninh với dân số hơn 70.000 người. Trong đó, có nhiều xã, thị trấn có từ 45 - 95% dân số là bà con giáo dân. Phần lớn, giáo dân sống trong khu vực vùng đệm có mức thu nhập thấp, đời sống còn nhiều khó khăn nên áp lực đối với tài nguyên Vườn là rất lớn.
Trong đó, Phúc Trạch là xã vùng đệm có 3.275 hộ với trên 13.200 nhân khẩu, phân bố ở 12 thôn, trong đó có 96% đồng bào theo đạo Công giáo tham gia sinh hoạt tại 3 giáo xứ và 6 giáo họ. Bà con giáo dân ở đây có mức thu nhập thấp, đời sống còn nhiều khó khăn nên áp lực đối với tài nguyên VQG là rất lớn. Vì vậy, Ban Quản lý VQG PN-KB đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu về giải quyết việc làm, hỗ trợ sinh kế giúp giáo dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế bền vững…
Lực lượng kiểm lâm Vườn phối hợp với Tổ bảo vệ rừng tuần tra giữ rừng. |
Để bà con giáo dân trên địa bàn chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ giá trị toàn vẹn của di sản, Ban Quản lý Vườn, chính quyền địa phương đã nỗ lực đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm thông qua các hoạt động du lịch, hỗ trợ sinh kế cho giáo dân...; đồng thời tích cực phối hợp với các linh mục, hội đồng mục vụ (HĐMV) các giáo xứ, giáo họ để tuyên truyền giáo dân BVR, bảo vệ môi trường, xử lý rác thải sinh hoạt ở quanh khu vực di sản...
Trong các buổi truyền đạt đức tin, HĐMV giáo họ Hội Nghĩa đã lồng ghép tuyên truyền hướng giáo dân tới những việc thiện, việc tốt, sống “tốt đời, đẹp đạo”, “kính Chúa, yêu nước”, xây dựng xứ họ đạo bình yên. HĐMV giáo họ cũng thường xuyên phối hợp với cán bộ của Vườn Quốc gia đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, nhắc nhở bà con giáo dân về ý nghĩa, giá trị và tầm quan trọng của Di sản thiên nhiên thế giới VQG PN-KB đối với thế hệ hôm nay và mai sau, từ đó bà con nâng cao nhận thức, có trách nhiệm, cùng chung tay bảo vệ rừng, góp phần bảo vệ di sản.
Người dân được hỗ trợ sinh kế rất phấn khởi, vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Từ đó, bà con giáo dân hiểu hơn về ý nghĩa của bảo vệ rừng, bảo vệ di sản, tin tưởng và tích cực tham gia vào các tổ bảo vệ rừng, cùng với lực lượng Kiểm lâm kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng; đồng thời trở thành những tuyên truyền viên tích cực ngay từ cơ sở.