Xã hội

Đồng bào DTTS Kon Tum bảo vệ rừng để phát triển kinh tế và ứng phó với BĐKH

Quế Mai 10/09/2021 12:27

(TN&MT) - Nhận thức được ý nghĩa to lớn của rừng, cộng đồng dân cư ở các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) hiện nay đã ra sức[TD1] tham gia bảo vệ rừng để vừa phát triển kinh tế, ổn định đời sống, vừa ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phát triển kinh tế từ rừng

Đăk Trăm là xã vùng cao với trên 95% là người đồng bào DTTS. Trình độ dân trí thấp[TD2] , lại nằm ở khu vực vùng cao nên đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Nhiều năm nay, ngoài sản xuất nông nghiệp, bà con DTTS các thôn, làng của xã Đăk Trăm đã tham gia nhận khoán bảo vệ rừng để có thêm thu nhập từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR).

anh-1..jpg
Người dân đi tuần tra, bảo vệ rừng

Anh A Ngục (thôn Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm) cho biết, thôn Đăk Rô Gia tham gia nhận khoán bảo vệ 29 ha rừng từ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô. Trung bình mỗi năm, thôn nhận được hơn 200 triệu tiền chi trả DVMTR. Từ nguồn tiền này, ngoài chi cho công tác tuần tra, kiểm tra rừng, mua dụng cụ phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng, thì mỗi hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng cũng được chia một phần tương ứng số ngày công đi tuần tra, kiểm tra rừng.

Nhờ làm nghề rừng, nhiều hộ DTTS Đăk Trăm có thêm một nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống. Ngoài ra, cán bộ, chính quyền địa phương đã tận tình hướng dẫn việc quản lý, sử dụng tiền DVMTR hiệu quả, bà con đồng bào DTTS Đăk Trăm đã học hỏi thêm nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi phù hợp để phát triển kinh tế.

“Nhờ tham gia bảo vệ rừng, gia đình tôi có thêm nguồn tiền ổn định để tái đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, cho năng suất cao. Từ đó, có điều kiện để chăm lo cho con cái đi học và mua sắm thêm được nhiều đồ dùng trong gia đình. Đi tuần tra, bảo vệ rừng, tôi còn thu được lâm sản phụ như: sâm dây, măng le để bán và có thêm thu nhập. Bây giờ, người dân trong làng đều tích cực tham gia tuần tra, kiểm soát rừng để hưởng nguồn lợi từ rừng”, A Ngục chia sẻ.

Ông Trương Đình Tuệ - Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm khẳng định, tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng không những làm tăng diện tích rừng hiện có của xã mà còn giúp đời sống kinh tế của bà con người đồng bào DTTS ở xã Đăk Trăm ngày càng được nâng lên, ổn định hơn.

“Tỷ lệ hộ nghèo của xã Đăk Trăm đã giảm từ trên 30% năm 2016 xuống còn 20,5% năm 2020. Các thôn, làng còn trích tiền thu được từ nhận khoán bảo vệ rừng để làm đường điện chiếu sáng, xây sân chơi tập thể, giúp bộ mặt nông thôn thêm khởi sắc. Bà con không còn lấn chiếm đất rừng làm rẫy hay khai thác rừng trái phép nữa mà tích cực tham gia trồng, bảo vệ rừng và cùng nhau phát triển kinh tế”, ông Tuệ cho hay.

Giữ rừng để ứng phó với biến đổi khí hậu

Xã Đăk Trăm có 7 thôn, trong đó hiện có 5 thôn nhận khoán bảo vệ rừng. Vì vậy, ý thức của người dân trên địa bàn xã trong việc quản lý, bảo vệ rừng chưa đều. Thực hiện chủ trương của tỉnh Kon Tum, thời gian tới UBND xã Đăk Trăm sẽ tiến hành giao khoán diện tích rừng do UBND xã quản lý cho 2 thôn còn lại, để phát huy tính cộng đồng của người DTTS trong quản lý, bảo vệ rừng.

anh-2..jpg
Cộng đồng người DTTS sống gần rừng và tích cực tham gia bảo vệ rừng

Theo ông Trương Đình Tuệ, xã Đăk Trăm thường xuyên phối hợp với lực lượng Kiểm lâm địa bàn, Công an xã để tuyên truyền đến từng thôn, làng về tác dụng của rừng trong việc điều hòa không khí, giữ nước, chắn gió và chống biến đổi khí hậu. Cùng với đó, vận động người dân ký cam kết không xâm lấn đất rừng để nâng cao nhận thức cho bà con DTTS trên địa bàn xã.

Nhờ vậy, nhận thức của người dân về tác dụng của rừng đã ngày một nâng lên. Anh A Vu (thôn Đăk Trăm, xã Đăk Trăm) chia sẻ, bảo vệ rừng chính là bảo vệ môi trường sống, giữ gìn nguồn nước, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học. Rừng được bảo vệ tốt đã giúp bà con tránh được những tác động xấu do thiên tai và biến đổi khí hậu gây ra.

“Hiện nay, nhiều diện tích đồi núi trọc tại xã Đăk Trăm đã được phủ xanh, phát triển thành rừng, tạo không khí xanh mát và giảm thiểu tình trạng sạt lở đất, bào mòn đất ở một số khu vực đồi núi khi có mưa lớn. Bà con rất yên tâm làm ăn và không còn xâm hại đến rừng nữa” - anh A Vu bộc bạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bào DTTS Kon Tum bảo vệ rừng để phát triển kinh tế và ứng phó với BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO