Đồng bào dân tộc miền núi sống trong vùng có nguy cơ sạt lở được hỗ trợ như thế nào?

Phạm Oanh | 20/10/2021, 09:53

(TN&MT) - Gia đình tôi ở huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên. Hiện, nhà tôi sống ở khu vực đã từng xảy ra lũ ống, lũ quét. Tôi được biết, nhà nước có chính sách hỗ trợ người dân tái định cư sau khi bị thu hồi đất do đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai. Xin hỏi, cụ thể chính sách này được quy định tại đâu và như thế nào? (Lò Văn Chương, Điện Biên).

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 65 Luật Đất đai năm 2013 thì các trường hợp thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người gồm: Đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người; Đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người…

Việc thu hồi đất đối với các trường hợp trên dựa trên văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định mức độ ô nhiễm môi trường, sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người.

Nhà nước hỗ trợ người dân tái định cư khi bị thu hồi đất tại nơi có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai.

Hướng dẫn thi hành các quy định trên, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định, trình tự, thủ tục thu hồi đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người; đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người được quy định như sau: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện giao cho cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác định mức độ ô nhiễm môi trường, sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người.

Sau khi có văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định mức độ ô nhiễm môi trường, sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người mà cần phải thu hồi đất thì cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thực hiện các công việc quy định.

Như vậy, nếu gia đình bạn đang sinh sống tại nơi có nguy cơ sạt lở, bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai và được chính quyền địa phương xác nhận phải di chuyển chỗ ở thì cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện việc bố trí nơi ở tạm và thực hiện tái định cư đối cho gia đình bạn.

Xin lưu ý, khi có quyết định thu hồi và hỗ trợ tái định cư của chính quyền địa phương, nếu gia đình bạn không chấp hành thì cơ quan nhà nước sẽ tiến hành cưỡng chế theo đúng quy định như sau:  Việc cưỡng chế phải tuân thủ các nguyên tắc thực hiện cưỡng chế quy định tại Khoản 1 Điều 70 của Luật Đất đai;

Sau khi có quyết định thu hồi đất, cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã vận động, thuyết phục để người có đất thu hồi bàn giao đất; Sau khi vận động, thuyết phục mà người có đất thu hồi không thực hiện quyết định thu hồi đất thì cơ quan tài nguyên và môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp đã ban hành quyết định thu hồi đất ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất;

Tổ chức được giao thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cưỡng chế trình Ủy ban nhân dân cấp đã ban hành quyết định cưỡng chế phê duyệt; Tổ chức được giao thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm vận động, thuyết phục người bị cưỡng chế tự nguyện thực hiện việc bàn giao đất;

Ủy ban nhân dân cấp đã ban hành quyết định cưỡng chế có trách nhiệm tổ chức lực lượng thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định cưỡng chế đối với trường hợp đã được vận động, thuyết phục theo quy định tại Điểm đ Khoản này mà cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế không chấp nhận thi hành quyết định cưỡng chế.

Cơ quan tài nguyên và môi trường chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính; thu hồi Giấy chứng nhận hoặc thông báo Giấy chứng nhận không còn giá trị pháp lý đối với trường hợp người sử dụng đất không chấp hành việc nộp lại Giấy chứng nhận…

Báo Tài nguyên & Môi trường

Bài liên quan
  • Vi phạm các quy định về phòng, chống sạt, lở bờ suối bị phạt như thế nào?
    (TN&MT) - Trước cửa nhà tôi có một con suối lớn, gần bờ suối, nhà tôi có trồng 1 vườn cây lâu năm. Hàng năm, vào mùa mưa lũ, bờ suối thường vị xói lở, diện tích lấn sâu vào vườn cây của gia đình tôi. Xin hỏi, gia đình tôi có được xây kè bờ suối để tránh tình trạng xói lở hay không? Khi xây dựng, gia đình tôi có phải xin phép chính quyền địa phương hay không? (Hoàng Văn Khánh, Hà Giang).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO