Đồng bằng sông Cửu Long có tái gặp hạn mặn lịch sử?

Tuyết Chinh| 15/01/2021 10:37

(TN&MT) - Dự báo nguồn nước mùa kiệt 2020 - 2021 về đồng bằng thấp, mặn bất thường có thể xảy ra sớm ngay từ các tháng đầu mùa khô, tháng 12, tháng 1 và kéo dài tới tháng 5. Đặc biệt, khả năng xảy ra những biến động bất thường ở bất cứ thời điểm nào theo vận hành thủy điện, triều cường, các thời tiết cực đoan...

Mặn bất thường có thể xảy ra sớm

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết, mùa khô năm 2021, lượng xả nước mùa khô 2020 - 2021 từ khu vực Trung Quốc xuống hạ lưu dự báo trên dưới 1.000 m3/s. Mưa hạ lưu vực không đáng kể, dự báo dòng chảy về đồng bằng giảm, mặn có xu hướng tăng dần trong tháng 1 và các tháng đầu mùa khô.

Trong đó, ở vùng thượng ĐBSCL (phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP. Cần Thơ), nguồn nước hiện thuận lợi cho sản xuất, tận dụng thời điểm lấy nước ở các vị trí xa kênh trục.

Đập ngăn mặn, giữ ngọt trên kênh xáng Rạch Giá - Hà Tiên, xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương (Kiên Giang). Ảnh: LHH

Vùng giữa ĐBSCL, bao gồm phần đất thuộc TP. Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, nguồn nước còn thuận lợi cho sản xuất. Vùng không bị ảnh hưởng mặn có thể tưới tự chảy nhờ lợi dụng thủy triều.

Đối với vùng ven biển ĐBSCL (ven biển các tỉnh ven biển ĐBSCL như: Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang), dự báo 2021 là năm mặn hạn cao, chủ động các biện pháp tích trữ nước từ bây giờ khi nguồn nước chưa bị ảnh hưởng mặn. Đồng thời, chủ động các biện pháp tích trữ nước bảo vệ các vườn cây trái và nước sinh hoạt.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, việc giảm xả nước từ thủy điện Trung Quốc giai đoạn từ 5 - 24/1/2021 xuống còn khoảng 1.000 m3/s được xem là kịch bản đã được lường trước. Ảnh hưởng của việc giảm xả từ thủy điện Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến ĐBSCL vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2, đúng vào thời kỳ cả nước chuẩn bị kết thúc năm Canh Tí và đón Xuân Tân Sửu. Dự báo từ 25/1/2021 các ảnh hưởng đến biên giới và hết ảnh hưởng ra đến biển ở đợt giảm xả này đến 25/2/2021.

Thời kỳ ảnh hưởng lớn nhất đúng vào những ngày Tết Âm lịch (8/2/2012 - 16/2/2021). Mặn 4g/l có thể xâm nhập vào sâu trên dòng chính, các cửa sông Cửu Long 48 - 70km và 75 - 90km trên sông Vàm Cỏ.

Dự báo tiềm năng nguồn nước mùa khô năm 2020 - 2021, nước về thấp ngay từ đầu mùa khô và mặn bất thường có thể xảy ra sớm ngay từ các tháng đầu mùa khô, tháng 12, tháng 1 và kéo dài tới tháng 5. Lưu ý có thể còn xảy ra những biến động bất thường ở bất cứ thời điểm nào theo vận hành thủy điện và các thời tiết cực đoan, triều cường, gió Chướng. Khả năng hạn mặn lịch sử đã được dự báo từ sớm.

Chủ động ứng phó

Trước những dự báo về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn có thể xảy ra trong mùa khô 2021, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khuyến cáo các địa phương chủ động các giải pháp ứng phó, phòng chống hạn mặn nặng ngay từ bây giờ: Vận hành hệ thống công trình hợp lý, tăng cường khả năng lấy nước ngay khi có thể, hạn chế tiêu thoát, đảm bảo tích trữ nước trước khi các ảnh hưởng gia tăng từ thượng nguồn về. Việc lấy và tích nước đủ muộn nhất trước 7/2/2021, sẽ góp có hiệu quả để hạn chế thiệt hại khi mặn cao dịp Tết.

Đồng thời, tăng cường công tác giám sát mặn, cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên để điều chỉnh kế hoạch phù hợp với các diễn biến nguồn nước. Các địa phương tiếp tục theo dõi thông tin cập nhật để điều hành sản xuất.

Cụ thể, ở vùng thượng ĐBSCL chủ động sản xuất sớm vụ đông xuân nhằm giảm sử dụng nước các tháng kiệt. Tăng cường các giải pháp cấp nước cho các vùng núi cao thuộc Tri Tôn, Tịnh Biên đề phòng hạn ở các vùng này.

Vùng giữa ĐBSCL đề phòng ảnh hưởng mặn xâm nhập cao trong năm này, chủ động giảm diện tích vụ Đông Xuân các vùng đã bị ảnh hưởng ở năm 2020. Tăng cường các giải pháp bảo vệ nguồn nước, tích trữ nước và bơm hút khi cần. Khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả. Trong tháng 1 các địa phương chủ động tích nước ngay khi có thể để ứng phó với việc giảm xả thủy điện từ Trung Quốc ảnh hưởng ở đầu tháng 2.

Còn vùng ven biển ĐBSCL, nguồn nước ngọt có nguy cơ bị thiếu hụt cao giữa mùa khô, xâm nhập mặn dự báo tại các cửa sông Cửu Long cao ngay ở tháng 1, tháng 2, duy trì cao trong tháng 3, giảm dần ở tháng 6. Do vậy, cần chủ động các giải pháp bơm trữ nước và cấp nước sinh hoạt. Kiểm soát chặt chẽ các cống kiểm soát mặn và tích trữ nước phục vụ sản xuất giảm thiểu thiệt hại mặn lên cao ở đầu tháng 2.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng sông Cửu Long có tái gặp hạn mặn lịch sử?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO