Đón nguyệt thực dài nhất thế kỷ cùng mưa sao băng

24/07/2018 12:06

(TN&MT) – Người Việt sẽ có cơ hội đón hai hiện tượng thiên văn hiếm có này vào đêm ngày 27, rạng sáng ngày 28/7.

Theo thông tin của các nhà thiên văn học, đêm ngày rằm tháng 6 (tức đêm 27, sang ngày 28/7) sẽ xảy ra hiện tượng nguyệt thực toàn phần. Đặc biệt, ở Việt Nam, có thể chứng kiến được hiện tượng thú vị này từ khoảng nửa đêm ngày 27 sang ngày 28 khi mặt trăng đi vào vùng bóng nửa tối và kết thúc vào khoảng 6 giờ 30 phút sáng ngày 28/7; trong đó thời gian xảy ra nguyệt thực toàn phần là từ khoảng 3 giờ 21 phút đến 4 giờ 13 phút. Sau lần này phải đến tháng 5/2021 và tháng 11/2022 Việt Nam mới được chứng kiến tiếp.

nguyệt thực
Ảnh minh họa

Để được chứng kiến những giờ phút nguyệt thực toàn phần và hiện tượng trăng máu trong rạng sáng ngày 28/7 cần có điều kiện thời tiết là trời trong, không mây và không mưa. Tuy nhiên, những kiểu thời tiết này không phải ở khu vực nào trên cả nước cũng đều thuận lợi để được chứng kiến giây phút mặt trăng chuyển màu đỏ trong đêm ngày 27.

Cụ thể, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ nhiều khả năng có mưa vừa đến mưa to trong đêm 27, ngày 28. Điều đó có nghĩa là trời sẽ rất âm u và không thể quan sát được mặt trăng trong thời điểm từ 0 giờ đến 6 giờ 30.

Trong khi đó, điều kiện ít mây, không mưa hầu hết chỉ xảy ra ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở vào đến khu vực Nam Bộ, đặc biệt là khu vực ven biển Trung Bộ và Nam Bộ. Đây có thể là các khu vực lý tưởng để quan sát hiện tượng trăng máu vào rạng sáng ngày thứ 7 tới với thời tiết không mưa và nhiệt độ (từ 0 giờ đến 7 giờ) khá mát mẻ, 25-28 độ C. 

Bên cạnh đó, hiện tượng mưa sao băng Delta Aquarids diễn ra từ ngày 12/7 đến 23/8 hàng năm. Tại Việt Nam cực điểm của nó là rạng sáng 28 và 29/7 với khoảng 20 vệt mỗi giờ cũng trùng với nguyện thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21.

Mưa sao băng Delta Aquarids có nguồn gốc từ ngôi sao chổi nổi tiếng 1P/Halley. Trên đường đi, sao chổi để lại mảnh vụn, tạo thành những dải thiên thạch dài. Hàng năm khi Trái Đất cắt ngang qua đường đi của sao chổi này, các thiên thạch lao vào khí quyển Trái Đất và cháy sáng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đón nguyệt thực dài nhất thế kỷ cùng mưa sao băng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO