Đối thoại và hợp tác về nước mang lại cơ hội cho Ấn Độ và Pakistan

04/09/2017 00:00

(TN&MT) – Stephen McCaffrey, người được trao giải Stockholm Water năm 2017 đã đề cập đến những thách thức và hy vọng đối với 2 nước Ấn Độ và Pakistan, và...

(TN&MT) – Trong cuộc phỏng vấn độc quyền, Stephen McCaffrey, người được trao giải Stockholm Water năm 2017 đã đề cập đến những thách thức và hy vọng đối với 2 nước Ấn Độ và Pakistan, và Hiệp ước Indus về nước (Indus Waters Treaty - IWT) của Ấn Độ trong một thế giới bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và hậu quả làm thay đổi lượng nước chảy xuống sông.
 
Là Giáo sư Luật nổi tiếng tại Đại học Pacific, Trường Luật McGeorge, ở Sacramento (California, Mỹ), McCaffrey nhận thức rõ nước có thể gây ra xung đột, nhưng ông vẫn là người vô cùng lạc quan, coi vấn đề nước xuyên biên giới là cơ hội hợp tác hơn là xung đột.
 
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với thethirdpole.net, ông nói về cuộc xung đột nước xuyên biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan, và cho rằng, trên thực tế, ông coi đây là cơ hội để cả 2 nước thúc đẩy hợp tác khu vực.
 
Hồi tháng 3/2017, McCaffrey được vinh danh là người đoạt giải Stockholm Water năm 2017 vì công việc mạo hiểm và đóng góp của ông trong lĩnh vực luật nước quốc tế. Ông đã nhận giải thưởng từ Vua Carl XVI Gustaf của Thụy Điển, người bảo trợ Stockholm Water Prize tại Lễ trao giải Hoàng gia vào ngày 30/8. Buổi lễ được tổ chức vào đúng dịp diễn ra Tuần lễ Nước Thế giới năm 2017 do Viện Nước Quốc tế Stockholm (SIWI) tổ chức tại Stockholm, thủ đô của Thụy Điển từ ngày 27/8 – 1/9.
 
Tại Trung tâm Hội nghị Thành phố Stockholm một ngày trước khi nhận giải, McCaffrey cho rằng cách quản lý nguồn nước ngọt xuyên biên giới có thể trở thành một giải pháp thay vì một vấn đề đối với Ấn Độ và Pakistan. "Cả Ấn Độ và Pakistan đều thấy sự hợp tác tạo ra nhiều lợi ích và ổn định hơn so với xung đột” – McCaffrey nói.
 
Ấn Độ và Pakistan đã ký Hiệp ước IWT hồi năm 1960. Theo McCaffrey, đáng chú ý là hệ thống IWT, và hội đồng IWT lâu dài được thành lập vẫn tiếp tục hoạt động trong thời kỳ xung đột. "Từ năm 1960 có khoảng 12 lần xung đột vũ trang giữa Ấn Độ và Pakistan. Tuy nhiên, các thành viên của hội đồng vẫn tiếp tục làm việc. Tại sao? Vì nước là thiết yếu. Đây là con đường duy nhất để hai nước có sự liên hệ với nhau về nguồn tài nguyên nước", McCaffrey cho biết. 
 
McCaffrey ủng hộ việc hội đồng được thành lập theo IWT. McCaffrey khẳng định: "Chúng tôi thấy rằng hợp tác thông qua các hội đồng này tạo ra nhiều lợi ích hơn là không có sự hợp tác. Tôi chắc chắn Ấn Độ và Pakistan cũng nghĩ như vậy. Nếu Ấn Độ và Pakistan tiếp tục họp bàn, ít nhất cũng có sự ổn định trong nhận thức rằng hai nước biết được họ ở đâu và lưu tâm đến 6 dòng nước được chia giữa hai nước".

 

Stephen McCaffrey (bên trái), người được trao giải Stockholm Water năm 2017 từ Vua Carl XVI Gustaf của Thụy Điển vào ngày 30/8 trong Tuần lễ Nước Thế giới. Ảnh: Jonas Borg
Stephen McCaffrey (bên trái), người được trao giải Stockholm Water năm 2017 từ Vua Carl XVI Gustaf của Thụy Điển vào ngày 30/8 trong Tuần lễ Nước Thế giới. Ảnh: Jonas Borg
McCaffrey thừa nhận sự cạnh tranh về nước giữa hai nước láng giềng. Theo ông, sự cạnh tranh này không phải chỉ có ở Ấn Độ và Pakistan, nhưng 2 nước này có những vấn đề khác làm xung đột trầm trọng hơn.
 
Ông cảm thấy rằng ranh giới về nước giữa 2 nước được lập bản đồ theo cách làm gia tăng cuộc xung đột về nước. Theo ông, cuộc xung đột về nước giữa Ấn Độ và Pakistan là một trong những khó khăn nhất. Mối quan hệ về nước giữa 2 quốc gia phụ thuộc phần lớn vào mối quan hệ chính trị chung của họ; nếu họ có mối quan hệ tốt, họ có thể làm việc với nhau; nếu không, vấn đề nhỏ nhất sẽ là trở nên khổng lồ.
 
Để đạt được một kết quả có lợi cho cả hai quốc gia, McCaffrey cho rằng cần có sự thiện chí và tin tưởng của cả hai bên. "Đối với trường hợp của Ấn Độ và Pakistan, cần giải quyết tranh chấp của bên thứ ba. Chẳng hạn, hai trường hợp được biết đến về tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan đã dẫn đến các bên thứ ba - đập Baglihar và Kishanganga. Trường hợp của đập Kishanganga đã được đưa tin gần đây, khi Ấn Độ đang xây dựng hai dự án thủy điện trên sông Chenab. Pakistan đã phản đối việc xây dựng các hệ thống thủy điện Ratle và Kishanganga vì cho rằng việc xây dựng sẽ ảnh hưởng xấu đến dòng chảy của sông Chenab và Neelum. Theo IWT, cả hai nước đã bắt đầu các cuộc đàm phán dưới sự điều hành của Ngân hàng Thế giới (WB).
 
Mặc dù WB tạm dừng việc phân xử mới nhất về đập Kishanganga vào cuối năm 2016 nhưng gần đây, WB đã cho phép Ấn Độ xây dựng hai đập, mặc dù có những hạn chế nhất định bởi IWT.
 
McCaffrey cho rằng trong thời đại mà thế giới đang phải đối mặt với thách thức lớn về biến đổi khí hậu, đã đến lúc cả Ấn Độ và Pakistan phải “linh hoạt”. "Việc cung cấp nước không thể đoán trước được là điều đáng lo ngại. Các sông băng sẽ tan chảy khiến lượng nước tăng lên. Liệu Pakistan có khả năng lưu trữ để xử lý lượng nước đó? Các đập của Ấn Độ được xây dựng theo IWT có khả năng thoát được lượng nước đó?" Ông đề cập tới mối đe dọa thực sự của các đập nước bị tràn ngập.
 
McCafferey mong rằng sẽ có giải pháp hòa bình và thực tiễn cho các tranh chấp về nước ở Pakistan và Ấn Độ. "Điều tôi hy vọng giữa hai nước là phối hợp hành động và lập kế hoạch, do đó, sự phát triển của các chương trình nước tạo ra nhiều lợi ích nhất cho cả hai – đó là điều lý tưởng. Hy vọng, các nhà lãnh đạo của cả hai nước có thể ủng hộ lý tưởng này".
 
Mai Đan
Tổng hợp từ thethirdpole.net
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đối thoại và hợp tác về nước mang lại cơ hội cho Ấn Độ và Pakistan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO