Đối thoại chính sách về tái định cư, cấp sổ đỏ tại các dự án treo

01/12/2017 00:00

(TN&MT) - Sáng 1/12, tại TP. Cần Thơ, Trung tâm phát triển cộng đồng bền vững phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật TP. Cần Thơ và Ban giám sát của cộng đồng 2 phường là Hưng Phú, Hưng Thạnh (TP. Cần Thơ) tổ chức tọa đàm đối thoại chính sách với nội dung: “Vấn đề tái định cư và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân tại các dự án treo”..

Quang cảnh buổi Tọa đàm
Quang cảnh buổi Tọa đàm

Theo đại diện Ban giám sát của cộng đồng 2 phường, sau rà soát, phát hiện một số dự án chậm triển khai gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân như: Dự án đầu tư xây dựng công trình bờ kè Xóm Chài (Hưng Phú), Dự án Trung tâm văn hóa Tây Đô (Hưng Thạnh); Khu tái định cư của Công ty Miền Nam (Hưng Phú) và một số dự án khác.

Những dự án chậm tiến độ này gây nhiều khó khăn cho người dân trong cuộc sống, cụ thể: không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; không được tách hộ, không yên tâm sinh sống; đường xá xuống chấp không được sửa chữa, bảo dưỡng; nhiều khu dân cư bị ngập úng cục bộ do bờ kè xây cao...

Tại buổi tọa đàm, nhiều người dân tại 2 phường đã phản ánh nhiều khó khăn, bức xúc khi bị thu hồi đất thực hiện dự án. Ông Nguyễn Minh Thắng, người dân ở Khu tái định cư dân cư Miền Nam, phường Hưng Phú phản ánh, đã về Khu tái định cư 3 năm nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận trong khi đã đóng tiền cho chủ đầu tư. Ngoài ra, khu 3C đã phê duyệt là khu đa chức năng nhưng Công ty lại phân lô chia nhỏ bán vi phạm pháp luật.

Ông Bùi Thế Chung, phường Hưng Thạnh chịu ảnh hưởng của dự án Trung tâm Văn hóa Tây Đô cho biết, gia đình bị thu hồi 3000 m2 đất được bồi thường 1,5 triệu/m2 nhưng được bố trí mua đất tái định cư với giá 3 triệu/m2…

Cũng tại buổi tọa đàm, đại diện Sở TN&MT, Sở Xây dựng Cần Thơ và quận Cái Răng đã trả lời nhiều vấn đề người dân phản ánh, quan tâm về các dự án cũng như nguyên nhân của việc chậm tiến độ, chậm cấp GCN cho người dân.

Theo ông Nguyễn Đức Thịnh, qua tọa đàm nhiều chia sẻ, thông tin của người dân về các dự án đã được các cơ quan chức năng phản hồi. Tuy nhiên, có thể một số vấn đề chưa thỏa mãn nhưng do luật pháp chưa quy định, còn vướng mắc khi triển khai thực tế.

Cũng theo ông Thịnh, mô hình giám sát công dân đang áp dụng ở 2 phường theo quy định của pháp luật, nhưng nhiều người dân không biết, hiểu về quyền của mình do đó mô hình tạo phương thức mới để người dân trực tiếp tham gia thực hiện quyền của mình. Ông Thịnh mong muốn mô hình này sẽ  được nhân rộng ở các địa phương khác trên cả nước.

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát quản lý, sử dụng đất (Tổng Cục Quản lý đất đai) Nguyễn Văn Trị, đánh giá cao kết quả giám sát của Ban giám sát đất đai của hai phường.

Theo ông Trị, 2 Ban giám sát thực hiện đúng theo Hiến pháp, pháp luật về đất đai nhất là tại Điều 199, Luật đất đai 2013 về quyền giám sát của người dân quản lý. Các kiến nghị của 2 Ban là những tín hiệu tốt trong việc thực hiện quyền của người dân trong giám sát đất đai ở địa phương. Bởi thực tế, mặc dù đã được quy định trong luật nhưng người dân nhiều nơi còn không biết, và không thực hiện được quyền của mình.

Tuy nhiên, ông Trị cho rằng, mô hình này mới được hộ trợ xây dựng trên cơ sở  cũng như mô hình ban giám sát công đồng trước đây trong việc kiểm tra chất lượng công trình trên địa bàn, do đó mô hình cần đánh giá kết quả kiến nghị, giải quyết của kiến nghị, nội dung giám sát ra sao cho phù hợp...

Ban giám sát của đồng phường Hưng Phú và Hưng Thạnh được thành lập vào cuối năm 2016 với sự hỗ trợ của Oxfam, Liên minh đất đai Landa và Trung tâm phát triển cộng đồng bền vững trên cơ sở triển khai Quyết định 217 năm 2013 của Bộ Chính trị ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội và thực hiện điều 199, của Luật Đất đai 2013.

T. Giang

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đối thoại chính sách về tái định cư, cấp sổ đỏ tại các dự án treo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO