Đổi mới phương pháp dạy và học môn Ngữ văn

Lan Chi| 22/07/2022 14:52

(TN&MT) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa ban hành Công văn về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.

247081489cbc294d68ba052f7a642e19(1).jpg
Ảnh minh họa

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ GDĐT, việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Tiếng Việt cấp tiểu học và môn Ngữ văn cấp trung học (gọi tắt là môn Ngữ văn) đã đạt được những kết quả nhất định.

Để tiếp tục khắc phục tình trạng dạy học nặng về thuyết giảng, đọc chép và yêu cầu thuộc lòng theo văn mẫu, Bộ GDĐT yêu cầu các Sở GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên (gọi chung là nhà trường) thực hiện những nội dung cụ thể.

Về đổi mới cách dạy và cách học môn Ngữ văn, tăng cường hơn nữa việc phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong quá trình học tập môn Ngữ văn; dành nhiều thời gian cho các hoạt động thực hành, vận dụng, trình bày, thảo luận để rèn luyện kĩ năng đọc, viết, nói, nghe và cảm thụ thẩm mĩ theo yêu cầu, mức độ với từng lớp học, cấp học.

Trong quá trình dạy học, giáo viên cần giao nhiệm vụ học tập rõ ràng, phù hợp với khả năng của học sinh; nêu cụ thể các yêu cầu về sản phẩm mà học sinh phải hoàn thành; chú trọng kiểm tra, đánh giá, hỗ trợ, động viên học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập.

Ngoài ra, xây dựng kế hoạch bài dạy và tổ chức dạy học môn Ngữ văn theo hướng tăng cường rèn luyện cho học sinh phương pháp đọc, viết, nói và nghe; thực hành, trải nghiệm tiếp nhận và vận dụng kiến thức tiếng Việt, văn học thông qua các hoạt động học ở trong và ngoài lớp học.

Đối với dạy đọc, xác định rõ mục đích giúp học sinh biết cách đọc và tự đọc hiểu được văn bản; thông qua đó hình thành phẩm chất, nhân cách học sinh. Coi ngữ liệu là phương tiện và việc tìm hiểu ngữ liệu là cách thức để hình thành, phát triển năng lực đọc hiểu văn bản.

Bên cạnh việc giúp học sinh hiểu được nội dung và hình thức của văn bản, cần chú ý trang bị cho học sinh công cụ, cách thức để đọc hiểu các văn bản cùng thể loại hoặc loại hình với văn bản được học.

Giáo viên có thể đưa ra những gợi ý, chỉ dẫn để giúp học sinh đọc nhưng không lấy việc phân tích, bình giảng của mình để áp đặt hay thay thế cho những suy nghĩ của học sinh; tránh đọc chép và yêu cầu học sinh ghi nhớ kiến thức một cách máy móc. Gắn dạy đọc với các hoạt động dạy viết, nói, nghe, thực hành tiếng Việt và các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp phù hợp với từng lớp học, cấp học.

Đối với dạy viết, chú trọng yêu cầu học sinh hình thành ý tưởng, biết cách trình bày ý tưởng một cách mạch lạc, sáng tạo, có sức thuyết phục để qua đó rèn luyện tư duy và cách viết các kiểu văn bản.

Tập trung vào yêu cầu hướng dẫn học sinh thực hiện các bước tạo lập văn bản. Ở mỗi bước, giáo viên có thể sử dụng, khai thác ngữ liệu minh họa một cách hợp lý giúp học sinh hiểu được đặc điểm hình thức, ngôn ngữ, phương thức biểu đạt của từng kiểu văn bản; từ đó, giúp học sinh hình thành kĩ năng viết của mình.
Xây dựng và tăng cường sử dụng các bài tập dạy viết gắn với các tình huống thực tiễn và giả định để học sinh nhận thức được mối quan hệ giữa yêu cầu học viết trong nhà trường với nhu cầu tạo lập các sản phẩm viết trong đời sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới phương pháp dạy và học môn Ngữ văn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO