Đội cứu hộ “chạy đua” để giải cứu hàng trăm người mắc kẹt do bão ở Mozambique

21/03/2019 10:18

(TN&MT) - Các nhân viên cứu hộ đang ra sức giải cứu những người bị mắc kẹt do lũ lụt xung quanh thành phố cảng Beira của Mozambique, sau khi một cơn bão gây ra sự tàn phá trên khắp vùng Đông Nam châu Phi.

Một số người sống sót vẫn phải sống tạm trên cây hoặc mái nhà, chờ đội cứu hộ đến giải cứu. Các con đường xung quanh thành phố cảng Beira của Mozambique đã bị ngập và trời mưa rất to, gây cản trở nỗ lực cứu hộ và công tác viện trợ phải thực hiện bằng máy bay.

Bão Idai càn quét Beira với sức gió lên đến 170 km/h vào hôm 14/3 vừa qua, sau đó di chuyển nội địa đến Zimbabwe và Malawi, san phẳng các tòa nhà và đẩy hàng triệu người vào cuộc sống nguy hiểm.

Ít nhất 200 người đã thiệt mạng ở Mozambique và 98 người chết ở Zimbabwe, nhưng số người chết có thể sẽ tăng lên khi các nhân viên cứu hộ vẫn đang tìm kiếm các thi thể.

Mozambique, đất nước với nền kinh tế còn nhiều khó khăn vẫn đang phục hồi sau sự sụp đổ tiền tệ và vỡ nợ, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc khi nước này đối mặt với lũ lụt thảm khốc trong bão Idai.

Bà Caroline Haga, một giới chức cao cấp của Hội Chữ Thập đỏ Quốc tế cho biết các khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất nằm gần sông Buzi ở phía Tây Beira. Hai con sông, bao gồm sông Buzi đã vỡ bờ sau cơn bão gây mưa ở Zimbabwe và Malawi vào cuối tuần trước, đã gây ngập nặng tại Mozambique và tạo ra tình huống khẩn cấp thứ hai.

Các cơ quan viện trợ đã thay đổi cách xử lý tình huống chủ yếu liên quan đến thiệt hại về tài sản và cơ sở hạ tầng do bão gây ra và sẽ đối mặt với vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều.

“Các nhân viên cứu hộ đã viện trợ bánh quy nhiều năng lượng, thuốc lọc nước và các vật dụng khác cho những người đang bị bao vây bởi nước và bùn đỏ vào ngày 20/3” – bà Haga cho biết.

Lũ lụt cũng mang đến nguy cơ tiềm ẩn các bệnh về nước và đường hô hấp, bao gồm cả viêm phổi.

Hậu quả của bão Idai ở Beira, Mozambique vào ngày 16/3/2019. Ảnh: Josh Estey/Care International
Hậu quả của bão Idai ở Beira, Mozambique vào ngày 16/3/2019. Ảnh: Josh Estey/Care International

Tổng thống Mozambique, Filipe Nyusi, người tuyên bố 3 ngày quốc tang bắt đầu từ 20/3 cho biết số người chết do bão và lũ lụt có thể lên tới hơn 1.000 người.

Travis Trower, người đứng đầu cơ quan Cứu hộ Nam Phi cho biết nhiều người vẫn bị mắc kẹt trên các đảo trên đất liền quanh Beira trong khi “giai đoạn giải cứu cấp bách” hỗ trợ nhiều người khỏi mái nhà và cây cối phần lớn đã hoàn tất.

Hôm 19/3, lực lượng cứu hộ đã cứu được 167 người xung quanh Beira với sự trợ giúp của trực thăng Không quân Nam Phi.

Ngoại trưởng Bồ Đào Nha Augusto Santos Silva cho biết gia đình của 30 công dân Bồ Đào Nha ở Beira đã không thể liên lạc với người thân của họ khiến họ rất lo lắng về sự an toàn của người thân. Ông cho rằng hàng chục người Bồ Đào Nha đã mất nhà cửa.

Theo chính phủ, có khoảng 2.500 công dân Bồ Đào Nha làm việc tại Beira.

“Tang thương và tàn phá”

Ở miền Đông Zimbabwe, các gia đình vô cùng thương tiếc khi chôn cất nạn nhân là người thân của họ đã thiệt mạng trong cơn bão.

Trong chuyến thăm đến thị trấn Chimanimani, Tổng thống Zimbabwe, Emmerson Mnangagwa cho biết chính phủ Zimbabwe sẽ đảm bảo các ngôi nhà được xây dựng bằng vật liệu chắc và bền hơn trong tương lai. Nhiều người ở vùng nông thôn Zimbabwe không thể mua xi măng để xây nhà, do đó những ngôi nhà của họ dễ bị ảnh hưởng bởi mưa và gió.

Malawi chưa công bố chi tiết về số người thương vong do bão. Tuy nhiên, hơn 50 người đã thiệt mạng trong trận lụt vào tuần trước khi cơn bão xảy ra.

Beira, một thành phố vùng trũng với 500.000 dân là nơi có cảng lớn thứ hai Mozambique và đóng vai trò là “cửa ngõ” vào các quốc gia không giáp biển trong khu vực.

Cảnh quay từ máy bay không người lái cho thấy cư dân ở khu nhà lụp xụp tồi tàn đang tìm kiếm manh mối ở đống đổ nát và cố gắng kéo tấm nhựa trên ngôi nhà đổ nát của họ. Bộ phim do Hội Chữ thập đỏ phát hành cho thấy khu định cư bị đóng dấu với những mảnh đất trống, nơi toàn bộ các tòa nhà đã bị thổi bay khỏi móng nhà.

“Lũ lụt kinh hoàng đã gieo rắc tang tóc và tàn phá ở nhiều khu vực khác nhau của Mozambique, Zimbabwe và Malawi”, Giáo hoàng Phanxicô cho biết vào ngày 20/3 khi ông bày tỏ nỗi đau với những người thân yêu.

Viện trợ khẩn cấp

Các nhóm viện trợ đã tăng cường tiếp cận những người sống sót bị mắc kẹt ở các khu vực xa xôi hơn của Mozambique, nơi một số ngôi làng bị nhấn chìm.

Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) ước tính 260.000 trẻ em có nguy cơ bị ảnh hưởng, và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết đang cố gắng tiếp cận 500.000 người để viện trợ lương thực kịp thời.

Bão cũng ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu điện của Mozambique sang Nam Phi, làm trầm trọng thêm tình trạng cắt điện và tạo áp lực đối với các doanh nghiệp ở châu Phi.

EU, Anh và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã quyên góp hàng triệu đô la viện trợ cho Mozambique, Malawi và Zimbabwe dành cho các nhà tạm trú khẩn cấp, điều kiện vệ sinh và chăm sóc sức khỏe. “Bồ Đào Nha huy động 35 binh sĩ và một đội từ Vệ binh quốc gia cộng hòa Bồ Đào Nha để phục vụ công tác cứu trợ”, Bộ trưởng Ngoại giao cho biết.

Mỹ cũng gửi một nhóm các chuyên gia về thảm họa đến Mozambique và hỗ trợ 700.000 USD cho 3 quốc gia gặp thiệt hại do bão Idai gây ra và lũ lụt hồi đầu tháng 3.

Công ty dầu khí đa quốc gia của Mỹ Exxon Mobil Corp, nơi đang nghiên cứu phát triển các mỏ khí khổng lồ ngoài khơi Mozambique cho biết công ty sẽ quyên góp 300.000 USD cho hoạt động cứu trợ.

Nền kinh tế Mozambique đã kiệt quệ khi giá cả hàng hóa giảm trong năm 2014 và bị giáng một đòn khác vào năm 2016 khi chính phủ thừa nhận 1,4 tỷ USD cho các khoản vay chưa được công bố trước đó. Việc công khai khoản vay này đã khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các nhà tài trợ nước ngoài cắt hỗ trợ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đội cứu hộ “chạy đua” để giải cứu hàng trăm người mắc kẹt do bão ở Mozambique
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO