Dốc sức, phân công rõ người, rõ việc để phát triển người tham gia BHXH

Thuỳ Linh| 05/05/2022 21:32

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, để hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao, từ nay đến hết năm 2022, cần dốc sức và tập trung hơn nữa trong thực hiện công tác phát triển người tham gia.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, với sự chủ động, quyết tâm, “biến khó khăn, thách thức thành động lực”, toàn ngành BHXH đã phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

“Trong tháng 4/2022, toàn ngành đã triển khai tốt các nhiệm vụ. Độ bao phủ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) tăng so với cuối năm 2021 và tăng nhanh so với tháng 3/2022 đã thể hiện đúng dự báo của Chính phủ và tạo đà cho ngành thực hiện các nhiệm vụ liên quan. Đặc biệt, công tác phục vụ người dân, kỷ cương kỷ luật của cán bộ ngành BHXH Việt Nam được nhân dân đánh giá rất tốt”, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết.

Nhiều kết quả khởi sắc

Báo cáo cho thấy, ước đến hết tháng 4/2022, số người tham gia BHXH cả nước trên 16,8 triệu người (đạt 33,26% lực lượng lao động), tăng 753.882 người so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 275.703 người so với cuối năm 2021. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc trên 15,3 triệu người; gần1,5 triệu người tham gia BHXH tự nguyện. 

Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 13,64 triệu người (đạt 26,97% lực lượng lao động; số người tham gia BHYT trên 85,94 triệu người và đạt 88,05 dân số tham gia BHYT. 

BHXH Việt Nam đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ tham gia hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy trình liên thông điện tử với 2 nhóm thủ tục hành chính là đăng ký khai sinh đăng ký thường trú- cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và Liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú- Trợ cấp mai táng phí để tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Đặc biệt, ngành BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện chia sẻ, rà soát thông tin nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư. 

Số lượt người mắc Covid-19 được giải quyết chế độ ốm đau trong tháng 4 tăng 200%
Trong tháng 4/2022, ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết cho 805.706 lượt người hưởng chế độ ốm đau do bị mắc Covid-19 (chiếm 92% tổng số lượt người được giải quyết hưởng chế độ ốm đau) với số tiền hơn 957 tỷ đồng. 
Số lượt người được giải quyết hưởng chế độ ốm đau trong tháng 4 tăng 200%, số tiền chi trả tăng gần 450% so với cùng kỳ năm 2021; mức hưởng bình quân một người bị ốm đau do mắc Covid-19 là khoảng 1,2 triệu đồng; thời gian hưởng bình quân là 07 ngày. 
“Luỹ kế 4 tháng đầu năm 2022, toàn ngành đã giải quyết hưởng chế độ ốm đau cho 1.453.718 lượt người hưởng do mắc Covid-19 với số tiền trên 1.900 tỷ đồng”, BHXH Việt Nam thông tin.
Lý giải nguyên nhân việc giải quyết hưởng chế độ ốm đau với người lao động trong tháng 4 tăng 200%, BHXH Việt Nam cho rằng do giữa tháng 2 và tháng 3/2022 có số người mắc Covid-19 tăng cao kỷ lục nên số lượng người được giải quyết hưởng chế độ ốm đau do Covid-19 tháng 4 tăng vọt (cao hơn cả số lượng người được giải quyết trong quý I). 
Mặt khác, do số lượng lớn người lao động mắc Covid-19 điều trị tại nhà chưa được cấp các hồ sơ giấy tờ làm căn cứ hưởng BHXH theo đúng quy định tại Luật BHXH và Thông tư số 56 của Bộ Y tế, đến thời điểm tháng 4/2022, UBND và Sở Y tế các địa phương đã có hướng dẫn Trạm y tế phường/xã cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH với các trường hợp này.

Theo đó, tính đến ngày 17/4/2022, hệ thống đã xác thực khoảng gần 40 triệu thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư; đồng thời, ngành BHXH Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ trên 20,8 triệu bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho CSDL quốc gia về dân cư.

Ngành BHXH Việt Nam còn thực hiện xác thực thông tin công dân trong CSDL quốc gia về dân cư qua số chứng minh nhân dân để đối chiếu, đồng bộ số căn cước công dân (CCCD) từ CSDL quốc gia về dân cư sang CSDL của BHXH để phục vụ việc sử dụng CCCD, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy để khám chữa bệnh BHYT.

Số liệu thống kê cho thấy, tính đến ngày 17/4/2022, toàn quốc đã có 3.844 cơ sở KCB BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD với 75.660 lượt tra cứu, trong đó có 37.608 lượt tra cứu thành công.

Bám sát chủ trương thực hiện chính sách BHXH, BHYT

Dù số người tham gia BHXH, BHYT đã tăng so với những tháng trước, song theo đánh giá của BHXH Việt Nam, tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT tăng trưởng chậm, nhất là BHYT vẫn giảm sâu so với thời điểm hết năm 2021. Việc khai thác, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện còn hạn chế, số người dừng tham gia BHXH tự nguyện có xu hướng tăng do thay đổi mức đóng trong năm 2022.

Tình trạng mượn hồ sơ tư pháp để đi làm, tham gia BHXH tiếp tục phát sinh những hệ lụy phức tạp,cũng như số người giải quyết hưởng BHXH một lần có xu hướng tăng cao. 

Ông Chu Mạnh Sinh, Chánh Văn phòng BHXH Việt Nam cũng cho hay, từ nay đến hết năm 2022, toàn ngành còn phải vận động gần 1,3 triệu người tham gia BHXH (491.932 người tham gia BHXH bắt buộc và 797.852 người tham gia BHXH tự nguyện); trên 1,48 triệu người tham gia BHTN và trên 4,74 triệu người tham gia BHYT thì mới hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao.

Liên quan đến công tác phát triển người tham gia BHXH, theo ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Thu - Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam), qua làm việc tại 3 địa phương thu hút nhiều doanh nghiệp, có nhu cầu tuyển dụng lao động cao (TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai) thấy số phát sinh mới với cơ quan BHXH vẫn còn khiêm tốn.

Vì vậy, ông Hào cho rằng, trong thu hút lao động cần sự kết nối, liên thông giữa các địa phương để tránh tình trạng “nơi thừa, nơi thiếu”. Trong công tác tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện thì bên cạnh sự chỉ đạo chung, quan trọng nhất vẫn là kỹ năng, công tác phối hợp với các đơn vị.

Thời gian tới, BHXH các địa phương cần bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của BHXH Việt Nam nhằm triển khai Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân và truyền thông cao điểm phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình năm 2022. Trong đó rà soát, phân loại theo các chủ thể tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình theo địa bàn cấp xã để thực hiện các phương pháp, nội dung, hình thức truyền thông cho phù hợp…

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh lưu ý, phải quyết liệt đôn đốc các đơn vị còn chậm đóng, nợ đóng, tiến hành thanh tra đột xuất, thanh tra thường xuyên nhằm giảm nợ; đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT cũng như công tác cải cách hành chính. “Các đơn vị cần chủ động, tăng cường hơn nữa kỷ cương kỷ luật, phân công rõ người, rõ việc và gắn trách nhiệm người đứng đầu…”, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nêu rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dốc sức, phân công rõ người, rõ việc để phát triển người tham gia BHXH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO