Độc đáo lễ mừng cơm mới của dân tộc Lào ở Điện Biên

Hoàng Châu - A Dơ | 25/04/2021, 22:43

(TN&MT) - Lễ mừng cơm mới của người dân tộc Lào, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên được tổ chức hằng năm vào tháng 8 (âm lịch) với nhiều nghi thức độc đáo và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm tạ ơn thần linh, tổ tiên đã phù hộ cho dân bản, các gia đình có mùa màng tươi tốt và cầu mong cho mùa vụ mới được bội thu.

Người dân tộc Lào tỉnh Điện Biên đang gặt lúa mới. Ảnh: A Dơ

Dân tộc Lào ở Điện Biên, sinh sống tập trung ở một số xã của 2 huyện Điện Biên và Điện Biên Đông. Lễ mừng cơm mới là một trong những nghi lễ khá phổ biến ở hầu hết các tộc người thiểu số ở vùng Tây Bắc của Việt Nam. Đối với người Lào, lễ mừng cơm mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, với tấm lòng thành kính biết ơn tổ tiên, các vị thần linh đã phù hộ, che chở cho các gia đình, dòng họ trong suốt quá trình gieo trồng, người Lào chọn những bông lúa đầu tiên chuẩn bị chín vàng để làm món cơm cốm (tiếng Lào gọi là Khẩu hang) đây là lễ vật không thể thiếu trong Lễ mừng cơm mới của người Lào để dâng lên ông bà, tổ tiên và các vị thần linh để tạ ơn, đồng thời đánh dấu kết thúc vụ mùa, làm lụng vất vả, bà con có dịp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỏi thăm sức khỏe để chuẩn bị tâm thế bước sang vụ mới.

Lễ mừng cơm mới (Kin Khẩu hó), đượcngười Lào, bản Mường Luân, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông lựa chọn ngày tốt trong khoảng thời gian từ 15/8 - 21/8 (âm lịch). Tuy nhiên các gia đình đều phải đợi nghi lễ chung của cả bản tiến hành xong mới được thực hiện các nghi lễ riêng của gia đình.

 Để chuẩn bị cho ngày lễ quan trọng này, tại thời điểm trước đó một tháng, đại diện các gia đình cùng với trưởng bản, thầy cúng sẽ họp bàn, thống nhất từ việc đóng góp lễ vật cho thầy cúng thực hiện mâm lễ cúng thần linh, đến việc chuẩn bị lương thực thực phẩm cho buổi liên hoan chung của bản và phân công tham gia các hoạt của phần hội như múa, hát, các trò chơi dân gian trong những ngày lễ.

Thầy cúng làm lễ cúng tổ tiên về ăn cơm lúa mới. Ảnh: A Dơ

 Trong đó, các gia đình cũng tự phân công cho các thành viên tranh thủ tìm kiếm các đồ lễ khác cho mâm cúng. Trước đây, đàn ông thường rủ nhau vào rừng săn bắt các loại chim, sóc, dế mèn, sâu măng, cá suối.... sản phẩm săn bắt được lấy thịt, sấy khô, cất lên gác bếp để chuẩn bị cho ngày làm lễ cơm mới. Bây giờ, việc săn bắt được hạn chế, sản phẩm thu được thường là sâu măng, ong non, dế mèn, cá suối...cùng với các đồ vật khác của gia đình nuôi được như thịt lợn, gà, vịt. Còn phụ nữ chuẩn bị xôi cốm, gạo nếp và hái lượm các loại rau, củ, quả, dưa, mía, mướp, khoai, ổi, măng... Tất cả đều là những nông sản được thu hái trên nương rẫy của gia đình.

Đồng bào quan niệm, đến ngày tổ chức có mâm lễ càng đầy, càng nhiều sản vật thì càng thể hiện được sự no đủ, phát đạt của gia đình. Do vậy, trong một mâm lễ từ mâm lễ cúng ma bản cũng như mâm lễ của các gia đình trong ngày lễ mừng cơm mới, gồm xôi trắng, cốm non, rượu gạo men lá... thịt lợn, thịt gà, thịt vịt...cùng với các món kiếm được từ tự nhiên là các loại côn trùng ăn được như: Dế mèn, ong non, sâu măng.. Các loại dưa, dứa, mía, chuối, mướp, bầu, bí, khoai sọ... Tất cả các thực phẩm trên đều được làm chín bằng cách đồ, nướng, hấp hoặc luộc chín.

Đến ngày đã định, trước khi thực hiện nghi lễ cúng mời bố mẹ, tổ tiên thì tại nhà thầy cúng còn có thêm nghi lễ cúng thần linh, ma bản (tức cúng chung cho bản để tạ ơn, tưởng nhớ đến các thần linh và những người đã khuất có công lập bản, dựng chiềng), nghi lễ này được tiến hành vào ngày rằm tháng Tám. Để thực hiện các nghi lễ đó, mọi người trong gia đình thầy cúng phải dậy sớm để nấu nướng.

Các mâm được chuẩn bị xong, thầy cúng khấn mời “ma bản” (hay còn gọi là thần làng, thần bản) trước khi các gia đình thực hiện nghi lễ cúng gia tiên. Lễ vật của mâm lễ này là do dân bản đóng góp.

Sau nghi lễ mừng cơm mới người dân tộc Lào lại cùng nhau tham gia chơi các trò chơi dân gian của dân tộc mình

Sau khi thực hiện mâm lễ cúng thần linh, thần bản thì các gia đình khác trong bản cũng chuẩn bị mâm cúng ông bà, tổ tiên để tiến hành nghi lễ cúng gia tiên. Tùy theo từng gia đình có thể sẽ có một hay nhiều mâm lễ để cúng những người đã khuất  và chọn ngày tốt - thường là ngày không trùng với ngày mất của bố, mẹ, ngày sinh của gia chủ hay là ngày đốt lửa đầu tiên khi lên nhà mới. Chủ nhà sẽ thay mặt gia đình trịnh trọng khấn mời bố, mẹ (những người đã khuất) về hưởng thụ những sản vật mà con cháu thu hái, kiếm được sau một năm làm lụng vất vả, đồng thời cầu mong phù hộ độ trì cho con cháu được an lành, mạnh khỏe, trồng trọt bội thu, chăn nuôi sinh sôi phát triển.

Khác với các dân tộc khác, trong năm các gia đình dân tộc Lào thường chỉ cúng gia tiên vào các ngày lễ tết và ngày tổ chức lễ cúng cơm mới. Đồng bào quan niệm rằng hãy yêu thương, chăm sóc lúc còn sống, khi người thân mất đi ở thế giới bên kia họ cũng có cuộc sống riêng, nên phải hạn chế việc gọi mời vì sẽ làm phiền cuộc sống riêng của họ.

Khi cúng xong, gia đình dọn cơm để mời khách, ăn mừng. Trong mâm cơm, ngoài gia chủ, con cháu, họ hàng về đoàn tụ còn có khách mời là bạn bè, hàng xóm. Mọi người cùng nâng chén rượu và gửi tới nhau lời chúc sức khỏe, may mắn trong cuộc sống; làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu. Trong các ngày diễn ra Lễ mừng cơm mới, các gia đình luân phiên đến nhà nhau để chúc tụng và ăn mừng cơm mới tạo nên sự đoàn kết, hân hoan cho cả bản.

 Cũng tại Lễ mừng cơm mới, mọi người cùng chung vui với các trò chơi dân gian như: Ném còn, kéo co, đi cà kheo, tó má lẹ, bịt mắt bắt vịt, rùa ấp trứng; hổ vồ lợn; rắn bắt ngóe; múa bắt chân bắt đầu; hái dưa chín. Nối tiếp những trò chơi là điệu lăm vông truyền thống được mọi người hào hứng tham gia.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đại biểu Vương Thị Hương: Tháo gỡ vướng mắc chính sách để hỗ trợ đồng bào DTTS và miền núi
(TN&MT) - Phát biểu thảo luận tổ sáng 24/5, đại biểu Vương Thị Hương (Đoàn ĐBQH Hà Giang) cho rằng bên cạnh những chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì vẫn còn một số bất cập, vướng mắc đề nghị Chính phủ tiếp tục tháo gỡ để đạt được các mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
  • Về Nghĩa Đô – Bảo Yên xem bà con dân tộc Tày làm du lịch
    (TN&MT) - Cách trung tâm huyện Bảo Yên( Lào Cai) gần 30km, xã Nghĩa Đô nơi có đa số đồng bào Tày sinh sống. Nghĩa Đô không chỉ là nơi lưu dấu lịch sử, tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
  • Gia Lai: Tích cực tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường trong đồng bào DTTS
    (TN&MT) - Bằng các hình thức tuyên truyền trực tiếp và thông qua các mô hình, hoạt động cụ thể, các cấp chính quyền địa phương và hội đoàn thể tỉnh Gia Lai đã đưa phong trào bảo vệ môi trường ngày càng được nhiều người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) hưởng ứng, thực hiện.
  • Tuổi trẻ vùng cao Quỳ Châu tiên phong trong phong trào bảo vệ môi trường
    (TN&MT) - Với vai trò là lực lượng xung kích, các đoàn viên, thanh niên huyện vùng cao Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An) đã triển khai và hoàn thành những công trình, phong trào rất thiết thực. Qua bàn tay của các bạn trẻ, những tuyến đường mới được hình thành; nhiều "điểm đen" ô nhiễm môi trường được xoá bỏ; ý thức bảo vệ môi trường của mỗi đoàn viên, thanh niên và người dân vì thế cũng được nâng cao.
  • Về Quỳnh Nhai xem bà con làm du lịch cộng đồng
    (TN&MT) - Được ví như "vịnh Hạ Long" của vùng Tây Bắc, những năm qua, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đã dồn các nguồn lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch lòng hồ Sông Đà.
  • Gia Lai: Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về đất đai cho đồng bào DTTS
    (TN&MT) – Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được các cấp, ngành của huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) thực hiện thường niên nhiều năm nay. Hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật đất đai, tăng tỷ lệ cấp “sổ đỏ” cho người dân vùng DTTS trên địa bàn.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO