Doanh nghiệp phải tiên phong trong phát triển kinh tế xanh

24/09/2017 00:00

  (TN&MT) -  Ngày 24/9, tại TP.Hồ Chí Minh,  Trung ương Hội Kinh tế môi trường Việt Nam tổ chức Hội thảo "Kinh tế môi trường trong kỷ nguyên hội...

 

(TN&MT) -  Ngày 24/9, tại TP.Hồ Chí Minh,  Trung ương Hội Kinh tế môi trường Việt Nam tổ chức Hội thảo “Kinh tế môi trường trong kỷ nguyên hội nhập và phát triển bền vững”.

Trong những năm qua, mặc dù tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam liên tục đạt mức cao so với các nước trên thế giới, tuy nhiên mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn chủ yếu theo chiều rộng, dựa nhiều vào khai thác tài nguyên. Nhiều ngành thâm dụng tài nguyên, sử dụng nhiên liệu hóa thạch lớn, gây ô nhiễm môi trường đang chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế. Công nghệ sản xuất lạc hậu, chậm đổi mới; thiếu vắng các ngành kinh tế hỗ trợ, giải quyết hậu quả về môi trường, ngành kinh tế thân thiện với môi trường…

PGS. TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT cho rằng: Thiệt hại kinh tế do ô nhiễm, suy thoái môi trường là  rất lớn. Theo ước tính, nếu GDP Việt Nam trong 10 năm tới tăng gấp đôi mà không quan tâm đúng mức tới công tác bảo vệ môi trường thì ô nhiễm môi trường sẽ tăng lên 3 lần so với hiện nay; GDP cứ tăng 1% thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi 3% GDP.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh; tiếp đó  là Kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 -2020 với mục tiêu: chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, phù hợp với xu hướng trên thế giới và điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Trên cơ sở đó, các bộ ngành và địa phương đang tích cực triển khai xây dựng kế hoạch, chương trình hành động phù hợp với  từng ngành và từng địa phương.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh cho tằng, để có một nền kinh tế xanh, Việt Nam cần  giảm áp lực  từ phát triển kinh tế lên tài nguyên, môi trường thông qua việc hạn chế phát triển các ngành sản xuất phát sinh nhiều chất thải, công nghệ sản xuất  lạc hậu; đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường; phát triển công nghệ, sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường; thực hiện tốt ba nội dung quan trọng đối với chất thải trong nền kinh tế giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải…

Đồng thời, phải kiềm chế sự gia tăng phát thải khí nhành kính thông qua phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo ( gió, mặt trời, sinh khối, sinh học, địa nhiệt…); phát triển nông nghiệp, sử dụng đất bền vững, giảm suy thoái rừng…Phát triển các ngành kinh tế xanh mũi nhọn để tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế phát triển, phát huy lợi thế của Việt Nam như phát triển nông nghiệp hữu cơ, phát triển các mô hình kinh tế sinh thái…

Ông Nguyễn Thanh Tùng,  Phó Chủ tịch Thường trực Hội Kinh tế Môi trường cho rằng:  Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phải tiên phong trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh của đất nước. Trước tiên, cần nhận thức đúng quyền và trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ môi trường, từ đó làm thay đổi hành vi trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đầu tư  kinh phí tương xứng cho các hoạt động bảo vệ môi trường; chú trọng kế hoạch  đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao đáp ứng các quy định của pháp luật môi trường  để vận hành, xử lý, phân tích, kiểm tra định kỳ  mức độ  đảm bảo tiêu chuẩn môi trường của các sản phẩm và chất thải…

Ngoài ra, các đại biểu tham dự Hội thảo đều khẳng định vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí  trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về lợi ích và trách nhiệm bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh…Biểu dương những doanh nghiệp điển hình tiên tiến; đấu tranh, phê phán những tiêu cực, sai phạm của cá nhân, doanh nghiệp gây ảnh hưởng tới môi trường…’

Nguyễn Thanh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp phải tiên phong trong phát triển kinh tế xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO