Doanh nghiệp FDI: Cần một hệ thống pháp luật thống nhất và minh bạch

Lưu Nguyên Sơn| 28/08/2020 22:01

(TN&MT) - Theo thống kê, hiện có tới khoảng 25 văn bản luật, dưới luật điều chỉnh lĩnh vực đầu tư, kinh doanh nước ngoài tại Việt Nam. Điều đó cho thấy sự cồng kềnh, phức tạp, trùng chéo, khó áp dụng, gây khó khăn cho hoạt động thu hút đầu tư, đồng thời đặt gánh nặng lên vai các cơ quan quản lý nhà nước. Sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực đầu tư này theo hướng thống nhất và minh bạch là đỏi hỏi cấp thiết hiện nay.

Hiện có khoảng 25 văn bản luật, dưới luật điều chỉnh lĩnh vực đầu tư, kinh doanh nước ngoài tại Việt Nam, gây hiện tượng trùng chéo, khó áp dụng đối với doanh nghiệp đầu tư và cả cơ quan quản lý nhà nước - Ảnh minh họa

Phức tạp, chồng chéo và kém hiệu quả

Theo TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ), hệ thống chính sách, quy định về thu hút đầu tư nước ngoài hiện quá phức tạp, được cấu thành từ nhiều văn bản pháp luật, trong đó Luật Đầu tư là đạo luật trung tâm và rải rác trong các đạo luật khác, các văn bản pháp luật chuyên ngành. Số lượng văn bản nhiều, cồng kềnh, phức tạp, trùng chéo, khó áp dụng.

Đặc biệt, sự phát triển của các luật chuyên ngành liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo hiểm, các luật về thuế... đã điều chỉnh mang tính hệ thống ngành về hoạt động đầu tư, kinh doanh, đã làm thu hẹp phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư và khiến cho Luật Đầu tư trở thành một “chiếc áo chật” đối với hoạt động đầu tư ngày một đa dạng.

Mặt khác, dù có nhiều nội dung trùng chéo, nhưng hệ thống pháp luật hiện vẫn chưa đầy đủ, đồng bộ, gây khó khăn hoặc tạo ra những kẽ hở cho các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện những hành vi bất lợi cho nền kinh tế. Cụ thể, hiện chưa quy định khái niệm: “tổ chức kinh tế có sở hữu chi phối của nhà đầu tư nước ngoài” để làm rõ tiêu chí về quyền kiểm soát doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với tiêu chí xác định công ty mẹ con quy định tại Điều 189 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Chưa quy định điều chỉnh một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn như sáp nhập, hợp nhất, mở rộng dự án, cơ chế quyết toán vốn đầu tư; giám định giá, chất lượng máy móc thiết bị nhập khẩu, tài sản cố định.

Việc đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp ngày một gia tăng với quy mô lớn trong khi Luật Đầu tư quy định đơn giản về thủ tục; không bắt buộc nhà đầu tư phải đăng ký đầu tư gây khó khăn cho cơ quan nhà nước quản lý việc góp vốn tại doanh nghiệp dễ dẫn đến tình trạng đầu tư “chui”, người nước ngoài núp bóng người Việt Nam để mua cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp Việt.

Một hạn chế khác là hiện nay, nội dung chính sách, pháp luật còn chưa phù hợp, làm hạn chế những lợi ích có được từ thu hút FDI cho nền kinh tế. Theo TS. Nguyễn Quốc Văn, mức ưu đãi cho doanh nghiệp FDI cao, diện ưu đãi còn rộng và dàn trải đã làm suy giảm nguồn thu ngân sách nhà nước. Mặt khác, loại hình ưu đãi tập trung chủ yếu vào thuế suất ưu đãi và miễn, giảm thuế có thời hạn là loại hình ưu đãi được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng kém hiệu quả nhất và có chi phí cao nhất. Ưu đãi thuế theo địa bàn đầu tư ít phát huy tác dụng trong thực tế.

TS. Nguyễn Quốc Văn cũng chỉ ra một lỗ hổng khác là hiện nay hoạt động chuyển giá, việc quản lý thuế đối với các giao dịch xuyên biên giới chưa được quy định tại Luật Kế toán năm 2015, Luật Quản lý thuế năm 2019 và Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015. Điều này đã tạo ra điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp FDI, làm suy giảm nguồn thu NSNN. Không phải ngẫu nhiên mà trong giai đoạn 2015 - 2017, có khoảng 50% doanh nghiệp FDI ở Việt Nam kê khai lỗ, nhiều doanh nghiệp kê khai lỗ nhiều năm liền trong khi vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trên thực tế cơ quan thuế đã thanh tra và chứng minh hành vi chuyển giá của một số doanh nghiệp FDI với số tiền truy thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tính ổn định của hệ thống pháp luật chưa cao, tình trạng thiếu nhất quán, thiếu minh bạch, thay đổi liên tục trong chính sách và luật pháp gây ra tâm lý bất ổn cho nhà đầu tư. Theo các chuyên gia, nhà đầu tư thường đưa ra kế hoạch kinh doanh dài hạn từ 5 đến 10 năm để ước tính lợi nhuận thu được. Những thay đổi về thuế sẽ làm đảo lộn toàn bộ kế hoạch kinh doanh ban đầu vì chi phí tăng cao, doanh thu giảm, do đó tỷ suất lợi nhuận giảm hoặc thời gian thu hồi vốn kéo dài. Bởi vậy, nhà đầu tư có thể do dự trước quyết định đầu tư nếu họ phải đối mặt với những thay đổi thường xuyên về chính sách hay thuế suất.

Xây dựng hệ thống pháp luật minh bạch

Theo các chuyên gia kinh tế, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút FDI, Việt Nam cần đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật minh bạch, đơn giản, tránh chồng chéo giữa các văn bản luật gây khó khăn cho nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài.

Cần một hệ thống pháp luật minh bạch, tiến bộ để giảm thiểu tiêu cực của một số nhà đầu tư nước ngoài, mang lại nguồn thu nhiều hơn cho ngân sách nhà nước - Ảnh minh họa

Trước hết, Việt Nam cần sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục, điều kiện đầu tư, khái niệm về các hoạt động đầu tư, về danh mục địa bàn, lĩnh vực, đối tượng được áp dụng ưu đãi đầu tư trong các luật về đầu tư nước ngoài và các luật có liên quan để thống nhất trong thực hiện và bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam. Nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”.

Nghiên cứu bổ sung quy định “điều kiện về quốc phòng, an ninh” trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư mới và quá trình xem xét, chấp thuận đối với hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.

Cùng với đó, tiến hành sửa đổi một số nội dung chính sách, pháp luật cho phù hợp để gia tăng lợi ích có được từ thu hút FDI cho nền kinh tế. Cụ thể, cần sửa đổi khung chính sách, quy định về ưu đãi đầu tư - tái cân bằng theo hướng ưu đãi theo hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, chỉ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có lãi mới được nhận các ưu đãi, giảm ưu đãi dư thừa. Xác định các ngành, lĩnh vực ưu tiên, chuyển hướng thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, tái tạo, sản xuất thiết bị y tế, du lịch chất lượng cao...

Đặc biệt, theo TS. Nguyễn Quốc Văn, để tăng hiệu quả của chính sách thì các chính sách cần được áp dụng ổn định trong trung và dài hạn, hạn chế việc thường xuyên thay đổi các chính sách ưu đãi làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cũng như chiến lược đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Tiến tới công nhận và thi hành các quyết định của trọng tài nước ngoài và xây dựng hệ thống giải quyết khiếu nại để tránh tranh chấp cho nhà đầu tư.

Khi thay đổi chính sách, luật pháp cần bảo đảm tính hệ thống, công khai, minh bạch, có độ trễ nhất định về thời gian thi hành để nhà đầu tư và doanh nghiệp FDI chủ động trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm tra, kiểm toán để đảm bảo doanh nghiệp FDI thực hiện đúng cam kết đầu tư, tuân thủ đúng tiêu chí, điều kiện hưởng ưu đãi, đem lại lợi ích kinh tế - xã hội cho Việt Nam. Tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia về đầu tư, về doanh nghiệp FDI đồng bộ, thông suốt để các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có thể tổng hợp, đánh giá, giám sát hiệu quả, kịp thời; công khai, minh bạch thông tin về hoạt động và tình hình tài chính của các doanh nghiệp FDI, sớm phát hiện và phòng ngừa các nguy cơ gây bất ổn kinh tế - xã hội; tăng cường năng lực giám sát tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI.

Một hệ thống pháp luật minh bạch, tiến bộ thể hiện trình độ phát triển của một đất nước, giúp khơi thông dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, đưa nền kinh tế phát triển đi lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp FDI: Cần một hệ thống pháp luật thống nhất và minh bạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO