Doanh nghiệp dệt may chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng lao động

Thu Trang | 17/07/2020 15:53

(TN&MT) - ​​​​​​​Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua, ngành dệt may Việt Nam đã gặp không ít khó khăn, thách thức. Song, nhiều chuyên gia cho rằng, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp dệt may thay đổi cách nhìn và phương pháp trong việc giải quyết nguồn lao động.

Doanh nghiệp dệt may chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng lao động

Thay đổi phương thức thông qua kinh tế số

Trong 6 tháng đầu năm 2020, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may đã gặp nhiều khó khăn về thiếu hụt nguồn nguyên liệu và đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh do bị hoãn, hủy đơn hàng, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán làm cho các doanh nghiệp trong ngành gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, sản xuất dệt nửa đầu năm 2020 tăng 2,8%, chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ 2019. Sản xuất trang phục tháng 6 tăng 17,5% so với tháng 5 nhưng tính chung 6 tháng vẫn giảm gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyên Xuân Dương – Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May tỉnh Hưng Yên cho biết, thông báo của 2 thị trường chính là Châu Âu và Mỹ dự báo khả năng cầu thị trường này có thể giảm 50%; 50% giảm đó sẽ chia đều cho thị trường khác như: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia.

“Nếu chúng ta làm tốt dựa trên 3 yếu tố về thời gian, chất lượng và giá cả thì thị trường Việt Nam sẽ dành được khách hàng nhiều hơn, các đơn hàng đặt tại Việt Nam cũng nhiều lên”, ông Dương nhận định.

Ông Dương đánh giá, thành công trong chống dịch covid-19 và kiểm soát dịch tốt trong thời gian qua cũng là yếu tố khiến khách hàng sẽ ưu tiên hơn cho thị trường Việt Nam do cảm thấy an toàn hơn khi đăt tại nước ta và các đơn hàng ít bị lỡ hơn. Đây chính là cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam sau khi các chuyến bay thương mại được mở cửa trở lại.

Để hiện thực hóa những cơ hội, ông Dương cho rằng, Việt Nam cần phải nắm bắt và nhanh nhạy hơn trong việc thực hiện ký hợp đồng trên mạng. Các doanh nghiệp Việt Nam thay vì chờ trực tiếp đối tác đến ký thì chúng ta phải thay đổi phương thức thông qua kinh tế số, ký hợp đồng trên mạng. Phương thức này giúp cắt bớt khâu trung gian để giảm thiểu những rào cản vướng mắc trong thời gian này.

“Khi có thông tin mã khách hàng, các doanh nghiệp phải chào giá, gửi hàng và xác định mẫu, chứ không nhất thiết là khách hàng phải đến hoặc doanh nghiệp phải đến tận nơi”, ông Dương phân tích.

Chú trọng đào tạo, nâng cao tay nghề lao động

Đối với các đơn hàng giảm sút, ông Dương chỉ ra những thách thức đối với các doanh nghiệp dệt may. Trong thời gian có việc doanh nghiệp nào cũng thiếu lao động; nhưng trong điều kiện hiện nay, có một số doanh nghiệp buộc phải giảm lượng lao động.

“Với lượng hàng có 50% thì chúng ta chỉ cần giữ 50% lao động đặc biệt, nhưng xuất khẩu chúng ta chủ yếu là dựa vào các ngành gia công, trong khi gia công phụ thuộc rất lớn vào người lao động. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần phải chuyển thách thức thành cơ hội. Dành thời gian không có việc để đào tạo cho người lao động”, ông Dương nhìn nhận.

Cũng theo nhiều chuyên gia trong ngành dệt may, thời gian này chính là cơ hội tốt để cho doanh nghiệp cần thay đổi cách nhìn thay vì cho người lao động ngừng việc, các doanh nghiệp cần sử dụng quỹ đào tạo của chính phủ, của doanh nghiệp để đào tạo, nâng cao tay nghề cho nhân công.

Tuy nhiên, nhà nước cũng phải hỗ trợ cho doanh nghiệp bằng cách cho vay lãi suất thấp để họ có quỹ để đào tạo, nâng cao tay nghề cho nhân công.

“Muốn cạnh tranh được, nhà nước cần giúp doanh nghiệp “sống” lại. Bởi lẽ, khi không có khả năng, các doanh nghiệp phải đào thải lao động, từ đó chính phủ lại phải giải quyết công việc cho những người lao động đó như: trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp đào tạo. Do vậy, Chính phủ cần giúp doanh nghiệp phát triển theo hướng để cho họ tự đào tạo, để doanh nghiệp nuôi lao động của họ” – Ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp dệt may chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO