Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị nhiều giải pháp

Tiến Trung| 21/09/2022 15:18

Tại hội nghị Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam tổ chức sáng 21/9, các doanh nghiệp bán lẻ đều kêu càng bán càng lỗ, chỉ còn nước đóng cửa.

Cùng thảo luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Hạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Sơn Hải - cho biết kinh doanh xăng dầu càng bán càng lỗ. Mức chiết khấu từ tháng 7 đến nay là 0-50 đồng/lít, không đủ chi phí trả lương, đóng bảo hiểm cho người lao động. Trong khi đó, tổng chi phí kinh doanh của các cửa hàng xăng dầu là khoảng 1.200 - 1.300 đồng/lít đối với từng mặt hàng xăng dầu. Kinh doanh cũng phải đủ chi phí để trả lương 5-6 triệu đồng/tháng/lao động.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Hạnh, theo Điều 11 của Thông tư 104/2021/TT-BTC ngày 18/11/2021 có hiệu lực từ ngày 2/1/2022, lợi nhuận định mức không thay đổi được áp dụng tối đa 300 đồng/lít. Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, an sinh xã hội, phục vụ phát triển kinh tế xã hội cho đất nước, thì 1 lít xăng dầu chi phí tối thiểu: Đối với xăng: 1.517 - 1.641 đồng/lít; đối với dầu: 1.430 - 1.554 đồng/lít mới đảm bảo và bù đắp được chi phí trong kinh doanh xăng dầu cho thương nhân, cũng như đại lý bán lẻ xăng dầu.

Từ thực tế  trên, chúng tôi đề nghị các cơ quan như: Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam tổng hợp những đề xuất, kiến nghị để sớm có văn bản báo cáo về cấp trên.

833fa664bf817bdf2290.jpg
Hội nghị Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu

“Đặc biệt, Bộ Tài Chính sớm cập nhật, xem xét một số kiến nghị trên để tính đúng, tính đủ chi phí kinh doanh thực tế của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối hiện nay theo Thông tư số: 104/2021/TT-BTC ngày 18/11/2021 về hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu”, ông Hạnh nói

Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát chặt chẽ giá thành đầu vào của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí thực tế cho các đầu mối nhập khẩu. Nhà nước có quy định yêu cầu các đầu mối nhập khẩu cho các tổng đại lý, đại lý chiết khấu hoa hồng mức tối thiểu để đảm bảo đủ chi phí trong kinh doanh...

Để tháo gỡ khó khăn vấn đề chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, bà Nguyễn Thị Bích Hường - Giám đốc Công ty Thương mại Dịch vụ và Xây lắp Dầu khí -cho biết việc áp dụng mức chiết khấu bằng 0 là không bình đẳng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp bán lẻ ở cuối chuỗi, không có quyền đưa ra định mức chiết khấu nên chịu thiệt hại lớn nhất. Bà Hường kiến nghị doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối xăng dầu và cần chia sẻ chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức với doanh nghiệp bán lẻ.

Theo ông Bùi Ngọc Bảo -Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cần thương thảo mức chiết khấu với doanh nghiệp đầu mối và mức cụ thể ra sao cần ghi rõ trong hợp đồng. 

Tuy nhiên, về tình hình chiết khấu bằng 0 như hiện nay không doanh nghiệp nào tồn tại được.  Doanh nghiệp không thể bỏ tiền túi ra duy trì hoạt động trong thời gian dài. "Câu chuyện chiết khấu là thỏa thuận giữa các doanh nghiệp và trong hợp đồng không có quy định cụ thể", ông nói.

Ông Bảo cũng cho rằng biến động của thị trường giá xăng dầu năm nay quá dị biệt so với các năm trước đây.

Nên chăng, Bộ Tài Chính cần sớm cập nhật, xem xét các kiến nghị để tính đúng, tính đủ chi phí kinh doanh thực tế của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối hiện nay.

2b3cdf16cbf30fad56e2.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

Đối với vùng cao Yên Bái, Công ty TNHH MTV Xăng dầu Chiến Thắng  Yên Bái cho biết, mức chiết khấu hiện nay rất thấp. Cách đây 6 năm, mức chiết khấu khoảng 600 đồng/lít, doanh nghiệp mới đủ chi phí vận hành. Hiện nay, doanh nghiệp có 5 cửa hàng và 10 đại lý, hàng hóa chiết khấu bằng 0 đồng/lít giao tại kho Đức Giang (Hà Nội), nhưng phí vận chuyển từ Đức Giang đến Yên Bái hết khoảng 450 đồng/lít.

Chưa kể, với những đại lý của Công ty cách TP. Yên Bái khoảng 100 - 120km, chủ yếu là đường đất, vùng sâu, vùng xa, thậm chí mùa lũ lụt việc vận chuyển đi lại còn khó khăn hơn nhiều" - bà Nguyễn Thị Sinh nói .

Về tình trạng cung ứng xăng dầu, từ khoảng tháng 8/2022 đến nay, tình trạng khan hiếm, đứt gãy chuỗi cung ứng xảy ra liên tục, không có hàng để cấp. Thời gian trước, doanh nghiệp đầu mối cấp xăng dầu cho Công ty theo sản lượng bình quân của 3 tháng trước đó, song hiện nay khi nào có hàng mới cấp. Thời điểm cấp hàng nhiều là khoảng 27 m3/ngày là cả xăng và dầu, trong khi khu cầu thực tế của 5 cửa hàng và 10 đại lý của công ty gấp khoảng 2,5 lần con số đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị nhiều giải pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO