Doanh nghiệp bán hàng online trốn thuế: Cơ quan chức năng cần làm gì?

20/12/2017 10:04

Theo con số thống kê không chính thức, hiện nay có tới 35% doanh nghiệp đang bán hàng trên mạng xã hội và hàng triệu cá nhân, hộ kinh doanh đang bán hàng trên Facebook với doanh thu lớn nhưng không nộp thuế.

Giải pháp thu thuế kinh doanh online

Về vấn đề này, luật sư Thùy Dương (Văn phòng luật sư Trương Anh Tú – Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định: “Con số thực tế có thể còn nhiều hơn những thống kê trên. Theo quan điểm của tôi, điều này là không công bằng với những người nộp thuế khác và gây thất thoát cho nguồn tài chính quốc gia. Bởi hiện nay, nhiều người bán quán ăn, quần áo, kinh doanh nhỏ lẻ cũng phải đóng thuế trong khi các cá nhân, tổ chức khác kinh doanh online có doanh thu thậm chí lên đến cả tỉ đồng/tháng lại không đóng góp một xu nào cho ngân sách nhà nước.

Trên thực tế, đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để thu thuế đối với cá nhân, tổ chức tiến hành kinh doanh online, cụ thể: Luật Quản lý thuế quy định: “Bất kỳ trường hợp nào kinh doanh tại Việt Nam đều phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước” - đó là quyền và nghĩa vụ của bất cứ cá nhân hay doanh nghiệp nào.

banhangtrenmang
Mua bán hàng hóa qua mạng. (Ảnh minh họa)

Khoản 7 Điều 37 Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về Thương mại điện tử cũng nêu rõ trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch “Thương mại điện tử” (TMĐT) là phải: “Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật”.

Theo Khoản 1 Điều 2 Nghị định 39/2007/NĐ-CP, tất cả mọi trường hợp kinh doanh hàng hóa đều phải đăng ký kinh doanh, trừ một số trường hợp là “Cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh”. Tuy nhiên, những đối tượng này vẫn phải nộp thuế môn bài vì thuế môn bài của những đối tượng này đánh vào hoạt động kinh doanh và thu nhập của họ chứ không đánh vào vốn đăng ký.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 139/2016 quy định về lệ phí môn bài năm 2017, với nhiều điểm thay đổi so với các quy định trước đây. Theo đó, 7 trường hợp được miễn lệ phí môn bài, gồm: Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.

Vì thế, mọi cá nhân, doanh nghiệp tham gia kinh doanh, trong đó có cả kinh doanh qua hình thức TMĐT buộc phải đóng thuế. Nếu doanh thu bán hàng hóa trên ngưỡng doanh thu chịu thuế (ngưỡng hiện hành là từ 100 triệu đồng/năm trở lên) có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân. Thực tế hiện tại, cơ quan thuế dù đã đẩy mạnh tuyên truyền người kinh doanh TMĐT thực hiện kê khai nộp thuế nhưng hiệu quả thu lại chưa cao.

Giải pháp nào để tận thu thuế

Về giải pháp tận thu thuế thương mại điện tử (còn được hiểu là bán hàng online, bán hàng qua mạng internet), luật sư Thùy Dương chia sẻ: “Vấn đề khá là nhức nhối đối với ngành thuế hiện nay khi tiến hành động viên các cá nhân bán hàng qua mạng kê khai nộp thuế thì tất cả các trường hợp này đều tìm mọi lý do minh chứng doanh số không quá 100 triệu mỗi năm để không phải nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Từ thực tế này, các cơ quan chức năng có thể tính tới giải pháp “Rà soát các cá nhân bán hàng qua mạng phải nộp thuế theo hạn mức” như sau: Thứ nhất, giá trị một đơn hàng (1 hoá đơn mua hàng, bao gồm cả thuế) không được vượt quá 10% mức tối đa theo khung nộp thuế môn bài.

Thứ hai, giá trị một món hàng trong một đơn hàng không được vượt quá 5% mức tối đa theo khung nộp thuế môn bài. Nếu vi phạm phải 1 trong 2, hoặc cả 2 nội dung trên thì sẽ bị áp theo mức nộp thuế môn bài tương ứng.

Bên cạnh đó, liên quan đến loại hình kinh doanh này, các giao dịch TMĐT thanh toán thông qua ngân hàng sẽ giúp cơ quan thuế quản lý thuế tốt hơn. Nhưng trong thực tế, việc quản lý thuế từ TMĐT tồn tại nhiều khó khăn.

Chẳng hạn như khách hàng mua hàng qua Facebook nhưng lại giao dịch trực tiếp tại của hàng và thanh toán bằng tiền mặt. Có nhiều trường hợp người kinh doanh bỏ số tiền lớn ra để chạy quảng cáo trên Facebook vì hiệu quả mang lại rất cao”.

Ngoài các phân tích trên, luật sư Thùy Dương cũng thông tin: “Nếu người bán không dùng phần mềm để quản lý bán hàng hay giá bán của các sản phẩm thì rất khó để kiểm tra, xác định doanh thu chính xác sau khi đã trừ đi các chi phí phát sinh. Vì thế, ngành thuế cần tăng cường các biện pháp chế tài mạnh và có sự phối hợp liên ngành chặt chẽ:

Phối hợp giữa ngành Thuế với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, đơn vị quản lý các trang mạng xã hội (Facebook, Google…) để nắm danh sách các website, các tài khoản của các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội.

Phối hợp giữa ngành Thuế với cơ quan Công an đề nghị cung cấp cho cơ quan Thuế các website thương mại có hoạt động kinh doanh chưa kê khai nộp thuế do cơ quan Công an phát hiện để cơ quan thuế xử lý truy thu theo quy định…

Phối hợp giữa ngành Thuế với Ngân hàng để đề nghị Ngân hàng Nhà nước cung cấp bảng sao kê tài khoản của các cá nhân, tổ chức có kinh doanh qua Facebook.

Phối hợp giữa ngành Thuế với các đơn vị cung ứng vận chuyển để nắm được số lượng hàng hóa vận chuyển, doanh thu thu hộ (nếu có) của từng tổ chức, cá nhân để cơ quan thuế rà soát đối chiếu, từ đó thu thuế.

Ngành thuế phối hợp với các nhà mạng và đại diện Facebook quản lý Việt Nam để chặn tài khoản đối với những chủ tài khoản kinh doanh online có doanh số lớn nhưng không chấp hành các nghĩa vụ thuế.

Khi bị đóng tài khoản cũ, việc lập tài khoản mới sẽ không dễ có ngay lượng khách như cũ. Do vậy, chặn tài khoản Facebook là một biện pháp hiệu quả trong trường hợp này”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp bán hàng online trốn thuế: Cơ quan chức năng cần làm gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO