Đoàn giám sát chuyên đề Quốc hội: Kiểm tra thực tế việc sử dụng đất các dự án ở Ninh Bình

Tuyết Chinh| 07/07/2022 08:59

(TN&MT) - Tổ công tác thuộc Đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội đã làm việc về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021" tại Dự án Nông trường Phùng Thượng và Cảng cạn ICD tại Ninh Bình, ngày 6/7. Qua đó, xem xét thực tế hiệu quả sử dụng đất của các dự án và có đề xuất, kiến nghị với Quốc hội xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật về đất đai phù hợp với thực tế.

Tại Nông trường Phùng Thượng, nay là Công ty CP Giống bò thịt, sữa Yên Phú, Tổ công tác đã nghe báo cáo của Công ty và Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Ninh Bình về nguồn gốc, diện tích đất được giao và tình hình sử dụng đất của đơn vị.

Theo đó, Công ty CP Giống bò thịt, sữa Yên Phú đang quản lý, sử dụng hơn 768 ha theo hình thức thuê đất trả tiền hàng năm, thời hạn 50 năm. Hiện nay Công ty được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích hơn 527 ha, còn lại hơn 241 ha chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng nên Công ty chưa hoàn thiện hồ sơ giao đất.

giam-sat.jpg
Tổ Công tác khảo sát tại Công ty Cổ phần giống bò thịt sữa Yên Phú (tiền thân là Nông trường chăn nuôi Phùng Thượng). Ảnh: TN

Đơn vị sử dụng đất cũng nêu lên những khó khăn, tồn tại trong việc thực hiện các chính sách về đất đai hiện nay; giải trình làm rõ về ý kiến của một số hộ dân được giao khoán đất từ Công ty yêu cầu hỗ trợ đền bù đất khi Công ty tiến hành giải phóng mặt bằng thực hiện dự án.

Sau khi nghe báo cáo, các đại biểu đã thảo luận làm rõ về nguồn gốc đất, việc khai thác sử dụng đất của công ty, rà soát các diện tích đất đang khai thác không hiệu quả; vướng mắc trong quá trình triển khai mở rộng dự án; việc thu hồi đất sản xuất của các hộ dân đang nhận giao khoán từ Công ty...

Đối với Dự án cảng khô ICD, Tập đoàn Phúc Lộc, Tổ công tác đã giám sát các nội dung về diện tích đất của dự án, cơ chế giao đất cho doanh nghiệp, tỷ lệ lấp đầy diện tích đất được giao và hiệu quả sử dụng đất... Đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và doanh nghiệp đã báo cáo giải trình.

Theo đó, tổng vốn đầu tư của Dự án Cảng khô ICD và cảng đường thủy xuất khẩu là 1.274 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư Dự án Cảng khô ICD là 912 tỷ đồng. Đến hết năm 2021, giá trị vốn đã thực hiện Dự án Cảng khô ICD là 802,56 tỷ đồng, đạt 88% giá trị vốn đầu tư đã đăng ký. Dự án đã vận hành khai thác một phần các hạng mục đã hoàn thành, tạo việc làm cho 120 lao động tại tỉnh Ninh Bình. Số tiền nộp thuế năm 2021 là 1.263 triệu đồng; doanh thu dự án đạt trên 9 tỷ đồng; lợi nhuận trên 1 tỷ đồng.

doan-giam-sat-chuyen-de-cua-quoc-hoi-lam-viec-tai-ninh-binh-3b533.jpg
Tổ công tác thuộc Đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình

Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, Công ty Cổ phần Phúc Lộc vẫn đang trong quá trình vừa đầu tư vừa khai thác nên sản lượng chưa đạt được theo thiết kế của dự án, đồng thời lượng khách hàng thực hiện các thủ tục thông qua cảng vẫn còn ít, chưa có những khách hàng có sản lượng lớn về hàng hóa thực hiện các thủ tục tại cảng. Luồng tuyến sông Đáy hiện tại chưa đáp ứng cho những tàu có tải trọng lớn ra vào để thực hiện việc bốc xếp hàng hóa. Ngoài ra dự án vẫn còn một hạng mục chưa xây dựng...

Ông Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách, Tổ trưởng Tổ giúp việc Đoàn giám sát của Quốc hội cho biết, Chương trình giám sát tại 2 doanh nghiệp trên nhằm xem xét thực tế hiệu quả sử dụng đất của các dự án, lắng nghe ý kiến của địa phương về những tồn tại, vướng mắc mà trong phạm vi địa phương khó giải quyết, từ đó có đề xuất, kiến nghị với Quốc hội xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật về đất đai phù hợp với thực tế.

Trong khuôn khổ thời gian làm việc của Đoàn giám sát, các sở, ngành của tỉnh Ninh Bình đã báo cáo giải trình một số nội dung mà Tổ công tác yêu cầu như: một số dự án chậm tiến độ, không hiệu quả; việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên; việc quản lý sử dụng tài sản công; quản lý sử dụng ngân sách nhà nước; quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước...

Đoàn giám sát cũng yêu cầu tỉnh Ninh Bình làm rõ thêm về một số nội dung như: việc quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, so sánh các chỉ tiêu sử dụng đất như đất công nghiệp, đất phi nông nghiệp, dịch vụ thương mại...; làm rõ nguyên nhân chỉ tiêu nhóm đất chưa sử dụng, những tổ chức bị thu hồi đất, việc quản lý sử đụng đất, tiến độ thực hiện dự án sau khi giao đất; Quá trình tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước; nợ đọng xây dựng cơ bản; việc thực hiện các kết luận của thanh tra...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đoàn giám sát chuyên đề Quốc hội: Kiểm tra thực tế việc sử dụng đất các dự án ở Ninh Bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO