Định hướng bố trí không gian phát triển quốc gia giai đoạn mới

Khánh Ly| 26/07/2022 16:10

(TN&MT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch sẽ định hướng phân vùng và liên kết vùng - bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời - một cách khoa học để tạo không gian phát triển đổng bộ. Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tại hội thảo tham vấn quy hoạch sáng 26/7, tại Hà Nội.

Theo đó, Quy hoạch cũng sẽ định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn, hoàn thiện kết cấu hạ tầng gắn với sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế hiệu quả.

anh-quang-canh.jpg
Hội thảo tham vấn Quy hoạch tổng thể quốc gia do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới tổ chức ngày 26/7

Thúc đẩy mục tiêu trở thành nước có nhu nhập cao

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, đây là quy hoạch đầu tiên được triển khai lập ở Việt Nam theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 và có cấp cao nhất trong hệ thống quy hoạch của Việt Nam. Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021 – 2030 nhằm bố trí không gian phát triển quốc gia một cách hợp lý, dựa trên tiềm năng, thế mạnh của đất nước để thúc đẩy phát triển kinh – tế, xã hội nhanh và bền vững.

Về trọng tâm của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, ông Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, xuyên suốt quy hoạch là quan điểm tổ chức không gian phát triển quốc gia thống nhất, khắc phục tình trạng phát triển chia cắt theo địa giới hành chính, thúc đẩy liên kết giữa các vùng, địa phương. Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực để hình thành một số vùng động lực, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng tại các khu vực có tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả.

dsc_0324.jpg
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ về dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia

Quy hoạch sẽ hướng tới phát triển bền vững; sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên; bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa; bảo vệ môi trường bảo tồn thiên nhiên và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cac-bon thấp.

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững. Đồng thời, hình thành được các vùng động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao. Đây là nền tảng để thực hiện mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Theo các kịch bản tăng trưởng, giai đoạn 2021 – 2030, GDP bình quân đầu người của Việt Nam có thể đạt từ 7.000 – 7.500 USD/năm. Tiếp đến giai đoạn 2031 – 2050 có thể tiến tới 25.000 – 32.000 USD/năm.

Định hướng trọng tâm về tổ chức không gian phát triển đất nước

Việc hình thành và phát triển một số hành lang kinh tế, vùng động lực, các đô thị lớn, các khu kinh tế gắn với bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia được cho là phù hợp với Việt Nam trong giai đoạn này, trong bối cảnh các nguồn lực phát triển có hạn. Một số lãnh thổ có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có có thể được tạo điều kiện, ưu tiên phát triển đi trước một bước, trở thành động lực và làm đầu tàu lôi kéo các lãnh thổ khác cùng phát triển.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ ưu tiên hình thành các hành lang kinh tế có trục giao thông quan trọng, thường là đường cao tốc; gắn với các đầu mối giao thương quan trọng như cảng biển, cửa khẩu quốc tế, sân bay quốc tế… Các địa phương trên hành lang có nhiều tiềm năng, điều kiện thuận lợi phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị…; có khả năng liên kết với các hành lang kinh tế khu vực và quốc tế.

Việt Nam sẽ tập trung hình thành và phát triển các hành lang kinh tế dọc theo trục Bắc - Nam và theo hướng Đông - Tây. Hỗ trợ cho hành lang kinh tế trục Bắc - Nam là dải ven biển phía Đông, kết hợp hình thành một số đoạn hành lang kinh tế dọc theo đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía Tây qua địa bàn Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và Trung du miền núi phía Bắc. Đối với các hành lang kinh tế Đông - Tây, ưu tiên phát triển các hành lang tham gia các hành lang kinh tế quốc tế trong khu vực, đã được triển khai xây dựng và có nhiều điều kiện thuận lợi nhất là kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị trên hành lang.

dsc_0328.jpg
Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Quy hoạch cũng xác định 4 vùng động lực quốc gia, bao gồm: Vùng động lực Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Vùng động lực TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu; Vùng động lực Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi; Vùng động lực Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang. Mỗi vùng gắn với đặc trưng thế mạnh các địa phương và khu vực, nhằm tạo sức bật một cách tổng thể cho kinh tế quốc gia.

Về các đô thị động lực, Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 2 trung tâm kinh tế lớn nhất 2 đầu Bắc – Nam và của cả nước. Hai đô thị sẽ được đầu tư phát triển trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; trung tâm văn hóa, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ của quốc gia, có vai trò tiên phong dẫn dắt đổi mới, sáng tạo

Riêng không gian biển, Quy hoạch sẽ định hướng tổ chức không gian biển, phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia, tạo mối liên kết kinh tế chặt chẽ giữa khu vực đất liền với không gian biển và liên kết phát triển với các nước trong khu vực. Phát triển đột phá các ngành kinh tế biển, nhất là các ngành du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác hải sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Việt Nam sẽ hình thành các trung tâm kinh tế biển mạnh, hệ thống các khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái ven biển, gắn với hình thành phát triển hệ thống đô thị và điểm dân cư ven biển. Môi trường khu vực biển và ven biển được bảo vệ; bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai.

Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, thách thức của Chính phủ Việt Nam hiện nay là xây dựng quy hoạch các không gian ứng phó với những thách thức trong tương lai. Muốn làm được điều này cần chỉ rõ cách thức để hoàn thành mục tiêu phát triển không gian. Kế hoạch đầu tư công trung hạn cần hướng đến ưu tiên các dự án thực chất, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, đảm bảo khung pháp chế liên quan đến đầu tư có sự phối hợp từ trung ương đến địa phương, cũng như các cơ quan ngang cấp, đặc biệt, có sự linh hoạt đối với đầu tư cấp vùng; cải thiện quy trình đầu tư công từ lựa chọn nhà đầu tư đến giải ngân. WB cũng đã có nghiên cứu về vấn đề này và sẽ hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới để hoàn thiện quy hoạch một cách thuận lợi nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Định hướng bố trí không gian phát triển quốc gia giai đoạn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO