Điều tra, đánh giá tiềm năng quặng đất hiếm và khoáng sản đi kèm khu vực Tây Bắc

Mai Đan| 19/10/2020 17:07

(TN&MT) - Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) đang thực hiện đề án “Điều tra, đánh giá tiềm năng quặng đất hiếm và khoáng sản đi kèm (U, Th) khu vực Tây Bắc”. Đây là đề án thành phần thuộc đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội”.

Ông Nguyễn Văn Nguyên – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (thứ nhất từ trái qua phải) kiểm tra công tác thi công đề án thành phần “Điều tra, đánh giá tiềm năng quặng đất hiếm và khoáng sản đi kèm (U, Th) khu vực Tây Bắc”

Đề án hướng tới việc nhằm làm rõ hiện trạng tiềm năng quặng đất hiếm và khoáng sản đi kèm (U, Th) vùng Tây Bắc, phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế, xã hội; phát hiện và đánh giá từ 2 đến 3 mỏ mới.

Đề án có nhiệm vụ quan trọng gồm: Thu thập, tổng hợp tài liệu ở mỏ đất hiếm Đông Pao, Lai Châu; tìm kiếm, điều tra, đánh giá quặng đất hiếm và khoáng sản đi kèm (U,Th) các diện tích tập trung các thân quặng triển vọng để tính tài nguyên dự tính cấp 333, tài nguyên dự báo cấp 334a, đánh giá khả năng tồn tại các thân quặng đất hiếm ở phần sâu; lựa chọn diện tích để đề xuất quy hoạch thăm dò tiếp theo.

Trong đợt kiểm tra công tác thi công đề án tại Lai Châu từ ngày 16-18/10, với vai trò là trưởng đoàn, ông Nguyễn Văn Nguyên – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã đánh giá cao những cố gắng vượt qua mọi khó khăn của Liên đoàn trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát và điều kiện thời tiết không thuận lợi trong những tháng qua.

Ông Nguyễn Văn Nguyên cũng đề nghị Liên đoàn chỉ đạo Đề án tiếp thu những góp ý trực tiếp của Đoàn kiểm tra về thu thập các tài liệu địa chất – khoáng sản từ công trình đã tiến hành trước đây, lấy các loại mẫu vừa đủ, nhất là trong mẫu lõi khoan để làm rõ nguồn gốc quặng gốc, các yếu tố khống chế quặng, các khoáng sản đi kèm có giá trị khác như Pb- Zn và có thể có Au đi kèm với đối tượng điều tra chính nhất là khu vực Thèn Thàu-Bắc Nậm Xe. Trên cơ sở đó, xem xét làm rõ tiềm năng quặng gốc ở sâu.

Tổ khoan thuộc Đoàn Địa chất 155 (Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm) đang thi công tại bản Pà Chải, xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu

Tiếp thu chỉ đạo của Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Nguyên và đại diện Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng như các Vụ chức năng của Tổng cục, ông Trịnh Đình Huấn – Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm cho biết: Trong thời gian thực hiện đề án (từ tháng 9/2019 đến nay), mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, thời tiết xấu cũng như thi công trong điều kiện địa hình vô cùng khó khăn, phức tạp, hiểm trở, nhưng Liên đoàn đã cố gắng khắc phục để triển khai các hạng mục công tác đảm bảo tiến độ, chất lượng theo yêu cầu.

Về tiến độ, năm 2019, Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm đã thi công khu vực Nam Đông Pao, tỉnh Lai Châu. Từ tháng 1/2020 đến nay, triển khai trên 2 khu vực là Thèn Thầu, tỉnh Lai Châu (tỷ lệ 1:10.000) và khu Bảo Thắng-Làng Phát, tỉnh Lào Cai – Yên Bái (tỷ lệ 1:25.000).

Theo ông Trịnh Đình Huấn, tại khu Thèn Thầu, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, đã khoanh được 4 thân quặng phong hóa, 1 đới quặng có triển vọng về tài nguyên đất hiếm cả về quặng phong hóa và quặng gốc. Tại khu Bảo Thắng – Làng Phát, tỉnh Lào Cai – Yên Bái, đã khoanh được 12 thân quặng có triển vọng đất hiếm dạng hấp thụ ion (giống như mỏ đất hiếm Bến Đền) nằm trên phức hệ Xóm Giấu có thể đánh giá ở tỷ lệ 1:10.000.

Đơn vị thi công đề án của Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Đoàn kiểm tra 

Với tiến độ thi công như trên, Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm kiến nghị tại khu Bảo Thắng-Làng Phát, bổ sung khối lượng đo vẽ bổ sung tỷ lệ 1:25.000 công trình vết lộ, hố nhằm làm rõ thêm về triển vọng quặng hóa đất hiếm kiểu hấp thụ ion ở khu vực này để định hướng chính xác cho việc đánh giá tỷ lệ 1:10.000; tiếp tục đầu tư điều tra, đánh giá theo đúng đề án đã được các cấp phê duyệt.

Liên đoàn trưởng Trịnh Đình Huấn cho rằng, tại khu Thèn Thầu, cần bổ sung thêm các lỗ khoan sâu và công việc khác đi kèm để làm rõ quy mô, triển vọng tài nguyên quặng gốc. Ngoài ra, bổ sung kinh phí vận chuyển từ nơi tập kết (bản Màu) đến ngã ba đường từ bản Hoàng Liên 1 đến bản Hoàng Liên 2 và đường vào diện tích đánh giá. Đây là đoạn đường núi dốc quanh co, hiểm trở đang mở, chiều dài 13,5 km (phát sinh trong quá trình thi công mà Đề án chưa lập dự toán).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều tra, đánh giá tiềm năng quặng đất hiếm và khoáng sản đi kèm khu vực Tây Bắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO