Điều tiết hồ đập để sử dụng nguồn nước hiệu quả: Chủ động phối hợp vận hành

Thúy Hằng (thực hiện)| 02/07/2020 12:59

(TN&MT) - Từ đầu năm đến nay, Bộ TN&MT đã  sớm vào cuộc, làm tốt công tác cảnh báo, dự báo và phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương điều hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi đảm bảo nguồn nước cho hạ du. Nhờ vậy, nhiều địa phương thuộc các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã giảm thiệt hại đáng kê, dù gặp hạn hán.

Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Châu Trần Vĩnh (ảnh), Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý tài nguyên nước để làm rõ hơn công tác vận hành hồ chứa nguồn nước tại các khu vực này.

PV: Thưa ông, miền Trung và Tây Nguyên đang bước vào mùa cạn, hạn hán đang đeo bám các tỉnh. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về thực tế này?

Ông Châu Trần Vĩnh:

Tình trạng hạn hán, thiếu nước xảy ra trên phạm vi rộng và trên hầu hết các lưu vực sông xảy ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng ngay từ đầu mùa cạn (tháng 12/2019). Lượng dòng chảy trên các sông phổ biến thiếu hụt từ 40 - 60%, một số sông thiếu hụt trên 70%. Hiện tượng này gây thiếu hụt lượng nước ngay trong mùa mưa, lũ năm 2019 (từ tháng 7/2019). Cũng giống như khu vực miền Bắc tại nhiều hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa lớn, quan trọng, lượng nước tích được đầu mùa cạn là không nhiều, chỉ từ 40 - 70% tùy từng hồ, đặc biệt có hồ chứa chỉ tích được khoảng 15 - 25%. Các hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ cũng chỉ tích được 70 - 80%, nhiều hồ chỉ đạt 40 - 50%.

Ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý tài nguyên nước

Đến nay, trên các lưu vực còn khoảng 1 đến 2 tháng nữa là kết thúc mùa cạn, tình hình dòng chảy ở khu vực Tây Nguyên thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 20 - 70%, một số sông thấp hơn trên 75%. Tình trạng khô hạn, thiếu nước đã xuất hiện tại các tỉnh Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên; đặc biệt nghiêm trọng hơn tại các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Bắc Đắk Nông. Đến thời điểm hiện tại, tình hình khô hạn, thiếu nước đã được cải thiện tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bình Thuận.

PV: Trước thực tế trên, Bộ TN&MT đã phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và các địa phương thống nhất kế hoạch điều tiết nước, vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện để bổ sung nước phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho hạ du như thế nào, thưa ông?

Ông Châu Trần Vĩnh:

Trước tình hình thiếu hụt lượng mưa, dòng chảy nêu trên, ngay từ đầu mùa lũ năm 2019 (giữa năm), trên cơ sở dự báo, cảnh báo và nhận định của Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ TN&MT đã thông báo cho các địa phương trên phạm vi cả nước và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xem xét, chỉ đạo.

Đối với các lưu vực sông thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, Bộ TN&MT đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là Tổng cục Khí tượng thủy văn và Cục Quản lý tài nguyên nước trong công tác dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình khí tượng, thủy văn. Đồng thời, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương trong chỉ đạo, điều hành các hồ chứa, nhất là các hồ chứa quan trọng cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt khu vực thiếu nước hoặc có nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng. Trong đó, đã đôn đốc, chỉ đạo kịp thời việc điều chỉnh vận hành, điều tiết xả nước các hồ chứa lớn, quan trọng trên các lưu vực sông Mã, sông Cả, sông Hương, Vu Gia - Thu Bồn, sông Ba, sông Sê San, sông Đồng Nai,… góp phần vừa cấp nước cho hạ du, vừa bảo đảm đủ nguồn nước trong thời gian còn lại của mùa cạn.

Trước đó, từ cuối mùa lũ, đầu mùa cạn, 11 lưu vực sông đều xảy ra tình trạng thiếu nước, nguồn nước các hồ chứa là rất hạn chế nhưng tính đến nay, về tổng thể chỉ còn một vài lưu vực có nguy cơ thiếu nước; song nếu được điều tiết hợp lý, vẫn có thể duy trì cấp đủ trong khoảng 1 - 2 tháng còn lại của mùa cạn.

Ngoài ra, Bộ TN&MT đã bàn giao kết quả của Chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cấp nước sinh hoạt vùng cao, vùng khan hiếm nước, số liệu quan trắc, dự báo và cảnh báo tài nguyên nước cho các địa phương để xây dựng, thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn trước mắt cũng như lâu dài; đặc biệt là bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho nhân dân những vùng đang xảy ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Cùng với đó, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò nguồn nước dưới đất để có thể cung cấp cho các vùng khan hiếm nước và bàn giao các giếng khoan cho những địa phương sử dụng để cấp nước sinh hoạt.

PV: Trong quá trình phối hợp vận hành hồ chứa hiện có khó khăn gì không và cách giải quyết ra sao, thưa ông?

Ông Châu Trần Vĩnh:

Qua quá trình theo dõi, giám sát, khảo sát, làm việc với các Sở, ban ngành, các đơn vị quản lý, vận hành hệ thống công trình thủy lợi, các chủ hồ chứa thủy điện, thủy lợi lớn trong các quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông khu vực miền Trung và Tây Nguyên có thể thấy rằng, về cơ bản các địa phương đã chủ động trong công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, góp phần giảm thiểu tác động của nắng nóng, hạn hán trong thời gian qua. Một số địa phương đã cắt giảm diện tích gieo cấy tại các vùng, vị trí khó có khả năng đảm bảo nguồn nước đến cuối mùa cạn.

Bộ TN&MT đã sớm vào cuộc, làm tốt công tác điều hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi đảm bảo nguồn nước cho hạ du

Các đơn vị quản lý, vận hành các hồ chứa, đập dâng lớn, quan trọng trên cơ sở các quy định của các Quy trình vận hành liên hồ chứa đã phối hợp tốt với địa phương, các tổ chức khai thác, sử dụng nước phía hạ du để điều tiết nguồn nước. Vì vậy, trong đợt hạn hán vừa qua, hầu hết diện tích nông nghiệp, các nhu cầu sử dụng nước khác nằm ở phía hạ lưu và nằm trong vùng điều tiết của các hồ chứa này đều được đảm bảo cung cấp đủ nước.

Tuy vậy, các hồ chứa, đập dâng vừa và nhỏ còn lại của các tỉnh được phân cho các huyện, các xã, phường quản lý, vận hành. Việc quản lý vận hành nhiều hồ chứa, đập dâng này mang tính tự phát, hầu như không có quy trình hoặc có nhưng chưa được chỉnh sửa, bổ sung phù hợp, do đó, hiệu quả của việc vận hành hồ để đảm bảo tưới hợp lý, tiết kiệm không cao.

Những diện tích nông nghiệp, khu vực bị thiếu nước sinh hoạt chủ yếu nằm ở những vùng trong phạm vi điều tiết của các hồ chứa này hoặc những vùng không có các công trình điều tiết.

Mặc dù, việc phối hợp giữa các chủ hồ chứa lớn trong các quy trình và địa phương phía hạ du trong việc điều tiết nguồn nước các hồ cấp cho hạ du trong thời gian qua về cơ bản là khá tốt. Tuy vậy, do tình trạng nắng nóng kéo dài, nhu cầu điện tăng cao và để đảm bảo an ninh năng lượng, nhiều nhà máy thủy điện được huy động cao, khiến mực nước giảm nhanh dẫn đến việc đảm bảo đủ nguồn nước cấp cho hạ du trong cả mùa cạn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, một số hồ thủy điện huy động điện chưa thực sự phù hợp với diễn biến nguồn nước, lịch thời vụ sản xuất nông nghiệp phía hạ du, dẫn đến hiệu quả cấp nước chưa cao.

Các hồ chứa chỉ có thể điều tiết cho các khu vực hạ du thuộc các địa phương nằm, dọc các sông, suối, mà không thể điều tiết cấp nước được cho toàn bộ phạm vi của cả lưu vực. Do vậy, đối với các hồ chứa vừa và nhỏ còn lại, không nằm trong các quy trình, cũng cần rà soát, đánh giá và phối hợp chỉ đạo điều hành hợp lý thì mới có thể giảm thiểu được tình trạng hạn hán thiếu nước như hiện nay.

PV: Thưa ông, về lâu dài, Bộ TN&MT đã có những giải pháp như thế nào để phòng chống hạn hán tại khu vực này?

Ông Châu Trần Vĩnh:

Thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường, nâng cao độ chính xác trong công tác dự báo, cảnh báo các hiện tượng cực đoan, đặc biệt là hạn hán, xâm nhập mặn; giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước và giám sát việc vận hành các hồ chứa cấp nước cho hạ du; đẩy mạnh công tác tìm kiếm thăm dò nguồn nước dưới đất để có thể cung cấp cho các vùng khan hiếm nước mà nguồn nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện không cấp tới được.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ đẩy mạnh xây dựng quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Mã, Cả, Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Sê San, SrePok,.. Trong đó, sẽ tập trung xây dựng các kịch bản, phương án điều hòa, phân bổ nguồn nước trong điều kiện xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng.

Đối với khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Bộ sẽ rà soát, xem xét kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương. Cụ thể, Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia và các chủ hồ chứa thủy điện phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc lập kế hoạch tích nước, xả nước các hồ chứa cho phù hợp, bảo đảm ưu tiên cho các nhu cầu sử dụng nước ở hạ du theo quy định pháp luật hiện hành. Bảo đảm vận hành an toàn, tham gia cấp nước cho hạ du, nhất là trong điều kiện thiếu nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

Bộ NN&PTNT nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy trình vận hành các hồ chứa thủy lợi, nhất là những hồ chứa thủy lợi nhỏ, để bảo đảm phù hợp với hiện trạng nguồn nước, khai thác, sử dụng ở hạ lưu và vấn đề an toàn, chống lũ, bảo đảm dòng chảy tối thiểu,.. ở hạ du các lưu vực sông như hiện nay. Đồng thời, sớm hoàn thành công tác kiện toàn tổ chức thủy lợi cấp cơ sở, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước đặc biệt trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn như hiện nay.

UBND các tỉnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, các bản tin dự báo, cảnh báo của Bộ TN&MT để xây dựng kế hoạch khai thác, sử dụng nước cho phù hợp với điều kiện thực tế của nguồn nước, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả, bảo đảm an ninh năng lượng cho hệ thống điện Quốc gia trong thời gian tới.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều tiết hồ đập để sử dụng nguồn nước hiệu quả: Chủ động phối hợp vận hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO