Điêu khắc đá Long Châu Miếu (Chương Mỹ - Hà Nội): Mừng vì kinh tế… lo cho môi trường!

12/11/2013 00:00

Các xưởng khắc đá với âm thanh chát tai của tiếng đục hay tiếng rè rè của máy mài, chà, đánh bóng và nước bẩn, khói bụi từ những máy khắc đá.

   
(TN&MT) - Không giống với vẻ ảm đạm của các ngành nghề khác, nghề điêu khắc đá tại thôn Long Châu Miếu, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ - Hà Nội đang trở thành nghề đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, bên cạnh nguồn thu nhập cao, làng nghề Long Châu Miếu cũng đang phải đối mặt với vấn đề môi sinh, môi trường. Giải pháp để làng nghề đá Long Châu Miếu tiếp tục phát triển bền vững đang là vấn đề được chính quyền ở địa phương quan tâm.
   
  Có mặt tại xã Phụng Châu vào những ngày thời tiết hanh khô cuối thu, khắp con đường dẫn vào làng nghề điêu khắc đá Long Châu Miếu là khung cảnh các xưởng khắc đá với âm thanh chát tai của tiếng đục hay tiếng rè rè của máy mài, chà, đánh bóng và nước bẩn, khói bụi từ những máy khắc đá.
   
Khói bụi từ điêu khắc đá
    
   
Mối đe dọa tiềm ẩn
   
  Thôn Long Châu Miếu có 356 hộ với gần 1.500 nhân khẩu. Hiện toàn thôn có 25 hộ làm nghề đá. Do sự phát triển của nghề khắc đá, người dân các làng lân cận cũng đến đây học nghề và lập nghiệp. Làng nghề phát triển đã tạo nhiều công ăn việc làm cho gần 100 lao động địa phương và thu hút khoảng 200 thợ từ Thanh Hóa, Ninh Bình... đến làm việc. Mỗi cơ sở sản xuất đá ở đây thường xuyên tạo việc làm cho từ 10 đến 20 lao động. Mức thu nhập cũng từ 5 triệu đồng/ tháng trở lên.
   
  Chính vì sự phát triển của ngành điêu khắc đá mà môi trường xã Phụng Châu đang bị đe dọa, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe các hộ gia đình làm nghề truyền thống cũng như người dân nơi đây. Những tiếng mài đá chát tai hàng ngày cũng như nước bẩn chảy ra từ các cơ sở điêu khắc đá đang là vấn đề nan giải về môi trường, môi sinh của địa phương. Đặc biệt, trong quá trình tạo ra các sản phẩm điêu khắc thải ra môi trường rất nhiều bụi đá. Theo các nghiên cứu khoa học, bụi đất đá không gây ra các phản ứng phụ, tuy nhiên với lượng lớn bụi đi vào phổi có thể dẫn đến các bệnh về hô hấp như khó thở, ho và khạc đờm, ho ra máu, đau ngực. Người bị bệnh nặng sẽ khiến cơ thể sút cân, ăn ngủ kém, cơ thể suy sụp nhanh.
   
  Ghi nhận tại trạm y tế Phụng Châu cho thấy, đã có nhiều trường hợp bệnh nhân do hít phải bụi khói ô nhiễm từ việc sản xuất đá đã mắc một số bệnh về hô hấp ở cấp độ nhẹ, đặc biệt là ở trẻ em sinh sống xung quanh các cơ sở sản xuất. Mặc dù hiện tại xã Phụng Châu chưa xuất hiện những trường hợp bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe do tác động của khí thải nhưng với tình trạng điêu khắc đá ngày càng phát triển như hiện nay, nghề truyền thống của làng Long Châu Miếu đang ẩn chứa nhiều hiểm họa cho tương lai nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời.
   
Giải pháp cho môi sinh
   
  Cùng với những thuận lợi vốn có, để phát triển nghề điêu khắc đá tại thôn Long Châu Miếu, xã Phụng Châu còn rất nhiều khó khăn khi đối mặt với vấn đề môi sinh. Đầu tiên là khó khăn về mặt bằng sản xuất bởi nhiều hộ phải thuê mặt bằng sản xuất mà trong xã, các hộ sản xuất cách xa nhau, không tập trung thành một khu vực riêng biệt cách xa khu dân cư. Đặc biệt, người lao động cũng nhận ra được tác hại đến sức khỏe của ngành nghề này nên số lượng công nhân điêu khắc đá cũng đang giảm dần.
   
  Vướng mắc lớn trong giải quyết vấn đề môi trường tại làng nghề điêu khắc đá Long Châu Miếu nói riêng và nhiều làng nghề hiện nay đó chính là việc thiếu kinh phí cho việc di dời và lập quy hoạch làng nghề ra khỏi khu dân cư cũng như tâm lý không muốn di chuyển địa điểm kinh doanh của người dân.
   
  Để làng nghề phát triển bền vững, giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường xung quanh, công tác dồn điền, đổi thửa tại xã Phụng Châu đã được phê duyệt 4ha tại khu Cấp Tứ - đồng Dầm nhằm mục đích quy hoạch, tập trung làng nghề. Tuy nhiên, đây không phải là diện tích lớn, bởi mỗi hộ làm nghề đá đều cần khoảng 5000m2 để sản xuất và trưng bày sản phẩm.
   
  Hiện tại, chính quyền xã Phụng Châu đang triển khai xây dựng những kế hoạch cụ thể như tiếp tục quy hoạch làng nghề ra khỏi khu dân cư, đẩy mạnh công tác vận động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của nhân dân trong làng nghề cũng như khuyến khích các hộ dân tiên phong di chuyển cơ sở sản xuất đá vào khu quy hoạch riêng. Đồng thời, đảm bảo hệ thống đường giao thông trong làng nghề, kiên quyết xóa bỏ tình trạng nước thải chảy ra đường giao thông và vận động các cơ sở sản xuất đá trang bị đồ bảo hộ hợp chuẩn cho công nhân làm nghề đá.
   
  Đảm bảo môi trường, môi sinh là cơ sở để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế làng nghề. Hy vọng rằng với sự mạnh dạn, năng động trong sản xuất, kinh doanh, với truyền thống làng nghề và sự quan tâm của các cấp, các ngành, nghề điêu khắc đá tại thôn Long Châu Miếu, xã Phụng Châu sẽ phát triển bền vững, duy trì sự cân bằng giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
   
  Bài và ảnh: Tuyết Mai
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điêu khắc đá Long Châu Miếu (Chương Mỹ - Hà Nội): Mừng vì kinh tế… lo cho môi trường!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO