Điện tái tạo đang “tăng tốc”

05/03/2019 14:58

(TN&MT) - Với cơ chế khuyến khích hấp dẫn của Chính phủ và xu hướng đầu tư áp dụng tiến bộ công nghệ điện mặt trời, điện gió tại Việt Nam, ngành năng lượng dự kiến sẽ hoàn thành vượt mục tiêu đạt 20% công suất hệ thống năng lượng tái tạo (không kể thủy điện) đến năm 2030.

T8
Ngành năng lượng sẽ hoàn thành vượt mục tiêu đạt 20% công suất hệ thống năng lượng tái tạo đến năm 2030. Ảnh: MH

Công suất hệ thống điện  đứng thứ 2 Đông Nam Á

Tới thời điểm này, hệ thống năng lượng của Việt Nam cơ bản đáp ứng được nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế xã hội và phục vụ người dân. Tại Hội thảo về công nghệ năng lượng sạch vừa diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, tốc độ tăng trưởng phụ tải điện của Việt Nam trong 20 năm qua luôn tăng trưởng ở mức cao, trên dưới 10%/năm. Tới cuối năm 2018, hệ thống điện của Việt Nam đã xếp thứ 2 trong các nước Đông Nam Á và xếp thứ 23 trên thế giới về công suất hệ thống (hệ thống điện của chúng ta đã đạt gần 50.000 MW).

Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia là động lực phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, hạn chế các tác động tiêu cực đến tài nguyên môi trường, việc ban hành các cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió, mặt trời, sinh khối, điện từ rác thải... là một trong những hướng đi nằm trong chiến lược phát triển ngành năng lượng. Ông Vượng cho biết, tính đến cuối năm 2018, công suất các nhà máy điện mặt trời, điện gió sẽ vào vận hành cuối năm 2019 dự kiến khoảng 1.000MW điện mặt trời và 1.500MW điện gió (con số này đã vượt mức mục tiêu mà Việt Nam đã đặt ra theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh).

Bên cạnh đó, nhờ có biểu giá điện hỗ trợ hấp dẫn, nhiều nhà đầu tư đang tiếp tục đề xuất, đăng ký đầu tư vào các dự án điện gió, điện mặt trời. Hiện nay, Bộ Công Thương đã nhận được gần 30.000 MW công suất các dự án điện mặt trời, và trên 10.000 MW điện gió do các nhà đầu tư đề xuất. Đây là cơ sở quan trọng để ngành năng lượng tự tin sẽ hoàn thành vượt mức mục tiêu đạt 20% công suất hệ thống năng lượng tái tạo, ông Vượng khẳng định.

Một vấn đề đang được đặt ra hiện nay là từ 1/1/2019, Luật Quy hoạch mới của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực.  Bộ Công Thương đang đợi văn bản hướng dẫn của Chính phủ, hy vọng trong quý 1/2019, sẽ có Nghị định hướng dẫn của Chính phủ để các nhà đầu tư sẽ được tiếp tục triển khai. Từ đó, số lượng các dự án điện gió vào năm 2020 và 2021 sẽ nhiều hơn nữa, nhiều khả năng vượt mốc 20% trong năm 2030 mà Chính phủ đặt ra.

Tìm phương án giảm chi phí điện cho người dân

Hiện nay, giá thành sản xuất điện từ năng lượng tái tạo trên thế giới đã ở mức tương đương, thậm chí, thấp hơn nhiệt điện than. Nhưng tại Việt Nam, việc giảm giá thành điện khi đến tay người tiêu dùng vẫn là bài toán khó.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã chỉ ra những mặt hạn chế nhất định của điện NLTT như: Tính không ổn định do hoàn toàn phụ thuộc vào nắng gió, khả năng giải tỏa công suất chưa cao, tiềm năng  nắng gió có khả năng khai thác kinh tế chỉ tập trung ở một số địa điểm làm ảnh hưởng tới độ tin cậy ổn định vận hành hệ thống điện và làm tăng chi phí của hệ thống. Việc phải đầu tư thêm hệ thống truyền tải, hệ số sử dụng không cao… đã làm tăng giá điện tới người tiêu dùng cuối cùng.

Để giải quyết các vấn đề trên, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước nghiên cứu nâng cao khả năng giải tỏa công suất, nâng cao độ tin cậy vận hành hệ thống điện khi tỷ trọng điện gió, điện mặt trời tăng cao, các cơ chế chính sách phát triển hiệu quả năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Đồng thời, xem xét tới khả năng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo để tăng tỷ lệ nội địa hóa thiết bị, giảm giá thành. Phát triển năng lượng tái tạo theo cơ chế thị trường công khai, minh bạch, hiệu quả trên cơ sở nghiên cứu, chuyển đổi từ cơ chế khuyến khích theo giá FIT sang cơ chế đấu giá các dự án.

Theo ông Daisuke Okabe, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, khi tỷ trọng điện gió, điện mặt trời nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung ngày càng gia tăng, cần nghiên cứu nâng cao khả năng giải tỏa công suất và độ tin cậy vận hành hệ thống điện song song với các cơ chế chính sách phát triển hiệu quả năng lượng sạch.

Hiện nay, trọng tâm tiêu thụ năng lượng đang được dịch sang khu vực châu Á, trong đó, có các quốc gia Đông Nam Á. Vào năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành nước chủ tịch ASEAN và vì vậy, đây là cơ hội để Việt Nam phát huy khả năng lãnh đạo trong việc chuyển đổi các nguồn năng lượng dựa vào các công nghệ các bon thấp, đồng thời, thúc đẩy quan hệ hợp tác trong khối tư nhân, ông Daisuke Okabe nhấn mạnh.

Mặc dù có chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, song theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, do nhu cầu sử dụng năng lượng (điện) tăng cao, mỗi năm khoảng 10%. Việc cần phải có cơ cấu các nguồn điện hợp lý vì thế cần thiết, gồm các nguồn thủy điện, năng lượng tái tạo, nhiệt điện than, nhiệt điện dầu. Thời gian tới, chủ trương Chính phủ là khai thác nguồn năng lượng sơ cấp, năng lượng tái tạo, cụ thể là điện gió và điện mặt trời. Song vẫn phải phát triển ở mức độ hợp lý các loại năng lượng truyền thống, đảm bảo cung ứng đủ điện cho đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện tái tạo đang “tăng tốc”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO