Điện cúp, lũ về - miền Trung điêu đứng sau bão Nari

16/10/2013 00:00

(TN&MT) - Nỗi đau cứ chồng nỗi đau… người miền Trung dù có kiên cường đến đâu đi nữa thì “sức người cũng có hạn”.

   
(TN&MT) - Nỗi đau cứ chồng nỗi đau… người miền Trung có kiên cường đến đâu đi nữa thì “sức người cũng có hạn”. Lúc này, hai tiếng “đồng bào” mới thật thiêng liêng. Hơn lúc nào hết, miền Trung cần bạn và cần chúng ta để vượt qua cơn cuồng phong mang tên “Nari” phẫn nộ vừa càn qua.
   
  Những ngày này, người dân miền Trung đang gồng mình lên để chống bão. Cơn bão số 11 có tên quốc tế là Nari đã ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Trung. Chịu thiệt hại nặng nề nhất trong cơn bão số 11 là các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế. Đặc biệt, tại TP. Đà Nẵng, nơi tâm bão đi qua, liên tục trong nhiều giờ đồng hồ, gió bão quần thảo đã tàn phá nặng nề nhà cửa, cơ quan công sở và tài sản của người dân. Bão đã đi qua, mưa cũng đã ngớt, nhưng mất mát, nỗi đau vẫn còn đó. Một lần nữa miền Trung lại phải oằn mình...
   
   
  Dù biết sức gió sẽ giật ghê gớm nhưng đây có lẽ là cơn bão quần xéo với thời gian dài nhất trong nhiều năm qua tại miền Trung. Và đáng sợ hơn nữa là nó đổ bộ trong đêm tối nên gần như người dân rất khó phản ứng sau một ngày mệt nhoài với công tác sơ tán và chằng chống… Trên các đường phố Đà Nẵng, một khung cảnh tan hoang. Các công trình ven biển xác xơ, cây xanh được trồng mới từ 7 năm trước ngã đổ la liệt trên các trục đường, mái tôn nằm ngổn ngang trong các khu dân cư, trong đó Liên Chiểu và Ngũ Hành Sơn là 2 địa bàn bị thiệt hại nặng nhất.
   
  Từ sáng sớm, vợ chồng anh Vinh - chị Yến (tổ 170, P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) tất bật nhặt từng miếng tôn dùng để che tạm cơn mưa đang đổ xuống khi gió bão vẫn còn quay cuồng. Ngôi nhà cấp 4 mới xây, đóng tôn chắc chắn, nhưng chỉ sau mấy tiếng đồng hồ, giờ đã tan tành. “11 giờ gió mạnh, cây cối bật gốc. Tới 4 giờ sáng, cả mái nhà bị thổi bay ra đường. Chiếc giường nhỏ cho cả nhà nằm cũng bị thổi bay ra vỉa hè. Vật dụng gia đình coi như hỏng hết rồi. Mới thoát nghèo, giờ lại trắng tay” - anh Vinh nghẹn ngào.
   
  Bà Lê Thị Tám (tổ 170) kể nhà bà chắc chắn, lại được chằn bao cát, cột dây, nhưng chỉ trụ đến 5 giờ sáng khi bão càn qua thì bị lột toàn bộ. Mái tôn cùng toàn bộ xà gồ nhà ông Ngân bị thổi bay găm thẳng vào căn nhà 2 tầng của nhà láng giềng. Vợ chồng già Nguyễn Văn Minh cũng đã chằng chống nhà cửa rất chắc, đè lên nóc hai chục bao cát, nhưng cả mái nhà lẫn bao cát đều bay biến. “3 đứa con, 1 đứa cháu cùng vợ chồng già, làm chưa đủ ăn, lấy đâu ra tiền để khắc phục” - vợ ông Minh ngậm ngùi. Tại khu tái định cư Làng Vân (Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu), 4 ngôi nhà của các hộ dân bị gió tạt nứt toác tường, bay mái.
   
   
  Quận Liên Chiểu là một trong những điểm bị bão Nari oanh tạc dữ dội nhất. Theo thống kê nhanh từ UBND quận, có hơn 500 nhà dân tốc mái, 36 nhà cấp 4 bị sập một phần, 18 nhà sập hoàn toàn, 1 số trụ điện bị ngã, số cây xanh đổ khó đếm xuể, 1 tàu cá neo đậu tránh bão tại đảo Lý Sơn bị sóng đánh vỡ. Một số trường học, nhà làm việc UBND các phường thiệt hại nhẹ.
   
  Ở các phường ven biển đường Hoàng Sa như Thọ Quang, Mân Thái, An Hải Bắc (quận Sơn Trà) bị thiệt hại lớn nhất. Thẫn thờ bên chiếc ghe bị sóng đánh nát vốn là nguồn nuôi sống cả gia đình 5 miệng ăn, ông Nguyễn Hai (tổ 21, phường Mân Thái), nói: “Hay tin bão lớn, từ sáng 14/10, mấy cha con tôi đã kéo ghe lên bờ, neo cột rất chặt. Bão tan, chạy ra tìm mãi, mới thấy chiếc ghe bị bão ném ra xa cách đó gần cả cây số”. Quận Sơn Trà hiện đang thống kê tình hình thiệt hại.
   
  Theo báo cáo của quận Ngũ Hành Sơn, bão số 11 đã gây tốc mái và sập một phần 1.020 ngôi nhà, sập hoàn toàn 42 ngôi nhà, có 3 người bị thương nhẹ, một số trường học bị tốc mái. Bão cũng gây thiệt hại hàng chục hecta rau màu vụ Đông, nuôi trồng thủy sản. Theo ước tính ban đầu đã có trên 60 tấn tôm, cá bị mất trắng…
   
   
  Tại quận Hải Châu, theo thống kê sơ bộ ban đầu, đã có khoảng 437 ngôi nhà bị tốc mái một phần, 53 ngôi nhà bị tốc mái hoàn toàn, có 6 nhà sập, nhiều cây xanh gãy đổ gây tắc nghẽn giao thông. Nhiều trường học, trạm y tế bị tốc mái, hư hỏng nặng; các tường rào bị đổ rạp, các tấm kính bị vỡ nát…
   
  Theo thống kê sơ bộ tại quận Cẩm Lệ, có 17 nhà bị sập một phần, 17 nhà sập hoàn toàn, 109 nhà bị tốc mái một phần, 62 nhà bị tốc mái hoàn toàn; không có người tử vong. Các trường học, một số cơ quan, công sở bị tốc mái, hư hỏng…
   
  Tại huyện Hòa Vang có 4 người bị thương tại các xã Hòa Liên, Hòa Nhơn, Hòa Châu và Hòa Phong. Nhiều công trình trường học, trạm y tế bị tốc mái, vỡ kính, sập la phông. Có 11 thôn bị ngập lụt, nhiều thôn ở xã Hòa Bắc đến cuối ngày 15/10 vẫn còn bị chia cắt về giao thông. Trao đổi với ông Nguyễn Thu- Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho biết, có 1 người bị thương, 7/10 thôn bị ngập nước với trên 700 hộ dân ở các thôn Quan Nam 2, 3 và 5, Trung Sơn, Trường Định bị ngập sâu trong nước trên 1 mét. Đến 17 giờ ngày 15/10, nước đã rút, người dân đã trở về nhà sinh hoạt bình thường. Cầu số 2- Khu TĐC Hòa Liên 4 (giai đoạn 2) tạm thời lưu thông, đảm bảo nhu cầu đi lại nhân dân trong khu vực.
   
   
  Điều đặc biệt là, mặc dù bị cơn bão tàn phá, nhưng do công tác chuẩn bị ứng phó kịp thời nên tại TP. Đà Nẵng tính đến thời điểm này chưa phát hiện trường hợp nào chết vì bão.
   
  Tại cuộc họp khẩn tổ chức vào sáng ngày 15/10, ông Cao Đức Phát- Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Trưởng Ban chỉ đạo PCLB TƯ chỉ đạo Đà nẵng phải chủ động phương án khắc phục trong và sau bão số 11. Chiều ngày 15/10, ông Trần Thọ - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng đi kiểm tra công tác đánh giá tình hình thiệt hại và khắc phục bão số 11 tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Qua kiểm tra, Bí thư Thành ủy chỉ đạo: “Phải tổ chức phân công ngay cán bộ phụ trách từng địa phương. Phải bảo đảm không để người dân không có chỗ ở, không để đói do thiếu ăn. Thành phố cũng sẽ có hỗ trợ đối với hộ dân bị thiệt hại nặng về nhà ở…”. Hiện sáng ngày 16/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng có mặt tại TP. Đà Nẵng chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do bão số 11 gây ra.
   
   
  Tại Quảng Nam, tháp truyền thanh huyện ở xã Đại Quang cao 40m bị gãy ngang, ước tính thiệt hại gần 1,5 tỷ đồng. Ở phố cổ Hội An, hàng ngàn cây cối đổ gãy, nhà cửa tan hoang. Hàng chục khách sạn, nhà hàng đã phải ngừng hoạt động, sơ tán du khách. Tuyến đường Cửa Đại bị bão tàn phá, sóng đánh cao hơn chục mét, tàn phá bờ kè và cày xới nhiều đoạn đường gây ách tắc. Hiện TP. Hội An có 5 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 5 cửa hàng buôn bán và 13 trại nuôi tôm, gần 1.300 nhà bị tốc mái, cùng 58 phòng học.
   
  Tại huyện Hiệp Đức, hơn 54 ha cao su của người dân bị bão làm đỗ gãy... Đi dọc các xã ven biển Núi Thành, Tam Kỳ, Thăng Bình của tỉnh Quảng Nam, đập vào mắt là cảnh tượng hoang tàn, xơ xác vì bão Nari vừa quét qua. Con đường, ngõ ngách, lối đi bị những thân cây gãy đổ phong tỏa hoàn toàn. Có mặt tại con đường bê tông là xương sống nối với quốc lộ 1A chạy dài về vùng trũng thôn Phú Tân (Quảng Nam) nằm dọc sông Bàn Thạch, cây cối gãy đổ nằm chồng chéo qua lại như xương cá. Sau một đêm, sáng ra người dân rùng mình với cảnh tượng trước mắt. Có đoạn, người dân phải chui dưới thân cây gỗ to lớn mới đi tiếp được. Bà Lan ở xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành (Quảng Nam) kinh hoàng kể lại: “Bắt đầu từ tối qua, gió thổi mạnh. Cây cối bị gió quật mạnh quét qua quét lại trên mái nhà nghe rùng mình. Cả nhà nằm ngủ mà sợ cây ngã đè chết giữa đêm khuya. Gió kèm mưa rất lớn quần quật đến sáng làm người dân không dám bước ra khỏi nhà”. Khi chúng tôi có mặt tại cuối làng Phú Tân của xã Tam Xuân 1, nước dâng lên bao vây tứ phía, nước sông Bàn Thạch chảy xiết cũng đe dọa sẽ ngập đến cả giường ngủ của người dân. Trong đó, một số ngôi nhà trên các gò đất cao cũng bị nước vây, cô lập từ đêm khuya. Bà Hường lo lắng: “Mưa lớn kéo dài đến đêm nay thì nước sông Bàn Thạch sẽ dâng cao vào ngập nhà ngay. Một số người đã dọn đồ đạc và đưa trẻ đi gửi ở nhà các nhà ở vùng cao hơn. Những ngày tới, hy vọng nước rút để mọi người được đoàn tụ”.
   
  Theo thống kê sơ bộ thiệt hại do bão số 11 của Ban PCBL&TKCN tỉnh Quảng Nam, có 3 người chết, 2 người bị mất tích, 28 người bị thương, 181 ngôi nhà bị đổ sụp, hàng ngàn ngôi nhà dân cùng nhiều cơ quan, công sở, trường học bị tốc mái, nhiều tàu cá bị đánh chìm và hư hỏng.
   
  Tại Thừa Thiên - Huế, 1 người dân bị mất tích do bị lũ ở xã Quảng An (huyện Quảng Điền) và 11 người bị thương trong khi chằng chống nhà cửa. Hiện thi thể 2 em Nguyễn Hoài Nam và Nguyễn Văn Bảo (huyện Phú Lộc) rủ nhau đi câu cá và bị sóng lớn cuốn trôi vẫn chưa tìm thấy. Như vậy, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 3 người mất tích và 11 người bị thương. Bên cạnh đó, trên toàn tỉnh có 17 nhà bị sập và 669 nhà bị tốc mái, 1.686 nhà bị ngập, 190 ha cao su bị gãy đổ. Do ảnh hưởng của hoàn lưu gió bão số 11, gây triều cường nên sóng đã đánh vào nhiều đoạn đê biển ở xã Hải Dương (thị xã Hương Trà), lực lượng Bộ đội biên phòng và dân quân tự vệ đã kịp thời dùng rọ sắt và hàng trăm bao cát để lấp hai cửa biển mới…
   
  Theo thông tin mới nhất, sáng nay 16/10, một cơn lốc lớn đã quét qua hai thôn Hà Sơn và Xóm Dài thuộc xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) làm hai người chết, hàng chục người bị thương, hơn 300 ngôi nhà bị sập và tốc mái.
   
  Bão số 11 đã qua, nhưng triều cường kết hợp với thủy điện xả lũ khiến mực nước các sông ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và TP. Đà Nẵng đang lên nhanh, gây ngập lụt khu vực hạ du. Hiện nay, các địa phương miền Trung vừa tập trung khắc  phục hậu quả của bão số 11 vừa đối phó với nguy cơ lũ lớn.
   
  Do ảnh hưởng của cơn bão số 11 khiến cho hệ thống truyền tải điện 500 KV Bắc - Nam gặp sự cố dẫn đến việc ngưng cung cấp điện ở nhiều địa phương từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi. Riêng tại Quảng Nam có hơn 130 trụ điện bị ngã gãy đỗ, nhiều trạm biến áp hư hỏng. Ông Trần Minh Châu- Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam cho biết đã huy động tất cả lực lượng khắc phục lưới, sớm cấp điện cho dân.
   
  Bão vừa qua đi, hàng nghìn người dân hạ du của 2 con sông Vu Gia - Thu Bồn (tỉnh Quảng Nam), sông Bồ (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đang đối diện với nguy cơ ngập lụt vì thủy điện xả nước. Trong khi người dân chưa chưa khắc phục xong hậu quả của bão số 11 gây ra, thì họ lại lo đối phó với ngập úng do các thủy điện đầu nguồn tấp cập xã lũ. Hiện mực nước trên các sông ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam lên nhanh gây ngập lụt ở vùng trũng. Chính quyền các địa phương này vừa tập trung khắc phục hậu quả cảu bão số 11 vừa đối phó với lũ. Người dân vùng thấp trũng các lo di chuyển đồ đạc tài sản, kê gác lên cao, đề phòng lũ lớn về trong đêm. 
   
  Tại khu vực các xã Đại Hưng, Đại Lãnh, Đại Hồng, Đại Cường của huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, nước bắt đầu lên nhanh. Tại các huyện miền núi của tỉnh này có mưa lớn nên các thủy điện Đắk Mi 4, A Vương đã tăng cường xả lũ với lưu lượng trên 1000 mét khối/ giây, khiến nước ở Vu Gia đang dâng nhanh. Hiện, chính quyền các địa phương vùng hạ du như Đại Lộc, Điện Bàn, và TP. Hội An sẽ di dời khẩn cấp hàng trăm hộ dân ở vùng ngập trũng.
   
  Ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An (Quảng Nam) cho biết: “Lần nào thủy điện xả lũ, Hội An cũng bị ngập. Nếu thủy điện xả nữa thì chắc chắn Hội An lũ rất cao. Do đó, cùng với việc khắc phục hậu quả bão số 11, chúng tôi còn tập trung ứng phó với cơn lũ này, đảm bảo an toàn tính mạng cho bà con hạn chế thấp nhất thiệt hại”.
   
        
Theo thông tin, đến thời điểm sáng 16/10, bão số 11 làm 5 người chết (Quảng Nam 3 người, Quảng Bình 2 người); 5 người mất tích (Huế 3 người, Quảng Nam 2 người); gần 70 người bị thương, do sập nhà, cây đổ ở Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Nghệ An. Hơn 40 tàu bị đánh chìm (chủ yếu Quảng Nam), 35 tàu bị hư hỏng (Quảng Nam, Quảng Ngãi). Bão cũng làm trên 210 nhà bị sập, hơn 16.000 nhà bị tốc mái, ngập trên 2.250 nhà; gần 200 cột điện, hơn 660 ha lúa, hoa màu, trên 5.000 ha cây công nghiệp bị đổ gãy…
        
    
   
  Bài & ảnh: Xuân Lam – Thanh Hải
   
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện cúp, lũ về - miền Trung điêu đứng sau bão Nari
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO