Diễn Châu (Nghệ An): Ô nhiễm nghiêm trọng tại bãi rác Diễn Ngọc

Đình Tiệp - Thảo Chi| 13/11/2021 13:09

(TN&MT) - Từ nhiều năm nay tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại bãi rác xã Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu) đang ngày đêm “hành hạ” người dân sống xung quanh. Tình trạng ô nhiễm kéo dài đã nhiều năm nhưng hiện nay vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để.

Theo phản ánh của người dân xóm Ngọc Tân (xã Diễn Ngọc) và người dân thôn 7 Cầu Bùng (xã Diễn Kỷ) cũng như một số hộ dân xã Diễn Vạn thì đã từ nhiều năm nay tại khu vực sát đê, gần với nghĩa địa xã Diễn Ngọc xuất hiện một bãi rác. Lượng rác được tập kết từ đó đến nay ngày càng nhiều nhưng không được vận chuyển hết đi nơi khác đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại khu vực này.

Rác thải đổ tràn lan

Theo phản ánh của người dân, chúng tôi đi về xóm Ngọc Tân, xã Diễn Ngọc để tìm hiểu thực tế. Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi men theo triền đê được khoảng 100m đã nhìn thấy khói bốc lên um tùm từ bãi rác. Phía xa xa, một bãi rác khổng lồ hiện lên trước mắt. Một mùi hôi thối bốc lên nồng nặc khiến cho chúng tôi không thể chịu nổi.

Theo quan sát của PV, bãi rác này nằm sát với nghĩa địa của xã Diễn Ngọc, diện tích rộng lớn lên đến hàng nghìn m2. Được biết, đây là bãi rác đã hình thành từ nhiều năm trước và thu nạp một lượng lớn rác thải hàng ngày nên diện tích ngày càng mở rộng. Đầy đủ các loại rác thải từ túi ni lông đến các loại bao bì, chai lọ thủy tinh, dầu mỡ thải cũng như xác xúc vật chết. Ngoài ra, còn có cả găng tay y tế, các chai, lọ thuốc thuộc rác thải y tế cũng được đổ lẫn với rác thải sinh hoạt.

Rác thải đổ tràn xuống cả sông Bùng

Anh Bùi Xuân Lương – Cán bộ kỹ thuật thi công một dự án ở sát bãi rác này, phản ánh: Bãi rác này tồn tại đã 9 đến 10 năm nay ô nhiễm lắm. Ngoài việc gây mùi hôi thối thì rác thải, nước rỉ rác còn tràn xuống sông Bùng gây ô nhiễm nguồn nước. Khi thi công dự án tại đây chúng tôi cũng đã tiến hành xúc rác đi đổ đến hàng trăm tấn nhưng làm không xuể vì cứ xử lý xong người dân lại mang rác ra đổ lung tung.

Gây ô nhiễm nguồn nước

Khi PV có mặt tại bãi rác cũng là lúc có 3 công nhân Công ty môi trường đang thu gom rác thải lên xe chở rác chuyên dụng. Theo phản ánh của các nhân viên này thì lượng rác thải người dân đổ rất nhiều, đổ tràn lan ra cả ngoài đường, gây khó khăn lớn cho công tác thu gom của đơn vị. Với tần suất 3 ngày thu gom một lần nên lượng rác thải đổ tràn lan là rất lớn, người dân thiếu ý thức cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm tại bãi rác nói trên. Chúng tôi đang kiến nghị với chính quyền là sẽ cho dọn sạch sẽ một lần xong rào thép gai và cử người trông chừng, quản lý không cho đổ rác lung tung thì may ra mới giải quyết được tình hình.

Bò cũng đến bãi rác để ăn

Theo tìm hiểu của PV, vào năm 2011, UBND xã Diễn Ngọc đã chọn mảnh đất người dân làm muối trước đây để làm bãi rác của xã với diện tích hơn 3200m2. Tuy nhiên, bãi rác này chỉ nằm cách chân kè sông Bùng vài bước chân, xung quanh được xây tường bao kiên cố, và có độ sâu khoảng vài mét so với mặt đường. Đến nay, sau nhiều năm bãi rác đưa vào sử dụng đã trở nên quá tải, rác được đổ chất cao hơn cả mặt đường đê, ngổn ngang đủ thứ và không thể tiếp nhận thêm rác.

Các công nhân đang thu gom rác thải lên xe chở rác chuyên dụng

Hiện nay, tình trạng rác thải đang được tập kết bừa bãi trên tuyến đường đê ven biển của xã Diễn Ngọc, không những vậy những xe ô tô chở rác còn đổ cả rác xuống bờ sông Bùng. Kéo theo đó, mùi hôi thối, ruồi nhặng… bao phủ cả một khu dân cư sống xung quanh. Theo quan sát của PV, do bãi rác đã đầy nên lấn ra cả đường đê khiến cho người dân tham gia giao thông trên tuyến đường đê này vừa chịu cảnh ô nhiễm lại bị cản trở lối đi, gây nguy cơ tai nạn giao thông cao.

Lượng rác thải tồn đọng rất lớn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Được biết, trước thực trạng trên, cuối năm 2016 UBND xã Diễn Ngọc đã ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Nghệ An, theo đó công ty này sẽ tiến hành lấy rác tại bãi rác này chở vào Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên ở xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, với tần suất ba ngày một chuyến. Khu vực bãi rác cũ hiện nay trở thành nơi tập kết rác từ trong dân đổ ra. Tuy nhiên, do lượng rác cũ tồn đọng từ nhiều năm nay cộng thêm lượng rác thải mới phát sinh ngày càng nhiều nên tần suất 3 ngày/chuyến không thể đáp ứng đủ nhu cầu.

Trao đổi với PV, ông Lê Mạnh Hiên – Phó chủ tịch UBND huyện Diễn Châu, cho biết: “Huyện Diễn Châu đất chật, người đông nên lượng rác thải là rất lớn, khoảng 90 tấn/ngày. Hiện, toàn huyện có 33/37 xã ký hợp đồng vận chuyển rác vào bãi rác Nghi Yên để xử lý, còn lại 4 xã gồm Diễn Thái, Diễn Quảng, Diễn Bích và Diễn Nguyên tự thu gom, xử lý trên địa bàn. Hiện, nhức nhối nhất vẫn là tình trạng ô nhiễm môi trường của bãi rác xã Diễn Ngọc nhưng do tiềm lực tài chính của địa phương không có nên chưa có cách xử lý dứt điểm. Theo đánh giá thì hiện nay lượng rác thải cũ tồn đọng dưới đất tại bãi rác Diễn Ngọc khoảng trên 3.000 tấn chưa thể “moi” lên để xử lý được cũng tăng thêm phần ô nhiễm tại khu vực này.

Anh Bùi Xuân Lương, cán bộ thi công một dự án sát bãi rác: “Bãi rác ô nhiễm lắm, tồn tại đã 9 đến 10 năm nay rồi…”

Một bãi rác đã quá tải nằm gần con sông chính là sông Bùng, lại gần với nhiều xóm của các xã Diễn Vạn, Diễn Ngọc và Diễn Kỳ cũng như QL1A đã gây nên rất nhiều trở ngại, ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như sinh hoạt của người dân. Ngoài ra còn có nguy cơ lây lan bệnh tật trong khu dân cư và gây ô nhiễm nguồn nước sông Bùng. Đề nghị các cơ quan có trách nhiệm cần phải nhanh chóng tìm giải pháp giải quyết, trả lại môi trường trong sạch cho người dân nơi đây.

Bà Trương Thị Thu Hằng – Chuyên viên phòng TN&MT huyện Diễn Châu, cho hay: Hiện nay, huyện Diễn Châu quy hoạch địa điểm để xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại xã Diễn Đoài nhưng đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào đủ tiềm lực tài chính, công nghệ để vào đầu tư xây dựng nhà máy. Vì thế, vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt tại huyện Diễn Châu vẫn là bài toán rất khó khăn.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Diễn Châu (Nghệ An): Ô nhiễm nghiêm trọng tại bãi rác Diễn Ngọc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO