Điện Biên: Vùng đồng bào DTTS sử dụng tài nguyên đất hiệu quả

Bài và ảnh: Hoàng Châu | 10/07/2021, 11:05

(TN&MT) - Nếu trước đây, đồng bào các dân tộc huyện Mường Ảng (Điện Biên) chỉ có lối canh tác phá rừng làm nương, tra ngô, trỉa hạt theo thói quen canh tác hái lượm thô sơ. Thì giờ đây, người dân huyện Mường Ảng đã có trái cây xuất khẩu ra thị trường lớn, tình trạng chặt phá rừng làm nương không còn, tỷ lệ che phủ rừng cao nhất tỉnh Điện Biên đạt 52% năm 2020.

Khai thác lợi thế đất nương thoải

Mường Ảng là một trong những huyện miền núi của tỉnh Điện Biên thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng và đất nương thoải gieo lúa nương kém hiệu quả. Nhiều năm trở lại đây, diện tích cây ăn quả của huyện Mường Ảng tăng nhanh chóng, từ 30 ha cây chanh leo năm 2017, đến nay toàn huyện đã có hơn 400 ha cây ăn quả, chủ yếu là bưởi da xanh và xoài Đài Loan.

Đây là một trong những hướng đi mới, hiệu quả sau mô hình trồng cà phê của huyện, được đồng bào các dân tộc tham gia nhiệt hưởng ứng nhiệt tình. Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Huyện Mường Ảng có 9 xã, 1 thị trấn, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số như Thái, Mông, Khơ Mú... Đời sống đồng bào còn khó khăn do hạn chế về nhận thức, thể hiện rõ trong đời sống lao động sản xuất, hình thức canh tác thô sơ và lạc hậu.

Người dân xã Ảng Tở, huyện Mường Ảng phân loại xoài để bán cho đơn vị liên kết

Thực tế, huyện Mường Ảng có trên 95% người dân sống bằng nghề nông nghiệp và nông thôn. Đây là nguồn sinh kế chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số không phải trước mắt mà rất lâu dài. Xuất phát từ thực tiễn, đặc thù địa phương, chính quyền địa phương đã tiến hành khảo sát, đánh giá, tuyên truyền vận động người dân tham gia chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất nương kém hiệu quả.

Ngày 28/8/2018, UBND huyện Mường Ảng ban hành Quyết định số 2103, phê duyệt thuyết minh và đơn vị chủ trì Dự án “Liên kết sản xuất trong trồng và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn giai đoạn 2018 - 2020. Đây là một trong những mục tiêu dài hơi của huyện nhằm đẩy nhanh các chỉ tiêu kinh tế sản xuất hàng hóa nông sản theo tiêu chuẩn Vietgap.

Huyện đã phối hợp cùng với Công ty CP giống hoa quả Trung ương hướng dẫn bà con quy trình kỹ thuật chăm sóc cây, khảo sát thị trường, thực hiện bao tiêu sản phẩm, được triển khai trồng trên địa bàn 6 xã. Trong đó diện tích xoài Đài Loan trên 35 ha, bưởi da xanh 9,3 ha; đến nay toàn bộ diện tích xoài Đài Loan đang cho thu hoạch. Bên cạnh đó, huyện đã triển khai thêm diện tích trồng mới 350 ha xoài Đài Loan và bưởi da xanh đang cho bói quả, sinh trưởng tốt.

Ngoài những diện tích trong Dự án liên kết của huyện, còn có rất nhiều hộ dân là người dân tộc thiểu số ở trên địa bàn cũng tự học hỏi kinh nghiệm, mở rộng diện tích cây ăn quản trên đất nương thoải, đất lâm nghiệp chưa có rừng, đẩy diện tích cây ăn quả đang cho thu hoạch của toàn huyện lên 120,6 ha xoài Đài Loan và 36,29 ha bưởi da xanh. Hiện, Công ty CP giống hoa quả Trung ương thu mua với giá 10 nghìn đồng/kg xoài loại 1; loại 2 là 7 nghìn đồng/kg; loại 3 là 5 nghìn đồng/kg.

Ông Hiệp cho biết thêm: “Ban đầu, khi chúng tôi vận động bà con còn e ngại, không dám chuyển đổi cây trồng, sợ thất bại. Nhưng sau khi ở xã Ảng Cang có khoảng 7 hộ tiên phong đi đầu, bà con thấy làm được, sau mới làm theo. Đến nay, các hộ dân đã liên kết với nhau, tạo thành vùng nguyên liệu hoa quả sạch trong toàn huyện”.

Niềm vui của người dân xã Ảng Cang khi cà phê nay được mùa

Đất “nghèo” đã cho hoa thơm, quả ngọt

Hiện nay, toàn huyện Mường Ảng có gần 400 ha cây ăn quả và 200 ha cây cà phê cho thu hoạch bền vững. Đây là một trong những thành quả của đồng bào các dân tộc thiểu số khi mạnh dạn nghe và làm theo sự tuyên truyền trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.  

Trong những hộ dân là người dân tộc thiểu số mạnh dạn chuyển đổi cây trồng trên đất nương thoải, hộ ông Tòng Văn Ông, bản Co Nỏng, xã Búng Lao có khoảng 480 gốc xoài Ðài Loan, trồng từ năm 2018, đến nay đã cho thu hoạch vụ đầu tiên. Ông kể: “Đây là năm đầu cây cho thu hoạch nên tôi để thưa quả, vì để nhiều quả sợ cây quá lực nhanh cỗi. Cả vườn thu được khoảng gần 2 tấn, bán ngay cho đơn vị thu mua là Công ty CP giống hóa quả Trung ương liên kết với huyện. Số tiền có được cũng kha khá. Tôi rất vui vì diện tích đất cằn cỗi của gia đình cuối cùng cũng cho hoa thơm, quả ngọt. Ngoài số cây trên, gia đình tôi còn 2.000 gốc xoài chưa cho thu hoạch và nhiều cây cam, bưởi bắt đầu cho quả với tổng diện tích 1,8 ha”.

Người dân xã Búng Lao, huyện Mường Ảng chăm sóc vườn bưởi da xanh

Không riêng gì hộ ông Tòng Văn Ông mà còn nhiều hộ khác ở Búng Lao cũng đang làm như ông. Tại các bản Hồng Sọt, Nà Dên, Nà Láu, Xuân Tre... các hộ dân cũng đang tích cực mở rộng trồng thêm diện tích cây ăn quả. Toàn xã Búng Lao có khoảng hơn 200 ha cây xoài, cam, bưởi. Trong đó xã Búng Lao có khoảng 60 ha cây ăn quả theo cơ chế liên kết sản xuất, tiêu thụ đang cho thu hoạch.Có thể nói, đồng bào các dân tộc thiểu số đã mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, biến sản phẩm nông nghiệp thành sản phẩm hàng hóa chất lượng cao. Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Mường Ảng đã biết cách làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Tưng bừng ngày hội các dân tộc vùng Đông Bắc
(TN&MT) - Tối 2/11, tại TP. Lạng Sơn, Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
  • Lang Chánh (Thanh Hóa): Hiệu quả triển từ mô hình trồng lúa chất lượng cao
    Nhận thức được việc phát triển nông lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương, trong những năm qua, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân thị trấn Lang Chánh (Thanh Hóa) luôn trăn trở để tìm cây trồng phù hợp với địa phương. Năm 2022, thị trấn đã triển khai thí điểm mô hình lúa chất lượng cao tại cánh đồng lúa khu phố Trùng. Cũng nhờ mô hình thí điểm này đã gợi mở ra hướng phát triển kinh tế mới, không những tạo thêm công ăn việc làm, mà còn là cây xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân nơi đây.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO