Điện Biên: Ưu tiên phát triển du lịch, dịch vụ và tái cơ cấu nông nghiệp

13/03/2017 00:00

(TN&MT) - Tiếp tục chương trình làm việc tại Điện Biên, ngày 13/3, đoàn công tác Quốc hội do đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với tỉnh Điện Biên
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với tỉnh Điện Biên

Tại buổi làm việc, sau khi nghe ông Trần Văn Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Điên Biên báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2016; phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2017. Tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến cho tỉnh, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Xuân Cường, khẳng định: Với đặc thù riêng là địa bàn biên giới dài, tiếp giáp với 2 quốc gia, đầu nguồn của một số hệ thống sông lớn; là vị trí rất quan trọng của khu vực Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Cùng với đó, với những đặc điểm về tự nhiên, khí hậu, địa chất địa mạo, cảnh quan, văn hóa, ẩm thực và sản vật địa phương phong phú, đặc sắc…

Vì vậy, Điện Biên cần tập trung có một định hướng chung chính xác, cụ thể là: Nên đặt chủ đích là xây dựng một nền kinh tế du lịch, dịch vụ, nông nghiệp đặc hữu, kết hợp với dịch vụ để phát triển. Đặc biệt, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đóng vai trò sống còn, là nền tảng xanh cho nền kinh tế; nên có một Nghị quyết chuyên đề về duy trì, phát triển thương hiệu cánh đồng Mường Thanh.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn về việc thực hiện xây dựng nông thôn mới, trước những khó khăn về kinh phí thực hiện các tiêu chí về hạ tầng, cần có những chính sách, nguồn lực khác để huy động cho Chương trình; vấn đề sinh kế của người dân tái định cư tại T.X. Mường Lay, cùng với địa phương thì ngành điện có trách nhiệm chính, lâu dài đối với việc đảm bảo đời sống của bà con; cần phát triển một số ngành nghề, ví dụ: mây tre đan hướng tới xuất khẩu.

Về kiến nghị trong việc ổn định người dân di cư tự do, đây là vấn đề rất khó, nhất là việc đưa những hộ di cư vào địa bàn về nơi ở cũ khi người dân đã bán hết đất đai, nhà cửa, tỉnh nên tính phương án báo cáo Chính phủ để tiếp nhận cũng như hỗ trợ tái định cư.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến, cho rằng: Điện Biên còn rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao, tỷ lệ che phủ rừng thấp… cần sự quan tâm lớn hơn nữa từ Trung ương, đồng thời, cấp ủy, chính quyền địa phương cần đề ra những phương hướng khả thi về sinh kế, chính sách cho người dân các dân tộc thiểu số, nâng cao công tác xây dựng Đảng, xây dựng Đề án về xóa bản trắng Đảng viên. Các thành viên Ủy ban của Quốc hội, Đài tiếng nói Việt Nam nêu một số lưu ý về các chính sách xã hội, phát triển văn hóa, thông tin; du lịch, dịch vụ đối với tỉnh; quy hoạch lại TP. Điện Biên Phủ… 

Đối với đề nghị của tỉnh về sửa đổi, nâng mức ưu đãi, hỗ trợ trong chính sách thu hút đầu tư đối với các tỉnh Tây Bắc còn nhiều khó khăn như Điện Biên, đưa tỉnh vào diện địa phương được hưởng chính sách hỗ trợ đặc thù để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Hiện Điện Biên đã được nhận những quy chế ưu đãi cao nhất, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh cần có những nội dung cụ thể trong chính sách thu hút đầu tư để đánh giá đưa vào sửa đổi Luật trong thời gian tới. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ về chính sách hỗ trợ đặc thù cho một số tỉnh đặc biệt khó khăn như Điện Biên và sẽ có phương hướng triển khai trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương những kết quả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã đạt được trong năm 2016, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với 7 xã về hoàn thành; thu ngân sách trên địa bàn lần đầu tiên đạt trên 1.000 tỷ đồng; an ninh chính trị - TTATXH giữ vững, ổn định.

Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý: Điện Biên vẫn là một tỉnh nghèo, xuất phát điểm, tổng sản phẩm thấp so với mặt bằng chung trong khu vực, cần có những đột phá trong định hướng phát triển kinh tế; học hỏi những tỉnh lân cận có cùng điều kiện nhưng tốc độ phát triển nhanh hơn để áp dụng cho địa phương. Điện Biên nghèo về kinh tế, thiếu thốn về cơ sở hạ tầng nhưng không “nghèo” về bản sắc văn hóa, tuy nhiên, cơ sở thiết chế để duy trì những bản sắc này còn hạn chế. Điện Biên cần phát huy tối đa những lợi thế này để khai thác, đầu tư, tu bổ, phát triển du lịch một cách đa dạng, du lịch theo chuỗi.

Điện Biên cần bám sát những chủ trương, Nghị quyết của Trung ương, để rà soát, thống kê những việc đã đạt được và chưa đạt được, xây dựng. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, đặc hữu, phát triển kinh tế gắn với tái cơ cấu, nhất là tái cơ cấu ngành nông nghiệp; kêu gọi, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư; nâng cao liên kết với các tỉnh trong vùng. Xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo; với vị trí quan trọng, tỉnh cần quan tâm đặc biệt đến công tác quốc phòng – an ninh, tránh để bị động; thực hiện tốt công tác phòng chống tội phạm; tuyên truyền hiệu quả những vấn đề về di cư tự do, tôn giáo; thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng… Sau cuộc họp với Tỉnh ủy Điện Biên, các bộ, ngành cần nghiên cứu, phân loại các kiến nghị của tỉnh, tổng hợp để Chính phủ trình Quốc hội. Trên tinh thần vì một tỉnh miền núi xa xôi, khó khăn nhất của cả nước, cần có sự đồng lòng từ Trung ương đến địa phương để Điện Biên phát triển.

Hà Thuận

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Ưu tiên phát triển du lịch, dịch vụ và tái cơ cấu nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO