Điện Biên tăng cường giải pháp, kịch bản chống sạt, lở mùa mưa lũ

Trần Hương (thực hiện)| 16/09/2021 06:10

(TN&MT) - Vào mùa mưa lũ trên địa bàn tỉnh Điện Biên, tình trạng sạt lở đất đá xảy ra thường xuyên, trong đó, tập trung chủ yếu trên các tuyến đường giao thông, bờ sông, bờ suối, các công trình thủy lợi, nhà ở sát chân taluy dương, taluy âm… đe dọa tính mạng và tài sản của người dân.

Để đánh giá về thực trạng và những giải pháp chống sạt lở đất đá mùa mưa lũ trên địa bàn tỉnh Điện Biên. PV Báo TN&MT đã có buổi trao đổi với ông Lò Văn Tiến (ảnh), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên về vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết thực trạng sạt lở đất đá trong mùa mưa lũ trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện nay?

Ông Lò Văn Tiến:

Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, tính từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 80.264m3 đất đá sạt lở xuống đường, 4 cầu bị sạt lở; 300m bờ sông, bờ suối bị sạt trượt; 2.174,4m kênh công trình thủy lợi, 92 nhà, 18 điểm trường,  3 cột điện hạ thế bị sạt lở hư hỏng, nghiêng đổ. Ước thiệt hại khoảng 6 tỷ đồng.

Ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên

Theo điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá ở các vùng miền núi Việt Nam của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ TN&MT và qua theo dõi tình hình thực tế cho thấy: Vùng có nguy cơ sạt lở đất đá rất cao trên địa bàn tỉnh Điện Biên có tổng diện tích khoảng 2.200km2, chiếm 23% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh; tập trung lớn nhất ở huyện Điện Biên (khoảng 550km2), tiếp sau là huyện Điện Biên Đông (khoảng 430km2); huyện Mường Nhé, huyện Nậm Pồ (khoảng 350km2)…

Cùng với đó, vùng có nguy cơ sạt, lở đất đá cao có tổng diện tích khoảng 3.400km2, chiếm 36% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh; tập trung cơ bản ở huyện Mường Nhé và huyện Nậm Pồ (khoảng 690km2); kế đến là các huyện Điện Biên (khoảng 560km2); huyện Mường Chà (khoảng 460km2)… và các huyện thị còn lại.

PV: Trong công tác điều hành, chỉ đạo, cùng với phương châm “4 tại chỗ” và phương án, giải pháp chung trên toàn tỉnh, đối với những nơi có nguy cơ cao về sạt lở, tỉnh đã chỉ đạo và đưa ra những giải pháp ứng phó riêng, cụ thể nào, thưa ông?

Ông Lò Văn Tiến:

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Chỉ thị về việc phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Điện Biên năm 2021; Kế hoạch Phòng chống thiên tai tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025; Phương án ứng phó với thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Cùng với đó, xây dựng củng cố lực lượng xung kích phòng chống thiên tai thực hiện phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Hàng năm, tỉnh xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai, dự kiến các tình huống. Tập trung vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân có thói quen ra sông, suối vớt cá, vớt củi.

Vùng có nguy có sạt lở cao, tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao để phòng ngừa, ứng phó tốt hơn với các loại hình thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh. Rà soát những vùng có nguy cơ sạt lở cao, cảnh báo và bố trí di dân ra vùng an toàn như: xã Pa Thơm, xã Thanh Nưa, (huyện Điện Biên), xã Háng Lìa, Tìa Dình, Chiềng Sơ, (huyện Điện Biên Đông), xã Huổi Só (huyện Tủa Chùa).

Cuối năm 2020, chúng tôi đã di chuyển 22 hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở (tại xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông) và bản Thẩu Đeng, xã Nậm Nèn, huyện Mường Chà; phương án di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở ban đầu là 18 hộ, qua rà soát hiện nay lên đến 40 hộ, dự kiến vào tháng 9, tháng 10/2021 sẽ di chuyển toàn bộ các hộ dân đến nơi ở mới.

Những điểm nguy cơ sạt lở còn lại, UBND tỉnh sẽ tích hợp theo Quyết định 88 của Quốc hội, điều chuyển dần. Tuy nhiên, để di chuyển các hộ dân đến nơi an toàn, điều khó khăn nhất là công tác xác định mặt bằng vì nơi ở cũ người dân có đất để ở, có đất để sản xuất nông nghiệp, có mặt bằng để làm nhà.

PV: Ngoài việc di dời các hộ dân đến nơi an toàn trước khi xảy ra sạt lở, giải pháp bền vững và mang tính dài lâu ở đây là gì, thưa ông?

Ông Lò Văn Tiến:

Thời gian qua, do tác động của biến đổi khí hậu nên tình hình thời tiết trong giai đoạn các năm gần đây trên toàn cầu diễn biến không theo quy luật, tỉnh Điện Biên cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Nguy cơ sạt lở luôn hiện hữu ở Điện Biên.

Để chủ động phòng, chống, ứng phó, kịp thời ngăn ngừa tình trạng sạt lở đất đá và tránh tổn thất người và của nhân dân trên địa bàn tỉnh năm 2021, UBND tỉnh - Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đã chủ động xây dựng kế hoạch với một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như:

Chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, tránh, ứng phó thiên tai. Tổ chức kiểm tra, rà soát, xác định những khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra sạt lở đất gây mất an toàn trên địa bàn. Quy hoạch dân cư và kiên quyết di dời sớm những khu vực dân nằm trong vùng nguy hiểm, nhất là vùng ven sông, suối cạn, độ dốc lớn, các công trình giao thông, công trình đang thi công và san ủi mặt bằng có địa chất không ổn định tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt lở đất.

Trước và trong mùa mưa lũ, chủ động nắm bắt xu hướng thời tiết; duy trì thường xuyên chế độ thường trực 24/24 giờ theo quy định; kịp thời báo cáo tình hình và kết quả triển khai nhiệm vụ về UBND tỉnh và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư, dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng dịch để đáp ứng kịp thời khi thiên tai xảy ra, nhất là các địa phương còn gặp nhiều khó khăn về giao thông, đi lại trong mùa mưa lũ.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên tăng cường giải pháp, kịch bản chống sạt, lở mùa mưa lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO