Điện Biên tác động tích cực từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Hoàng Châu| 22/02/2023 17:12

(TN&MT) - Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã từng bước góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Ðồng thời, đã tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân sống gần rừng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi trong tỉnh.

Thời gian qua, tác động tích cực, rõ nét nhất từ chính sách chi trả DVMTR là đã tạo lập được cơ sở kinh tế bền vững, người dân, tổ chức Nhà nước có nguồn thu từ đó yên tâm bảo vệ và phát triển rừng. Ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên, cho biết: Chính sách chi trả DVMTR bắt đầu được triển khai từ năm 2011, được xem là một trong những chính sách đột phá trong bảo vệ và phát triển rừng bởi chuyển hướng tiếp cận từ chỗ dựa hoàn toàn vào ngân sách sang huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách và xã hội hóa cho việc quản lý và bảo vệ, phát triển rừng bền vững.

a1.-tuan-tra-bvr.jpg
Chính sách chi trả DVMTR đã làm thay đổi nhận thức của người dân về bảo vệ rừng, giúp bà con tăng thêm nguồn thu nhập

Thực hiện chính sách chi trả DVMTR, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã tham mưu tỉnh ban hành các quy định thực hiện chính sách chi trả DVMTR, tạo được sự đồng tình ủng hộ của chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức, đơn vị liên quan và nhân dân. Cùng với đó, Quỹ thường xuyên rà soát, bổ sung quy chế, quy định phù hợp với các quy định của pháp luật và phù hợp với đặc điểm của đơn vị; rà soát, cải cách thủ tục theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản thuận tiện và rút ngắn thời gian giải quyết công việc, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân được phục vụ tốt nhất.

Từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh, việc bảo vệ và phát triển rừng có nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng phá rừng, cháy rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép đã giảm. Cùng với đó, môi trường rừng từng bước được cải thiện, tăng khả năng phòng hộ, điều tiết và duy trì nguồn nước cho các cơ sở sử dụng dịch vụ môi trường rừng.

Đồng thời, hoạt động giao khoán bảo vệ rừng từ nguồn chi trả DVMTR đã góp phần cải thiện sinh kế và đời sống của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Việc cộng đồng tham gia quản lý bảo vệ rừng trở thành một trong những phương thức quản lý rừng hiệu quả. Thực tế cộng đồng các thôn, bản đã quan tâm, chú trọng đến công tác giữ rừng thông qua việc ban hành các quy định, quy ước của từng thôn, bản. Các cộng đồng còn phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng người cũng như mức xử phạt đối với các vi phạm liên quan đến công tác giữ rừng ở cộng đồng.

a2..jpg

Chính sách chi trả DVMTR, tăng thêm màu xanh cho những cánh rừng

Ông Mùa A Chống, Bí thư Chi bộ bản Háng Pu Xi, xã Phì Nhừ (huyện Điện Biên Đông) cho biết: Bản có quy định chung là không phá rừng làm nương, không cho phá rừng bừa bãi… Để bảo vệ, quản lý rừng, bà con phải tuần tra theo lịch cứ 1 tuần sẽ đi rừng tuần tra 1 lần để phát hiện người vi phạm, giải quyết kịp thời, không cho xâm hại đến rừng.

Các cộng đồng thôn, bản đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình trong quản lý, bảo vệ rừng. Ông Lường Văn Chung, Trưởng bản Nà Hỳ 1, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, cho biết: Trước kia, diện tích rừng trong bản do 2 bản: Nà Hỳ 1 và Nà Hỳ 2 quản lý, bảo vệ. Thế nhưng, đến nay 2 bản đã tách ra thành 3 bản thì các bản vẫn cùng bảo vệ chung và thống nhất sẽ cắm mốc hết các chỗ giáp ranh để các bản khác không đến xâm canh. Rừng là tài sản chung của cả 3 bản nên chúng tôi sẽ cùng nhau bảo vệ thật tốt; đồng thời phải thống nhất, chủ động xây dựng và thực hiện các biện pháp, cách làm phù hợp để bảo vệ rừng cũng như cùng nhau phối hợp tuần tra, phòng cháy chữa cháy rừng.

Chính sách chi trả DVMTR đã làm thay đổi nhận thức của người dân về bảo vệ rừng, giúp bà con tăng thêm nguồn thu nhập từ DVMTR, qua đó tạo động lực để người dân gắn bó, bảo vệ rừng, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ diện tích rừng tái sinh. Từ nguồn tiền DVMTR nhận được, các hộ gia đình có thêm khoản tiền để đầu tư sinh kế. Còn các cộng đồng dân cư, có nguồn kinh phí để xây dựng, sửa chữa đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, kênh mương thủy lợi, đường điện chiếu sáng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên tác động tích cực từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO