Điện Biên: Ô nhiễm môi trường thách thức sự phát triển bền vững

24/08/2016 00:00

(TN&MT) – Ngày 24/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phú đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường. Tại điểm cầu tỉnh Điện Biên, ông Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

         

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Điện Biên
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Điện Biên

Đối với tỉnh Điện Biên, trong thời gian qua, nhận thức về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường trong các cấp, ngành và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh đã dần được nâng cao. Tỉnh Điện Biên xác định: Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là một trong những nội dung cơ bản của sự phát triển bền vững. Tập trung khắc phục tư tưởng chỉ chú trọng đến phát triển kinh tế - xã hội mà coi nhẹ bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi gia đình và của mỗi người.

Trong giai đoạn 2010 – 2016, công tác bảo vệ môi trường của tỉnh Điện Biên đã được chú trọng quan tâm và đạt được một số kết quả nhất định. Trong xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đã có quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Điện Biên đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh đến năm 2020 định hướng đến năm 2030; kế hoạch hành động chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã được ban hành.

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức  về bảo vệ pháp luật được chú trọng, định kỳ hàng năm triển khai các cuộc mít tinh, hưởng ứng các ngày lễ lớn về môi trường, tổ chức triển khai Luật Bảo vệ môi trường đối với các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Công tác thẩm định, cấp phép môi trường được củng cố.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên phối hợp cùng Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường, Phòng Cảnh sát môi trường – Công an tỉnh Điện Biên kiểm tra 830 lượt đối với 170 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, lập biên bản vi phạm hành chính 72 cơ sở với tổng số tiền phạt là 729.750.000 đồng; Thực hiện xử lý 4 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...

Ngoài những mặt tích cực đã đạt được, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, ô nhiễm môi trường đang là một trong những thách thức đối với sự phát triển bền vững của tỉnh Điện Biên. Nhiều vấn đề cho thấy môi trường đang dần bị hủy hoại : Tình trạng đất đai bị xói mòn rửa trôi, khô hạn, mất chất hữu cơ... đã và đang xảy ra ở một số khu vực. Hiện trạng lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, thuốc kích thích sinh trưởng trong nông nghiệp chưa được kiểm soát. Tài nguyên nước suy giảm, một số vùng thiếu nước vào mùa khô, rác thải, nước thải công nghiệp và sinh hoạt thải ra môi trường chưa được thu gom, xử lý dẫn đến ô nhiễm cục bộ tại một số điểm tiếp nhận...

Năng lực cán bộ quản lý môi trường ở cấp huyện, cấp xã còn nhiều hạn chế. Chất thải rắn chưa được thu gom và xử lý triệt để, việc xử lý chất thải nguy hại còn nhiều hạn chế, đặc biệt là cấp phép xử lý chất thải nguy hại khó thực hiện tại địa phương do chưa có cơ sở xử lý đạt yêu cầu.

Công tác kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm, đánh giá hiện trạng môi trường trong tỉnh còn nhiều hạn chế; công tác xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và các cơ sở mới phát sinh ô nhiễm chưa triệt để, chưa đạt tiến độ đề ra.

Ngoài ra, một trong những vấn đề được UBND tỉnh Điện Biên, quan tâm là tình trạng mất rừng, phá rừng, và di dân tự do. Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Điện Biên giảm mạnh xuống còn 38,5%, nguy cơ sa mạc hóa của tỉnh ngày càng cao. Đặc biệt tại huyện Mường Nhé, chỉ trong một thời gian ngắn( từ năm 2013 đến tháng 6/2015) diện tích rừng bị phá trên địa bàn huyện là 474,4ha. Đối tượng vi phạm chủ yếu là dân di cư tự do, hành vi phá rừng tinh vi, vi phạm có tổ chức, chống đối người thi hành công vụ.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả, năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, tỉnh Điện Biên đề ra những nhiệm vụ, giải pháp: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ môi trường, chú trọng và thực hiện hương ước, quy ước cam kết bảo vệ môi trường; tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường nguồn lực tài chính, đẩy nhanh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, tăng tỷ lệ đầu tư cho bảo vệ môi trường từ nguồn vốn đầu tư của tỉnh, chú trọng xây dựng các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường...

Tin & ảnh: Hà Thuận

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Ô nhiễm môi trường thách thức sự phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO