Điện Biên: Nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm trong sản xuất rong riềng

28/09/2017 00:00

(TN&MT) – Khoảng nửa tháng nữa mùa sản xuất rong riềng ở các xã vùng ngoài huyện Điện Biên chính thức bắt đầu. Để đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước trong sơ chế dong riềng, các cấp chính quyền huyện, xã và các chủ cơ sở sản xuất đang nỗ lực thực hiện,  thay đổi phương thức sản xuất mới.

UBND huyện Điện Biên yêu cầu các cơ sở sản xuất dong riềng xây dựng, gia cố hệ thống các ao, bể bể chứa bã thải và nước thải, đảm bảo lắng lọc trước khi xả ra môi trường
UBND huyện Điện Biên yêu cầu các cơ sở sản xuất dong riềng xây dựng, gia cố hệ thống các ao, bể bể chứa bã thải và nước thải, đảm bảo lắng lọc trước khi xả ra môi trường

Dọc quốc lộ 279, khu vực thuộc địa phận xã Nà Nhạn, Nà Tấu, huyện Điện Điên tập trung nhiều nhất các cơ sở sở chế rong riềng, khoảng trên dưới 10 cơ sở và đều được đặt ngay cạnh dòng sông Nậm Rốm. Nhiều năm trước đó, hoạt động sản xuất sơ chế dong riềng của các cơ sở này đã gây ra nhiều nhức nhối cho vấn đề môi trường, nguồn nước...

Chuẩn bị bước vào mùa sản xuất dong riềng năm 2017, chính quyền huyện Điện Biên, UBND các xã và đại bộ phận các chủ cơ sở sản xuất dong riềng đã thay đổi nhận thức, đầu tư phương tiện sản xuất mới nhằm hạn chế tối đa việc xả thải ra nguồn nước, ảnh hưởng tiếng ồn và có kế hoạch thu gom, xử lý bã thải.

Ngay từ giữa tháng 8 năm 2017, UBND huyện Điện Biên đã chủ động xây dựng kế hoạch giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, đơn vị chức năng và các xã tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động chế biến dong riềng trên địa bàn. Chính quyền các xã, đặc biệt là xã Nà Nhạn, Nà Tấu, Mường  Phăng cần khẩn trương rà soát các cơ sở, tiến hành kiểm ra, đôn đốc chủ sản xuất bắt buộc phải xây dựng các ao, bể bể chứa bã thải và nước thải kiên cố đảm bảo lắng lọc trước khi xả ra môi trường. Trong quá trình sản xuất cơ quan chức năng cần thường xuyên giám sát, tiến hành kiểm tra đột xuất nếu phát hiện sai phạm cần xử phạt, đình chỉ hoạt động.

Năm nay, diện tích trồng rong riềng của bà con xã Nà Tấu, huyện Điện Biên tăng gấp đôi so với năm 2016, diện tích khoảng 350 ha, dự ước sản lượng đạt 60 tấn/ha. Hy vọng một vụ dong riềng năng suất sẽ góp phần đưa kinh tế hộ gia đình phát triển.

Hệ thống thùng khuống sẽ được thay thế bằng hệ thống thùng bom để giảm thiểu nước thải ra môi trường.
Hệ thống thùng khuống sẽ được thay thế bằng hệ thống thùng bom để giảm thiểu nước thải ra môi trường.

Ông Giàng A Chợ, Chủ tịch UBND xã Nà Tấu cho biết: Mùa sản xuất dong riềng năm nay chúng tôi sẽ nghiêm chỉnh thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của UBND huyện, không để bà con phàn nàn hay cấp trên nhắc nhở về tình trạng ô nhiễm môi trường nữa. Thời điểm sắp vào chính vụ chế biến dong riềng, phía chính quyền xã đã rà soát lại tất cả các cơ sở yêu cầu gia cố bể chứa, cũng như yêu cầu ký cam kết bảo vệ môi trường. Vấn đề này, năm nay chắc chắn sẽ hạn chế được vì như mùa sản xuất năm ngoái 100% các cơ sở đã không còn tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường. Đối với bã thải từ dong riềng, bà con đã tận dụng để làm phân bón cho cây trồng, nhiều cơ sở thu mua để trồng nấm... tránh được ô nhiễm môi trường do bã thải dong riềng gây ra.

Chúng tôi đến cơ sở sản xuất của anh Vũ Văn Năm, tại trung tâm xã Nà Tấu, trong lúc các công nhân đang tiến hành sửa chữa hệ thống máy móc để chuẩn bị cho một mùa sản xuất dong riềng mới. Một điều mới ở cơ sở sản xuất này là toàn bộ hệ thống thùng khuống để sơ chế dong riềng trước kia đang được thay thế bởi hệ thống thùng bom.

Nhiều cơ sở sản xuất dong riềng đang tu sửa, xây dựng hệ thống máy móc để chuẩn bị cho mùa sản xuất dong riềng mới.
Nhiều cơ sở sản xuất dong riềng đang tu sửa, xây dựng hệ thống máy móc để chuẩn bị cho mùa sản xuất dong riềng mới.

Anh Vũ Văn Năm, chia sẻ: Trước kia chúng tôi dùng thùng khuống thì phải tốn rất nhiều nước để rửa và sơ chế. Đồng nghĩa với lượng nước thải trực tiếp ra các bể chứa, bể lắng trước khi thải ra môi trường sẽ rất lớn. Việc thay thế bằng hệ thống thùng bom sẽ giúp cho việc sản xuất giảm lượng nước thải ra môi trường bởi nếu trung bình mỗi ngày chúng tôi sản xuất khoảng 3 tấn dong riềng thì lượng nước sử dụng để sơ chế chỉ hết khoảng 6m3. Hơn thế việc sử dụng hệ thống này còn giúp giảm thiểu tiếng ồn do guồng quay của thùng khuống gây ra.

“Chúng tôi đã được UBND xã Nà Tấu tuyên truyền và yêu cầu ký cam kết bảo vệ môi trường. Từ đó, chủ động xây dựng, gia cố lại hệ thống bể chứa, bể lắng đảm bảo để không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.” Anh Năm khẳng định.

Trước việc UBND huyện Điện Biên chủ động chỉ đạo UBND các xã tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất dong riềng cùng với nhận thức của các cơ sở sản xuất đã và đang dần thay đổi, hy vọng tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất dong riềng gây ra sẽ được giảm thiểu.

Nam Hương – Hà Thuận

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm trong sản xuất rong riềng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO