Điện Biên: Lập cơ sở dữ liệu số trong quản lý đất đai khi nào cán đích?

Trần Hương| 04/05/2021 19:47

(TN&MT) - Lập Cơ sở dữ liệu số và bản đồ địa chính là điều trăn trở của những người làm chuyên môn và khó thực hiện nhất ở Điện Biên. Hiện nay, tỉnh Điện Biên còn 9/11 huyện, thị xã chưa có bản đồ đo đạc địa chính. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý đất đai. Đặc biệt trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, giải quyết tranh chấp đất đai và công tác quy hoạch sử dụng đất.

Công tác đo đạc của Văn phòng ĐKQSDĐ chủ yếu phục vụ cho các nhu cầu đo đạc của các hộ dân

Huyện Điện Biên là một trong những huyện có nhiều điều kiện thuận lợi hơn so với 9 huyện, thị còn lại của tỉnh Điện Biên đến nay chưa có cơ sở dữ liệu số và bản đồ địa chính, chính quy. Huyện có tổng số 21 xã. Trong đó, có 12 xã biên giới và 9 xã vùng lòng chảo; hầu hết các xã đều chưa có bản đồ địa chính, chính quy, điều này rất khó khăn cho điạ phương trong việc thực hiện quy hoạch đất đai và đặc biệt công tác giải quyết tranh chấp đất đai ở những vùng điều kiện kinh tế phát triển, những vùng đất có giá trị lớn; trung bình mỗi năm Phòng TN&MT huyện Điện Biên thụ lý khoảng gần 50 đơn thư, khiếu nại liên quan đến việc tranh chấp đất đai.

Ông Đặng Văn Tuấn, Phó phòng Phụ trách Phòng Tài nguyên và Môi trường, huyện Điện Biên, cho biết: Năm 1994 huyện có bản đồ địa chính, có sổ mục kê bằng giấy, không có fai số, nên rất khó xác định tọa độ và tất cả đã cũ nát. Trải qua nhiều thời kỳ, dữ liệu thay đổi, không được cập nhật, chỉnh lý thường xuyên nên rất khó trong việc xác định tọa độ và mốc giới.

Không có bản đồ đo đạc địa chính, chính quy nên rất khó khăn trong việc đền bù giải phóng mặt bằng của các dự án Nhà nước thu hồi đất 

Hiện nay, 19 xã vùng ngoài chỉ có bản đồ kiểm kê đất đai, bàn đồ hiện trạng sử dụng đất. Những bản đồ đó chỉ mang tính ước lệ từng khoảnh, từng vùng… chứ không chi tiết đến từng hộ. Đặc biệt là đất ở, đòi hỏi phải chi tiết đến từng xentimet. Cũng vì đất ở có giá trị hơn đất rừng, đất ruộng… nên thường xuyên xảy ra tranh chấp.. và rất khó giải quyết vì không có bản đồ địa chính nên không có cơ sở mà chủ yếu chỉ dựa vào hiện trạng sử dụng và một số giấy tờ liên quan, nhưng độ chính xác không cao.

Riêng năm 2020, huyện Điện Biên có khoảng 30 vụ tranh chấp đất đai đã giải quyết thành công, còn một số vụ không thể xử lí được do không có cơ sở dữ liệu để làm căn cứ. Nên việc giải quyết tranh chấp đất đai ở cơ sở chủ yếu dựa vào công tác hòa giải và tuyên truyền vận động người dân làm sao cho hài hòa các bên. - Ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng cho biết thêm: Để có được tờ bản đồ đo đạc địa chính và fai cơ sở dữ liệu số thì huyện phải bỏ ra một số tiền tương đối lớn. Bình quân mỗi xã khoảng 7 – 8 tỷ đồng để thuê đơn vị tư vấn đo đạc, khảo sát, thiết kế. Trong khi đó, ngân sách của huyện rất hạn hẹp. Mỗi năm chỉ trích ra được khoảng 10% trong tổng số tiền đấu giá quyền sử dụng đất. Điển hình năm 2020, huyện Điện Biên đấu 22 lô đất thu về đđược 36 tỷ đồng, nếu trích 10% trong số đó thì được khoảng 3,6 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, mỗi xã thuê đơn vị khảo sát thiết kế phải mất số tiền gấp đôi (tương đương 7 tỷ đồng)… và huyện Điện Biên có đến 21 xã thì chưa biết khi nào có thể hoàn thành cơ sở dữ liệu số và bản đồ địa chính để phục vụ cho công tác quản lý đất đai. Nếu có được cơ sở dữ liệu số thì người dân có thể ngồi ở nhà cũng biết được mảnh đất của mình ở vị trí nào, tọa độ nào, thuộc số lô, số thửa nào…

Tựu chung lại, bản đồ đo đạc địa chính là công cụ giúp Nhà nước thực thi các nhiệm vụ, công việc có liên quan đến đất đai như: giải quyết tranh chấp, quy hoạch đất đai, đền bù… Lập hồ sơ để chuyển đổi mục đích sử dụng đất; làm cơ sở để lập hồ sơ cấp “sổ đỏ” cho cá nhân, tập thể và lập hồ sơ xin phép xây dựng nhà ở dân dụng hoặc công trình dân sinh khác. Đồng thời, cung cấp thông tin về đất đai và cơ sở pháp lý cho việc thừa kế, chuyển nhượng, cho tặng, thế chấp, kinh doanh bất động sản.

Việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận đất lâm nghiệp đã được tỉnh Điện Biên thực hiện tương đối tốt. Tuy nhiên phần đất ở và công tác quy hoạch...và nhiều nội dung khác thì vẫn phải cần đến bản đồ đo đạc địa chính, chính quy.  

Để giải quyết bài toán về quản lí đất đai, huyện Điện Biên đang có chủ trương xin trích lại 20% tiền đấu giá đất hàng năm của huyện để thuê đơn vị tư vấn khảo sát, đo đạc bản đồ địa chính. Trước mắt, đơn vị này bắt đầu thí điểm xã Thanh Xương (một trong 9 xã của lòng chào Điện Biên) mời đơn vị tư vấn đến đo đạc bản đồ địa chính, lập cơ sở dữ liệu số đầu tiên của huyện. Tuy nhiên, đến nay số tiền mới chỉ đáp ứng được ½ so với tổng mức phải chi trả cho nội dung này.

Đây là một trong những nguyên nhân khó cán đích trong việc lập cơ sở dữ liệu số, đo đạc bản đồ địa chính, chính quy của huyện Điện Biên nói chung và của các huyện, thị trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói riêng. Đến giờ vẫn chưa có huyện nào của tỉnh Điện Biên đề ra được giải pháp để đẩy nhanh lộ trình cán đích việc lập cơ sở dữ liệu số trong quản lý đất đai tại địa phương (loại trừ những huyện 30a), vì số tiền chi cho việc trích đo là quá lớn so với các huyện miền núi của tỉnh Điện Biên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Lập cơ sở dữ liệu số trong quản lý đất đai khi nào cán đích?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO