Điện Biên: Kiểm soát ô nhiễm, không để phát sinh điểm “nóng” về môi trường

05/06/2018 08:42

(TN&MT) – Điện Biên là tỉnh miền núi, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT) còn hạn chế. Tuy nhiên sự tích cực, chủ động kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải gây ô nhiễm, xử lý kịp thời của địa phương đã đem lại những kết quả khích lệ trong công tác bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường.

Áp lực gia tăng ô nhiễm môi trường

Theo mục tiêu phát triển của các cấp, ngành tỉnh Điện Biên phấn đấu đến 2020, nỗ lực kiến thiết toàn diện cơ sở hạ tầng đô thị, đưa thành phố Điện Biên Phủ trở thành đô thị loại II và là thành phố trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa – thể dục thể thao, giáo dục, khoa học kỹ thuật, y tế, du lịch và dịch vụ của tỉnh Điện Biên; Hệ thống hạ tầng cơ sở đô thị, khu công nghiệp chế xuất, cụm công nghiệp làng nghề, khu đô thị, khu dân cư tập trung đang hình thành và đầu tư xây dựng và hoàn thiện ở mức độ cao… Trong khi đó, tình hình suy giảm diện tích rừng do nguyên nhân: chặt phá, cháy rừng, chuyển đổi mục đích rừng, đất lâm nghiệp có chiều hướng gia tăng

Ông Phan Hiền, Phó Giám đốc Sở TN&MT Điện Biên (thứ 3 bên phái) tham gia trồng cây xanh hưởng ứng hoạt động BVMT
Ông Phan Hiền, Phó Giám đốc Sở TN&MT Điện Biên (thứ 3 bên phái) tham gia trồng cây xanh hưởng ứng hoạt động BVMT


Thống kê giai đoạn, năm 2012 đến nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 70 dự án thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp, với tổng diện tích chuyển đổi gần 800ha. Mỗi năm địa phương còn ghi nhận hàng chục vụ cháy rừng và hàng trăm vụ phá rừng trái phép. Điển hình năm 2017, cả tỉnh đã xảy ra 13 vụ cháy rừng, thiệt hại trên 6ha rừng và phát hiện 256 vụ phá rừng trái phép, thiệt hại trên 80ha rừng.

Cùng với đó, tốc độ đô hóa đô thị mạnh mẽ, dân số tăng kéo theo áp lực gia tăng ô nhiễm môi trường phức tạp. Các nguồn ô nhiễm môi trường chủ yếu từ khói bụi, tiếng ồn từ các hoạt động xây dựng, thương mại, giao thông, công nghiệp, khai thác chế biến khoáng sản...

Theo kết quả phân tích, không khí trên địa bàn trung tâm các huyện, thị, thành phố các năm gần đây, cho thấy các thông số ô nhiễm có xu hướng gia tăng về nồng độ ô nhiễm, nguyên nhân từ hoạt động say xát, sản xuất gạch ngói và sự gia tăng phương tiện giao thông... Ngoài ra, một số chỉ tiêu COD, phân tích trong môi trường nước mặt tại một số sông, hồ trên địa bàn tỉnh cũng đang vượt quy chuẩn cho phép…
 

Đoàn kiểm tra của Chi cục BVMT tỉnh và huyện Điện Biên kiểm tra hoạt động sản xuất của Nhà máy chế tiến tinh bột sắn Hồng Diệp (Điện Biên)
Đoàn kiểm tra của Chi cục BVMT tỉnh và huyện Điện Biên kiểm tra hoạt động sản xuất của Nhà máy chế tiến tinh bột sắn Hồng Diệp (Điện Biên)


Hiện nay, trung bình một ngày tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị và nông thôn tỉnh Điện Biên thải ra môi trường khoảng 225,8 tấn/ngày; lượng nước thải đô thị phát sinh khoảng 9.000m3/ngày-đêm, chất thải rắn công nghiệp phát sinh khoảng 35 nghìn tấn/năm. Ngoài ra, lĩnh vực y tế, giao thông vận tải, công nghiệp còn phát sinh khoảng 70 tấn chất thải nguy hại mỗi năm…

Chủ động kiểm soát, không để phát sinh điểm “nóng” về môi trường

Mặc dù còn nhiều khó khăn thu hút các nguồn lực đầu tư cho hoạt động BVMT, song tỉnh Điện Biên luôn thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường được ngành tài nguyên môi trường (TN&MT) tỉnh thực hiện chủ động và mở rộng cả về phạm vi, quy mô; không để phát sinh các điểm nóng về ô nhiễm môi trường.

Công tác quản lý, chỉ đạo điều hành theo hướng chủ động, sáng tạo và toàn diện trên các mặt công tác của ngành, nổi bật là công tác tham mưu cho tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật của ngành được thực hiện kịp thời và đảm bảo chất lượng; chú trọng thực hiện tốt việc kiểm soát thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trên các mặt công tác. Công tác thanh tra, kiểm tra được chỉ đạo triển khai trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, từ đó kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Các hoạt động BVMT cộng đồng luôn thu hút đông đảo ĐVTN tham gia
Các hoạt động BVMT cộng đồng luôn thu hút đông đảo ĐVTN tham gia


Trên lĩnh vực môi trường, công tác quản lý Nhà nước về môi trường tiếp tục được quan tâm và đạt được kết quả khá. Sở TN&MT Điện Biên đã chủ động tham mưu cho tỉnh một số chương trình, kế hoạch, chính sách về công tác BVMT, như: Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, BVMT; Kế hoạch của tỉnh về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT; Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh…

Ngành còn chủ động mở rộng phạm vi, quy mô phòng ngừa, kiểm soát, khắc phục và cải thiện tình trạng ô nhiễm, không để phát sinh các điểm nóng về môi trường; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh, thanh tra Sở TN&MT tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, trang trại chăn nuôi có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư, đô thị, kết quả đã hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã xử lý, đạt trên 50%; Tỷ lệ thu gom: chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị đạt 90%; chất thải rắn công nghiệp, tiểu thủ công đạt 80%; chất thải rắn y tế thông thường đạt 90% và đạt 100% tỷ lệ thu gom chất thải y tế nguy hại...

Công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được thực hiện hiệu quả, trong năm 2017 và 5 tháng đầu năm 2018, Sở TN&MT Điện Biên đã thẩm định 22 báo cáo đánh giá tác động môi trường, 5 phương án cải tạo phục hồi môi trường; trình UBND tỉnh phê duyệt 11 báo cáo ĐTM, 5 phương án cải tạo phục hồi môi trường; xác nhận 19 kế hoạch bảo vệ môi trường; cấp 03 sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; thu trên 300 triệu đồng phí BVMT; ngoài ra, còn hướng dẫn UBND cấp huyện xác nhận trên 150 bản kế hoạch, đề án BVMT đơn giản.
 

Điện Biên phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường bền vững
Điện Biên phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường bền vững


Bà Trần Thị Thanh Phượng, Chi cục Trưởng Chi cục BVMT tỉnh Điện Biên, cho biết: Thời gian qua, hoạt động quản lý Nhà nước về BVMT được triển khai thực hiện toàn diện trên các mặt công tác, khẳng định vai trò lão đạo thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực. Công tác BVMT được các cấp, ngành quan tâm. Hệ thống tổ chức bộ máy quản lý môi trường tiếp tục được hoàn thiện, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật từng bước đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Đặc biệt công tác BVMT được đẩy mạnh, phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vụ việc, cơ sở có dấu hiệu gây ô nhiễm; các điểm nóng về môi trường cơ bản được xử lý. Công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được thực hiện chặt chẽ và nâng cao chất lượng. Phong trào quần chúng nhân dân, các cấp, ngành, đặc biệt là các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia BVMT được duy trì và phát động thường xuyên. Môi trường của tỉnh đã có nhiều chuyển biến so với những năm trước đây như mật độ cây xanh đô thị, vệ sinh môi trường đô thị, nông thôn, môi trường của các cơ sở y tế, tỷ lệ che phủ rừng và đa dạng sinh học từng bước được nâng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Kiểm soát ô nhiễm, không để phát sinh điểm “nóng” về môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO