Điện Biên: Giải pháp nào cho Sá Tổng?

Trần Hương | 24/03/2021, 18:50

(TN&MT) - Sá Tổng trên đỉnh Ca - la – vô, ngược đường 6. Những ngôi nhà người Mông, lúp xúp, lưa thưa dưới thung, bao quanh núi dựng. Ở đây, 70% hộ nghèo và cận nghèo, nhưng gạo chưa phải là thứ họ cần nhất.

Sùng Thị Và, người phụ nữ Mông bản Dế Da mới ngoài 20 tuổi đã có 2 mặt con. Cuộc sống quẩn quanh nương rãy và thiếu thốn

Người Mông, Sá Tổng ước mơ gì?

Sá Tổng chênh vênh trên đỉnh đèo Calavo ngược đường 6. Đồi Sá Tổng đương trở mình trong cơn khát, đất khô nỏ, lạo xạo dưới chân người. Bao thế hệ người Mông sinh ra và lớn lên ở Sá Tổng (một xã nghèo của huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên), chứng kiến những ngày tháng thiếu ăn và thiếu nước.

Họ trần tình với câu nói trần trụi. “Mình chỉ có biết sống nhờ vào trời... kia thôi. Trời... cho nước về thì người Mông mình sẽ có gạo để.. a... Năm nào nó không cho nước về thì người Mông mình... chịu. Không có nước thì làm gì sống được. Đúng không? Mình nói như thế đúng không?” – người đàn ông Mông tên Hờ Nhè Sò , bản Dế Da, người nhỏ thó, da đen cháy bấu vào những ống đồng, khắc khổ.

Con trai của ông Sò tên Hờ A Cá, (ngoài 30 tuổi) tất thảy 5 đứa con lít nhít, chúng cởi chuồng lông nhông, thấy khách lạ đến nhà chúng đu bám sau cánh cửa, mặt mũi lấm lem ngó trộm... Cá chỉ tay về phía 2 người đàn ông Mông đang cầm rựa, nói: “Hai thằng kia là em của bố mình, nó đến để đi xem đường nước.”

Bản Dế Da của bố con Cá là trung tâm UBND xã Sá Tổng, toàn xã có hơn 810 hộ và 5.000 nhân khẩu, ở 10 bản. Trong đó, 602 hộ nghèo, chiếm hơn 70% dân số cả xã. Thiếu nước sinh hoạt và sản xuất trong nông nghiệp là một trong những nguyên nhân khiến xã Sá Tổng làm cho tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vài năm trở lại đây có xu hướng gia tăng.

Bao đời nay, người Mông ở sá Tổng vẫn trông chờ dòng nước chảy từ trời để gieo cấy, họ vật lộn với cái nghèo và chưa khi nào hết khát. 180ha ruộng bậc thang cấy lúa một vụ, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước mưa từ trời. lúa nương 435ha; ngô nương 450ha; đậu tương 120ha; sắn 45ha bao nhiêu lần tra hạt là bấy nhiêu lầ người Mông Sá Tổng họ gửi ước mơ, tương lai của mình vào đất. Cầu mong cho mưa thuận gió hòa, cho vụ mùa tươi tốt. Nhưng đất đã phụ công người từ khi con người đã phụ đất từ lâu lắm rồi.

Một góc ảnh chụp bản Tìa Nhỏ, xã Sá Tổng

Đất xua con suối Đề Dê, Trung Ghênh, Sà Phìn đi đâu mất. Thật không hay tại con người đã phũ phàng giày xéo bào mòn đất và nước để một ngày nhận ra sự phụ bạc với mùa màng là tất yếu.

Trước, thác nước suối Sà Phìn ở phía đầu nguồn Dế Da đổ con dốc lao ầm ầm gây âm vang sức vóc tự nhiên. Suối có nước là nguồn tắm mát cho hàng trăm héc - ta lúa mùa, lúa chiêm 2 vụ. Bao cây trồng, vật nuôi đều có một phần năng lượng của suối.

Nay, suối buồn thiu trơ đáy nằm khô khốc như một sự giã từ hoạt động, người dân hoang mang nhẩm tính sự thất bát bủa vây đói nghèo chưa biết khi nào thì kết thúc. Dẫu đói nghèo là vậy, nhưng lúa gạo vẫn chưa phải là niềm ước mơ khao khát tột cùng của họ. Mà họ mơ một ngày có nước.

Đêm Sá Tổng chơi vơi, ánh trăng non đổ xuống đồi trẩu khoang khuếch. Đất khát đã làm cho chén rượu đón khách của người Mông nồng cay, sóng sánh có thêm nhiều vỡ vụn... Trước khi ngủ, vợ Cá vẫn kịp mang cho tôi chiếc váy là của hồi môn trong ngày cưới để đắp tạm. Chiếc giường đón khách làm bằng thân tre đập dập, bố con Cá vẫn còn chuyện trò cử nhau ngày mai đi canh nước...

Thâu đêm, ông Sò nói về đời mình, đời người ở Sá Tổng bao năm gieo ngô trỉa hạt ước mơ một suối chảy về từ quá khứ để tắm mát ruộng đồng. Nhưng ngày ấy xa quá rồi. Giờ thì ông mong có một dòng kênh nhỏ làm bằng trí óc của người Kinh để dẫn nước từ trong khe Tìa Nhỏ về cấy lúa 2 vụ.

Câu chuyện của ông nhỏ dần, ngắt quãng rồi im bặt. Đêm khuya ai đó trở mình hoang mang vì bản tin thời tiết chuyển màu nắng nóng, nhiệt độ tăng cao.

Ngày mai... xa lắm

“Sá Tổng trải qua bao nhiêu năm rồi vẫn thế. Chỉ có con người già nua cũ kĩ đi và chỉ có những câu chuyện về nước là luôn nóng.” – Cô giáo Trịnh Thị Hường, quê ở Hưng Yên lên đây cùng chồng từ những năm chín mấy. Hiện đang là Hiệu trưởng Trường PTDTBTTH số 2 Sá Tổng. 30 năm cô cùng chồng mình thầy giáo là Hoàng Văn Hoàn đã chứng kiến bao nhiêu thế hệ học sinh lớn lên ở Sá Tổng. Bao đời lãnh đạo xã từng là học sinh của cô tâm; huyết cũng cứ vơi dần theo năm tháng mà Sá Tổng vẫn chưa thoát nghèo. Nhưng thời gian thật vô tình và bội bạc. Cho đến bây giờ, chồng cô đã về với cõi phật mà Sá Tổng vẫn chưa thể thoát nghèo.

Em bé người Mông bản Dế Da, xã Sá Tổng, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên

Trường học của cô có tổng số hơn 500 học sinh và có gần 300 học sinh ăn bán trú tại trường và 40 giáo viên. Cứ đến mùa khô là thiếu nước ăn cho các cháu. Hiện nay nguồn nước ăn ở trường cho các cháu phải lấy từ rất xa, ở tận một khe suối nhỏ dẫn nước về. Song đường ống nhiều khi bị trâu bò thả rông của người dân đi lại phá hỏng... là cả tuần trời nhà trường mất nước.

 Nhà trường có đề nghị và làm tờ trình xin xã một chút kinh phí để sửa đường ống nước... nhưng là xã nghèo nên cũng chỉ nhìn nhau cười trừ “cô giáo thông cảm cho mình, xã không có tiền cô giáo ơi...”

Bây giờ vùng cao đang bước vào mùa khô, người dân các bản Trung Ghênh rồng rắn mang can, gùi, thùng nhựa ra tận trung tâm Trụ sở UBND xã hơn 2km để cõng nước về phục vụ sinh hoạt.

- Làm thế nào mà Sá Tổng mình cứ nghèo mãi thế anh Hồ ơi? – Bí thư Đảng ủy xã Sá Tổng, Giàng Bia Hồ, người bản Dế Da, là học sinh cũ của cô giáo Hường làm chủ tịch hết 2 khóa, rồi sang làm bí thư. Anh cười hiền hóm hỉnh: “Mình cũng không biết, dân mình ở đây thì khổ quá. Mình cũng khổ..”

Anh Hồ chia sẻ về những chính sách của Đảng và Chính phủ dành cho xã mình. Từ nâng cấp đường bê tông 7,5km từ Quốc lộ 6 vào Trung tâm xã; làm mới nhà văn hóa, đường bê tông, thôn bản; Trung tâm y tế, Trụ sở làm việc của HĐND-UBND xã.

Rồi một loạt các chương trình, dự án triển khai, tập huấn chuyển giao khoa học - kĩ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi v.v… Nhưng khi kết thúc các chương trình, dự án thì, dự án cũng về luôn theo chân cán bộ, hầu hết các hộ dân lại quay lại với phương thức trồng trọt và chăn nuôi lạc hậu như xưa.

Và có lẽ nguyên nhân sâu xa là thiếu nước trong sản xuất nông nghiệp. Hai thập kỷ qua, xã Sá Tổng có duy nhất 1 công trình thủy lợi nhỏ được xây dựng từ năm 2000 ở bản Đề Dê để phục vụ tưới tiêu cho cánh đồng 12ha ruộng cấy lúa nước của bản. Nay công trình thủy lợi ấy cũng đã xuống cấp, người Mông bản Đề Dê cũng chỉ còn canh tác 1 vụ. Nghèo đói bủa vây... bản làng buồn thiu, xơ xác. Lương thực bình quân đầu người của Đề Dê nói riêng và cả xã Sá Tổng nói chung chỉ đạt chưa đầy 300kg/người/năm.

Cũng chẳng phải đâu xa, Bí thư Đảng ủy xã, Giàng Bia Hồ ngày tháng 3 giáp hạt, gia đình anh vẫn còn đứt bữa. Tụi nhỏ vẫn phải thường xuyên nghỉ học để đi nương. Nghe anh trần tình về mình mà tôi buồn lặng buồn sâu.

Quá ngọ. Tiễn tôi ra đầu bản, anh Hồ, Bí tư Đảng ủy xã xiết chặt tay giật giật: “Lúc nào có báo gửi về cho mình nhé. Nếu về tỉnh gặp cán bộ to thì nói Sá Tổng mình cần cái mương dẫn nước cho người Mông mình cấy lúa. Nói hộ nhé. Thế nhé..!

Tôi gật đầu nhìn sâu vào mắt Bí thư Hồ như một lời hứa. Và tôi biết, dù bài viết của tôi có dài bao nhiêu cũng khô thể tả hết nỗi lòng khát khao, thăm thẳm của người Mông, Sá Tổng. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Tưng bừng ngày hội các dân tộc vùng Đông Bắc
(TN&MT) - Tối 2/11, tại TP. Lạng Sơn, Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
  • Lang Chánh (Thanh Hóa): Hiệu quả triển từ mô hình trồng lúa chất lượng cao
    Nhận thức được việc phát triển nông lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương, trong những năm qua, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân thị trấn Lang Chánh (Thanh Hóa) luôn trăn trở để tìm cây trồng phù hợp với địa phương. Năm 2022, thị trấn đã triển khai thí điểm mô hình lúa chất lượng cao tại cánh đồng lúa khu phố Trùng. Cũng nhờ mô hình thí điểm này đã gợi mở ra hướng phát triển kinh tế mới, không những tạo thêm công ăn việc làm, mà còn là cây xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân nơi đây.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO