Điện Biên Đông: Nhức nhối tình trạng khai thác vàng trái phép

Hà Thuận| 23/03/2020 17:02

(TN&MT) - Sau khi Công ty Cổ phần công nghiệp Molybden Việt Nam giải thể và bị rút giấy phép khai thác, tình trạng người dân tiếp tục vào tận thu, khai thác vàng trái phép tại mỏ vàng Háng Trợ, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) vẫn còn diễn ra hàng ngày, bất chấp hiểm nguy rình rập.

Tình trạng người dân vào khai thác vàng trái phép tại mỏ vàng Háng Trợ vẫn diễn ra hàng ngày.

Công ty Cổ phần công nghiệp Molybden Việt Nam (Cty Molybden) đã dừng hoạt động khai thác từ cuối năm 2016. Đến đầu năm 2017, Cty Molybden phá sản. Cuối tháng 6/2017, UBND tỉnh Điện Biên ban hành hai Quyết định số 578/QÐ-UBND và 579/QÐ-UBND về việc thu hồi đất, chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác khoáng sản vàng của Công ty này tại điểm mỏ trên.

Người dân vận chuyển đồ vào khai thác vàng.

Sau khi Cty Molybdel giải thể và rút lui khỏi mỏ vàng bản Háng Trợ, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, đã để lại một khai trường nhếch nhác, đất đai tiếp tục xói mòn, sụt lún nham nhở. Cả một vùng núi ngày đêm bị cày xới, rút lõi. Nước ngầm, nước mặt ở khu vực này đỏ ngầu, ảnh hưởng trực tiếp cuộc sống, sản xuất của người dân trong vùng.

Bất chấp các hiểm nguy đang rình rập, rất nhiều người dân đã đổ về mỏ vàng để tìm kiếm, tận thu và khai thác vàng trái phép. Không hề có thiết bị bảo hộ lao động trong quá trình đào bới tìm kiếm, vận chuyển đá ra khỏi mỏ vàng. Không có sự quản lý, mạnh ai người nấy làm, họ đua nhau tìm kiếm các “mạch vàng” còn sót lại với hy vọng vớ được vàng để “đổi đời”.

Những lán trại được dựng lên để người dân nghỉ ngơi sau khai thác vàng.

Có mặt tại mỏ vàng Háng Trợ ngày 20/3/2020, từ con dốc trên đỉnh núi, nơi trước đây Cty Molybden đặt nhà điều hành nhìn xuống là một thung lũng mênh mông có tổng diện tích gần 50ha, bủa vây những vách núi dựng đứng, cao ngất. Tận mắt nhìn khu vực mỏ vàng này càng thấy rõ sự trơ trọi của thiên nhiên nơi đây. Tiếng búa đanh, chát chúa của những phu vàng đang đục đá, đào hầm vọng lên giữa hoang vu…

Dưới cái nắng gắt gao của rẻo cao Điện Biên Đông, chúng tôi đi sâu xuống vùng lõi mỏ vàng bằng con đường đất vắt qua lưng chừng núi, một bên là vực sâu thẳm, một bên là vách núi đất cao ngất. Thoắt trong tầm mắt, dễ dàng phát hiện ra những tốp người đang đào bới, ghè đá, mò mẫm rửa đất đá. Họ cần mẫn đào bới, người cào cuốc, người khoan, ai ai cũng bận rộn… Và tuyệt nhiên chẳng ai cần để ý đến sự có mặt của chúng tôi.

Những chiếc xe thồ được trang bị để chở vàng ra bên ngoài.

Tiếp cận với nhóm 2 người đàn ông đang hì hụi đào, đục, đẽo đá tìm vàng. Trong khe hẹp chỉ vừa lọt một người đi, hai bên là vách đá dựng đứng, ngút tầm nhìn, có cảm giác thiếu ánh sáng và ngột ngạt do thiếu không khí. 2 người đàn ông này đang thay phiên nhau chui xuống hố đục đất đá, vận chuyển ra ngoài.

Phu vàng tên Tủa, bản Trống Mông, xã Phì Nhừ mới chạc 20 tuổi, gương mặt lấm lem chỉ biết nhìn chúng tôi cười trừ: Tranh thủ thời gian chưa vào mùa gieo hạt, chúng tôi vào đây tìm vàng cũng chỉ mong kiếm được vài đồng để đảm bảo cuộc sống. Sau khi đào xong chúng tôi chở ra ngoài kia để xay đá, tìm vàng.

Tại một hầm khác, một phu vàng tên Vàng A Lá, bản Chua Ta, xã Phì Nhừ cho chúng tôi biết. “Mình mới biết đào vàng cách đây khoảng 2, 3 năm thôi. Năm ngoái, có ngày mình may mắn tìm được mạch vàng, sau khi xay bán được 20 triệu đồng. Còn có thằng anh trai ở bản Trống Mông rất giỏi tìm vàng, không biết kiểu gì mà nó cứ đào được nhiều hơn mọi người, có ngày nhiều nhất nó bán được 99 triệu đồng…”

Những mạch đá được người dân đục khoét để tìm vàng.

Chúng tôi bắt gặp một phu vàng khác lớn tuổi có vẻ dè dặt, ngại tiếp xúc với người lạ. Khi được hỏi: “Chú có đào vàng không?” Chúng tôi nhận được câu trả lời: Không…! Trong khi đó, trên tay ông vẫn đang cầm mũi khoan và búa, điều đó như đang “tố cáo” lời nói của người đàn ông này.

Rút kinh nghiệm từ thực tế nhiều năm, nhiều phu vàng đã thay đổi phương thức tìm kiếm vàng bằng cách đắp đất, be bờ hoặc căng bạt ni-lông thành những túi nước có dung tích chứa lên đến hàng chục khối ở những nơi càng cao càng tốt, rồi gom nước của con suối trên thượng nguồn đổ về. Khi nước trong túi nước đủ đầy, sẽ được xả xuống để nước chảy xuống núi. Sau đó, người dân sẽ xuôi theo đường dòng nước chảy qua để tìm vàng.

 

Theo anh Vàng A Chu, địa chính xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông cho biết: Hiện tại trên địa bàn xã Phì Nhừ còn có khoảng 3 – 4 máy xay vàng. Đối với hoạt động khai thác vàng, xã chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền cho người dân không vào đào vàng. Tuy nhiên, người dân vẫn thay phiên vào đào vàng bất chấp việc chính quyền địa phương tuyên truyền.

Hiện tại vẫn chưa xác định được cụ thể trữ lượng vàng còn nhiều hay ít, nhưng thực trạng người dân đổ xô đi đào vàng vẫn đang diễn ra công khai trước sự bất lực của chính quyền địa phương này trong quản lý và kiểm soát an ninh trật tự.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên Đông: Nhức nhối tình trạng khai thác vàng trái phép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO